VNTB – Chợ phiên cuộc đời của mỗi phận người

VNTB – Chợ phiên cuộc đời của mỗi phận người

Anh Thu

 

(VNTB) – Đi dọc đường đời trong tiếng bán mua / Nhiều khi thấy mình cũng là con cá / Cũng là mớ rau / Cũng là con gà bị trói chặt / Cánh ngoặt ra sau / Không gáy (Chợ phiên đời tôi, Đoàn Vị Thượng).

 

Tác giả kể đây là bài thơ “cất ngăn kéo”. Bài thơ mang phong vị của gã giang hồ mỏi gối chùn chân, ngày nọ quay nhìn lại những tháng ngày đã qua. Xuất thân là thầy giáo, ngôn từ trong thơ của Đoàn Vị Thượng (1959 – 2021) đằm thắm được ẩn khéo léo để người đọc khi dứt một khổ thơ sẽ thấy tự dưng “nổi da gà” bởi sự đồng cảm được chia sẻ. (Nhiều khi sẻ chia và được sẻ chia thường sưởi ấm tâm hồn, nhất là những tâm hồn từng đôi lần thương tổn).

Đi dọc đường đời trong tiếng bán mua… Ngay câu mở đầu này của “Chợ phiên đời tôi” đã mang đến sức nặng chất chứa ở phần đời trĩu gánh cơm áo. Có thể, đó là câu chuyện kể thuở nào – chẳng hạn vào mùa mưa trắng trời miền Tây mấy mươi năm trước, có một thế hệ giáo sinh sư phạm ra trường hồ hởi khoác ba lô về những ngôi trường vùng sâu của miệt sông nước Cửu Long dạy học.

Ngày ấy, rời thị thành xuống miền quê nghèo là chuyện bình thường. Bởi cái máu tuổi trẻ, cái nhiệt huyết thanh xuân kéo những thầy, cô giáo mặt còn “búng ra sữa” đến với học trò nghèo khó mà không chút toan tính riêng tư…

Để rồi trong cái vồn vã của cuộc sống, trong cái tấp nập của chốn chợ đời, thi thoảng người ta lại thấy mình chông chênh như đứng trên phiến đá nơi đỉnh núi. Cảm giác như không còn chút sức lực nào để “phiêu” trong thế giới bao la rộng lớn này. Những lúc đó phải chăng là dịp để lòng ta lắng lại, ngẫm nghĩ về bao chuyện đã qua, rồi chợt chùng xuống vì thời gian trôi nhanh quá còn mình, vẫn chưa làm được những điều mong muốn. Những nốt lặng cuộc đời xuất hiện để nhắc nhở ta ghi nhớ những điều đã qua và khắc sâu hơn những ước nguyện của bản thân.

Đi dọc đường đời trong tiếng bán mua / Nhiều khi thấy mình ra điều cũng thích / Chỉ trỏ / Buông nắn / Trả treo / Nghe tiếng ai ve vãn…

Ở phiên chợ ấy, có người mất cả đời bán buôn để tích góp tiền bạc, làm cho khối tài sản trở nên khổng lồ và được những người xung quanh ngưỡng mộ. Liệu khối tài sản đó có làm cho họ hạnh phúc không?

Chưa hẳn là không khi được sống trong những căn hộ sang trọng, được đi trên những khoang ghế VIP, và được mời làm khách danh dự của những tiệc liên hoan thịnh soạn. Bởi mỗi người, đều có những gia tài riêng của mình. Và gia đình cũng là thứ tài sản lớn nhất của con người, ở đó người ta sẽ được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin ý chí và nghị lực để có thể chỉ trỏ, buông nắn, trả treo.

Nghe tiếng ai ve vãn…: ngẫm ra lúc đi trong phiên chợ cuộc đời ấy, hình ảnh lung linh của một bông hoa luôn làm người khác phải trầm trồ khen ngợi, đẹp như hải đường, rực rỡ như mẫu đơn nhưng nếu không cẩn thận ăn phải nhựa cây hoặc lá của nó, người ta sẽ dễ dàng bị ngộ độc.

Dáng vẻ bề ngoài luôn thu hút ánh nhìn của người khác, nhưng bản chất bên trong lại làm cho những người quanh họ khiếp sợ. Bởi vậy, nghe tiếng ai ve vãn để chợt giật mình nhận ra vỏ bọc thường được xuất hiện dưới dạng lịch lãm, hào hoa, phong nhã, hoàn mỹ, dịu dàng, biết săn đón, biết làm hài lòng người đối diện. Đó chính là điểm yếu mà người ta dễ dàng bị đánh gục…

Đi dọc đường đời đẩy đẩy đưa đưa / Nhiều lần bị rao bán / Đôi lần được trả mua / Thật thật đùa đùa / Chua chua đắng đắng.

Phải chăng chính những đẩy đưa, thật đùa, chua đắng ấy tạo nên sóng gió cuộc đời vốn dĩ không chỉ thử thách sức chịu đựng mỗi người mà lắm khi còn để hiểu thêm giá trị thiêng liêng của sự sống? Và, Đoàn Vị Thượng kết bài thơ chỉ một câu, nhưng chất chứa đầy đủ dư vị ngọt bùi: Chợ phiên đời tôi mỗi năm một vắng!

Một cái kết mở ra nhiều suy ngẫm: Điều con người cần cuối cùng vẫn chỉ là tình người. Xin hãy sống, đừng như giọt nước mắt chỉ chảy xuôi. Đừng để một ngày nọ điều mình làm chỉ còn có thể là đốt một bộ quần áo gửi đi cho người đã mất…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)