Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chị H Bhét Niê và “việc nhẹ lương cao” ở Ả Rập Xê Út

Hải Di Nguyễn

 

(VNTB) – “Tôi tìm mọi cách để rời Việt Nam, tôi sợ… Sợ ở nhà sẽ có ngày họ bắt vào tù, hoặc chết trong tay họ. Tại vì tôi thấy nhiều người như vậy, nhiều người chết oan.”

 

Năm 2018, cũng như bao người khác có hoàn cảnh khó khăn, chị H Bhét Niê (sinh năm 1993) quyết định sang Ả Rập Xê Út theo chương trình xuất khẩu lao động.

Chỉ khi đã tới Riyadh, chị mới nhận ra đó không phải là “việc nhẹ lương cao” như đã quảng cáo. Nhưng khi đó đã quá muộn, chị bị lấy đi giấy tờ lẫn điện thoại, không thể gọi công ty môi giới, cũng chẳng thể liên lạc người nhà – phải “chịu nhục” đến năm 2020 và tự nhốt mình trong phòng để được về Việt Nam.

Thế nhưng mọi chuyện không dừng ở đó.

Năm 2022, chị H Bhét Niê trốn sang tỵ nạn tại Thái Lan – vì sao? Tôi nghe chị kể câu chuyện của mình ngày 21/6/2023.

Xuất khẩu lao động

Chị H Bhét Niê là người Êđê đạo Tin lành, từ buôn Cư Canh, xã Ea Sin, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2018, chị “nghe thông tin từ H Muir Mlô, là cán bộ xã, và anh Phạm Ngọc Vị và Nguyễn Ngọc Ngà, là nhân viên Vinaco, giới thiệu đi làm ở Ả Rập Xê Út.” Theo lời chị, họ nói đó là “việc công ty” nhưng “họ không nói rõ, chỉ nói là việc nhẹ lương cao. Mình không biết gì, mình ở quê không biết gì, nên đã nghe họ nói vậy, vì hoàn cảnh khó khăn.”

Chị được học tiếng Ả Rập khoảng một tháng, và ngày 9/4/2018 tới Ả Rập Xê Út.

Làm việc từ 5 giờ sáng đến 2-3 giờ sáng

Chỉ khi đã sang Riyadh, chị H Bhét Niê mới nhận ra “ở đó không phải là công ty” mà “là làm ôsin” cho một gia đình tám người. 

“[Từ] 5 giờ sáng, làm liên tục luôn, có ngày gần 3 giờ sáng mới được nghỉ, có ngày 2 giờ… Ngày nào cũng vậy luôn.”

Chị mô tả “Nhà ba tầng, một người làm”, mỗi tầng khoảng năm phòng, và ngoài mọi việc lau chùi dọn dẹp trong nhà, cũng phải tưới hoa, dọn kho.

Mỗi ngày, gia đình chủ cho ăn một bữa. “Từ sáng tới trưa, họ không nấu ăn. Chiều tối họ mới ăn.” Chị nói “Họ múc cho mình một ít. Còn cơm dư thừa của họ, họ cất và họ cho người ngoài hết. Họ không để dành đâu, họ sợ mình ăn… Một chén… có miếng thịt, nhưng miếng nhỏ. Họ ăn cơm trộn.”

Phần cơm thừa “họ cho người nghèo, họ làm từ thiện, ngày nào cũng vậy.”

“Không dám xin, sợ họ chửi. Họ nói là nếu đói quá thì tự mua, gửi tiền cho họ mua, nên ráng chịu tốn tiền mua đồ ăn nữa.” Chị cho biết cứ 2-3 ngày lại phải đưa họ tiền để “mua bánh mì để dành ăn, đỡ đói”.

Chị H Bhét Niê nói mình ngủ trong một phòng nhỏ gần kho. “Giường thì nhỏ, một người nằm thôi. Phòng thì nóng, ở tuốt tầng trên… Là phòng họ dành riêng cho ôsin.”

Tiền lương, theo chị cho biết, là 1,500 riyal tức 9 triệu đồng Việt Nam, hay chưa tới 400 USD.

Bị đánh đập ngược đãi

Trước khi đi lao động xuất khẩu, chị H Bhét Niê chỉ được học tiếng Ả Rập khoảng một tháng: “cũng không hiểu nhiều, học được sơ sơ thôi… Tiếng chào hỏi, rồi tên đồ ăn, vậy thôi, cũng không được học nhiều.”

Chị nói, khi làm giúp việc ở Ả Rập Xê Út, “lúc họ nói mình không hiểu, nói mình lấy cái này cái kia mà mình không hiểu, họ chửi mắng xong, tức quá, họ đánh đập, ngược đãi… Tát vào mặt, đập vào đầu. Nhiều lần như vậy.”

“Làm việc sai sót một tí thôi, họ cũng chửi mắng, rồi đánh.” Mệt làm không nổi hoặc dọn không sạch, chị cũng bị chửi đánh. “Làm bể đồ thì họ trừ [tiền].”

Trong suốt hai năm ở đó, chị bị lấy mất điện thoại và cũng không được dùng mạng, gọi về công ty môi giới không được mà liên lạc người nhà cũng không thể. Trong suốt hai năm ở đó, chị cũng không được ra khỏi khuôn viên nhà.  

Về Việt Nam năm 2020

Chị H Bhét Niê nói mình “chịu nhục đến tháng 12/2020 xin về”.

“Tháng 12/2020, tôi xin về, chủ không cho. Lúc đó tôi nhốt bản thân trong phòng và không ăn uống, vài hôm sau họ cho về. Nhưng tiền mua vé tự lo hết. Số tiền mua vé là 35 triệu.” (gần 1,500 USD) 

Chị kể “Họ không nói gì luôn, họ im luôn. Mình ở trong phòng, sau ba ngày họ mới nói là cho về, mua vé thì tự lo hết.”

Ngày 5/12/2020, chị đi máy bay thẳng từ Ả Rập Xê Út về Hà Nội, rồi cách ly 14 ngày ở Nam Định.

“Sau 14 ngày cách ly là tiền ăn uống cũng tự lo chi phí. Ngày hôm sau về thì hai bàn tay trắng, không có tiền trong tay… Mua vé hết, xong về còn ít tiền, cách ly là hết sạch luôn.”

Bị công an áp giải năm 2021

Về Việt Nam, chị H Bhét Niê không liên lạc được với công ty môi giới vì họ không bắt máy, nhưng cũng không báo công an hay kể ai nghe về chuyện đã xảy ra.

Tuy nhiên ngày 15/4/2021, chính quyền xã Ea Sin tới áp giải và hỏi chị về trường hợp H Xuân Siu, cô gái 17 tuổi đi lao động xuất khẩu ở Ả Rập Xê Út khi chưa đủ tuổi và chết năm 2021.

“Họ nói có làm việc chung với H Xuân Siu không. Tôi nói là tôi không biết, tại tôi không biết thật. Nói là từng làm việc ở Ả Rập, nhưng không làm việc chung với H Xuân Siu, cũng không biết H Xuân Siu là ai.” Chị nói công an nói chị “cung cấp thông tin cho người nước ngoài” và “gọi điện, liên lạc với người nhà H Xuân Siu, báo cho họ là H Xuân Siu chết”.

Chị nói “Tôi nói là tôi không biết vụ đó. Công an Y Thu Êban đánh vào đầu tôi nhiều cái và dọa muốn đưa vào tù, và cho chịu nhục trước dân làng.”

Tôi đã liên lạc với công an tỉnh Đắk Lắk để hỏi về cáo buộc của chị H Bhét Niê về công an xã Ea Sin (thuộc Đắk Lắk), đặc biệt Y Thu Êban, nhưng không nhận được phản hồi.

Chị H Bhét Niê cho biết đến ngày 29/5/2021, chị lại bị công an áp giải vì đi lễ ở nhà cậu là Y Duên Niê. “Họ nói không cho đi lễ ở nhà ông Y Duên, vì chỗ đó nhà nước chưa công nhận… Ông Y Thu Êban, là công an, và Y Uch Niê, cũng là công an, nói tôi nếu tiếp tục đi lễ Tin lành, chính quyền sẽ xử lý nghiêm, bắt vào tù. Họ bắt tôi ký kiểm điểm, không cho đi lễ, bắt bỏ đạo.”

Tới ngày 21/8/2021, công an lần nữa lại đến nhà áp giải và bắt chị bỏ đạo. Chị H Bhét Niê nói trong toàn bộ những lần đi làm việc với công an, chị hoàn toàn không báo về chuyện bị hành hạ đánh đập ở Ả Rập Xê Út.

Công an “giật áo, sàm sỡ”

Khi ở Ả Rập Xê Út, chị H Bhét Niê hoàn toàn không có điện thoại và không liên lạc được ai, nhưng đến năm 2021, một thời gian sau khi đã về lại Việt Nam, chị mới liên lạc được với chồng sắp cưới là Y Chuân Mlô, lúc này đã sang tỵ nạn tại Thái Lan.

Theo lời chị, vài tháng sau công an biết và đến áp giải chị ngày 12/12/2020: “ông Y Thu Êban và Kpa Y Thiêt thẩm vấn, họ nói tại sao tôi kết nối liên lạc với Y Chuân”. Họ hỏi có quan hệ gì và “nói Y Chuân Mlô và đồng bọn là phản động, chống phá nhà nước”.

Chị cho biết anh Y Chuân Mlô trước đây ở Việt Nam đi biểu tình đòi tự do tôn giáo, đòi lại đất đai của người bản địa, và đòi thả tù nhân lương tâm, và đi tù từ năm 2008 đến 2015.

Nói về hôm thẩm vấn ngày 12/12/2020, chị cũng nói “Ông Nguyễn Quang Hiệp, Trưởng công an xã Ea Sin, dọa tôi, tát tôi nhiều cái vào đầu, và nói tôi muốn qua đó để chống chính quyền Việt Nam à. Ông Nguyễn Quang Hiệp giật áo tôi rách ở ngực, và sàm sỡ tôi. Lúc đó tôi la hét, ông Y Thu Êban nói nếu tôi tiếp tục liên lạc với Y Chuân và Y Quynh ở Thái Lan, họ sẽ xử lý theo quy định pháp luật và bắt tôi vào tù.”

Chị cho biết công an xã cấm chị đi lễ, cấm ra khỏi địa phương, cấm liên lạc với chồng.

Tôi cũng hỏi công an tỉnh Đắk Lắk về cáo buộc của chị H Bhét Niê về ông Nguyễn Quang Hiệp, nhưng không nhận được phản hồi.

Vì sao sang Thái Lan tỵ nạn?

Theo lời kể của chị H Bhét Niê, sau đó trong năm 2021-2022, công an địa phương cứ lâu lâu lại tới nhà áp giải, có lúc sáu người, có lúc tám người, có lúc ép bỏ đạo, có lúc tra hỏi chuyện “kết nối với người ở Thái Lan”.

Ngay cả khi chị vào Sài Gòn làm công nhân vào tháng 10/2022, vì ở Đắk Lắk cứ liên tục bị gọi lên làm việc, công an xã Ea Sin vẫn nhiều lần gọi và “yêu cầu về đi, nếu không sẽ truy tìm”.

Ngày 26/11/2022, chính quyền xã Ea Sin và an ninh huyện Krông Buk đến nhà áp giải nhưng gia đình họ hàng cản lại vì không có giấy mời. Chị nói họ đập phá cửa nhà và “dọa tôi sẽ tìm mọi cách cho tôi vào tù”. Họ nói “lý do là tôi liên lạc với người nước ngoài”.

Chị nói “Tôi tìm mọi cách để rời Việt Nam, tôi sợ… Sợ ở nhà sẽ có ngày họ bắt vào tù, hoặc chết trong tay họ. Tại vì tôi thấy nhiều người như vậy, nhiều người chết oan.”

Chị H Bhét Niê sang Thái Lan ngày 28/11/2022.

Cuộc sống hiện nay

Chị H Bhét Niê hiện nay đang sống tại Thái Lan với chồng là Y Chuân Mlô. “Khổ lắm, không biết tiếng Thái nên không có việc gì làm.”

Chị chưa xin tỵ nạn. Chồng chị, đã ở Thái Lan bốn năm, cũng chưa có quy chế tỵ nạn.


Nguồn: Mạch Sống Media


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hàn Quốc gỡ lệnh cấm tiếp nhận: hàng ngàn người Nghệ An xếp hàng thi xuất khẩu lao động

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Một gia đình người Mông khác thường đi tỵ nạn

Do Van Tien

BBC – 60 người VN tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, Bộ Ngoại giao lên tiếng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo