VNTB – Chợ Đầm Nha Trang từng được kiến nghị “gìn giữ” từ năm 2015

VNTB – Chợ Đầm Nha Trang từng được kiến nghị “gìn giữ” từ năm 2015

Khánh Hòa

 

(VNTB) – Chợ Đầm được biết đến như một nét văn hóa đặc trưng, là niềm tự hào của đất và người xứ biển Nha Trang

 

Oái oăm ở chỗ là người đề nghị “giữ lại” và “dỡ bỏ” đều là ông Nguyễn Chiến Thắng, một chính khách hiện đang… ở trong tù.

Ngày 28-7-2015, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã trao đổi với chủ đầu tư và thống nhất giữ lại khu chợ tròn như trước đây.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói khi giữ chợ Đầm Tròn sẽ kiểm tra, cải tạo, bổ sung các vấn đề về an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát nước, xây dựng các quầy lại cho chuẩn để bà con kinh doanh…

Trước đó, khi biết thông tin về việc khu vực trung tâm chợ (còn gọi là nhà tròn) sẽ bị phá bỏ để xây đài phun nước, tiểu thương chợ Đầm Tròn đã nhiều lần bãi thị đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa giữ lại chợ.

Bà Phạm Thị Tuyết Phương (kinh doanh mỹ phẩm) lúc đó cho báo chí biết: “Nếu bây giờ phải phá dỡ khu nhà tròn của chợ để xây đài phun nước là rất lãng phí. Chúng tôi đề nghị giữ lại khu nhà tròn vì khu vực trung tâm còn rất tốt, nếu cần thì chúng tôi sẽ đóng góp để tu sửa lại”.

Một số ý kiến từ tiểu thương khác cũng cùng nội dung, như bà Ngô Thị Bình – một tiểu thương trên 30 năm (tính đến thời điểm xảy ra bãi thị phản đối phá bỏ chợ Đầm Tròn), từ kinh doanh hàng khô đến hàng mỹ phẩm – tự giới thiệu là thành viên của một gia đình cách mạng truyền thống, và nguyên là cán bộ quân quản của phường Vạn Thắng, thành phố Nha Trang những ngày mới giải phóng: “Việc phá chợ Đầm Tròn có biểu tượng hình hoa sen nở để xây đài phun nước là một sự lãng phí.

Chúng tôi đã mua lô bán hàng với giá rất cao, từ những người chủ sở hữu qua thực tế 20 – 30 năm, chấp hành tốt các nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nay phải ra khỏi chợ, không bồi thường, vào chợ mới phải mua lại hoặc thuê lại mặt bằng với giá cao và nhận sự ban ơn của chủ đầu tư – hỗ trợ 1 triệu đồng, miễn phí 1 năm,… Chúng tôi thấy mình đang bị chủ đầu tư bắt chẹt…

Bà Trần Thị Ngọc Anh – kinh doanh trong chợ trên 20 năm (tính đến thời điểm 2015) bức xúc: “Mãi đến ngày 30-12-2014 chúng tôi mới được chủ đầu tư thông báo, đặt vấn đề góp vốn, phỉnh lừa chúng tôi bằng nhiều cách. Khi chúng tôi đồng loạt bãi thị, gửi đơn đến chính quyền các cấp thì lãnh đạo chủ đầu tư lại xin lỗi, bảo đã lỡ góp vốn,… phát biểu tiền hậu bất nhất của lãnh đạo Ban quản lý chợ, lãnh đạo chủ đầu tư đã gây cho chúng tôi sự hoang mang trong giao dịch phân lô và chất lượng công trình. Nếu tỉnh đã quyết phá bỏ, thì xin cho 5 năm để chúng tôi thu vén nợ nần và có lẽ chúng tôi không đủ khả năng tiếp tục kinh doanh nữa”.

Một cựu viên chức từng là trưởng ban quản lý chợ Đầm Tròn, kể trong tranh tối tranh sáng của chiến sự, tháng 3 năm 1975, một tổ chức nào đó đã đốt cháy một góc chợ Đầm. Đến năm 1978, chợ Đầm Tròn được sửa sang lại và đưa vào sử dụng, với tên gọi “Cửa hàng bách hóa tổng hợp Nha Trang”. Hầu hết hàng hóa trong chợ đều được phân phối theo kiểu mậu dịch quốc doanh thời bao cấp.

Về sau khi “đất nước mở cửa”, từ cửa hàng hạch toán báo sổ, chợ Đầm Tròn chuyển thành đơn vị hạch toán độc lập vào năm 1983. Thời “ngăn sông, cấm chợ” chính thức được cáo chung. Chợ Đầm lại sầm uất và được đổi tên trên giấy tờ hành chánh là “Trung tâm thương mại Nha Trang”; và người dân địa phương lẫn du khách đều quen gọi là chợ Đầm Tròn, hay vắn tắt là chợ Đầm, hoặc chợ Tròn.

Có lẽ, hình ảnh chợ Đầm là nét đẹp trong ký ức mỗi người dân địa phương. Nó như một hiện hữu lịch sử và được biết đến như một nét văn hóa đặc trưng, là niềm tự hào của đất và người xứ biển Nha Trang, ví như chợ Bến Thành trong lòng người Sài Gòn, lúc khai sinh chỉ phục vụ 1 triệu dân số, nay dân số nơi đây lên gần chục triệu, nhưng chợ vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ; ví phố cổ trong lòng người Hội An…

Và còn đó những ngôi chợ trăm năm như Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Cồn (Đà Nẵng)…, vậy thì với ngôi chợ Đầm có “tuổi đời” bằng khoảng một nửa các chợ trên, sao lại phá bỏ?

“Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa thống nhất kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, giữ lại công trình chợ Đầm tròn Nha Trang” – trích văn bản kiến nghị ngày 7-7-2023 của ban chấp hành Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa. Ý kiến này còn được sự đồng tình của Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Hội Kiến trúc sư tỉnh, Hội Doanh nhân nữ tỉnh Khánh Hòa.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar

    Cũ và lạc hậu thì nên bỏ, cái chợ có tuổi đời vài chục năm, kinh doanh như các chợ khác thì truyền thống, văn hóa cái gì.

  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 12 months

    “Oái oăm ở chỗ là người đề nghị “giữ lại” và “dỡ bỏ” đều là ông Nguyễn Chiến Thắng, một chính khách hiện đang… ở trong tù”

    Nếu còn nhớ (mang máng) tới ông tổng thống Ngụy Sè Goòng thì chuyện này bình thường . Chắc tác giả xuất thân từ gia đình cách mạng, lại là con ngoan trò giỏi trong trường, sau này trở thành công dân mẫu mực nên chả (cần) biết tới tổng thống Ngụy là ai, let alone nói cái gì kỳ cục