VNTB – Nhớ quê…

VNTB – Nhớ quê…

Anh Thu

 

(VNTB) – Miền Trung đang chịu tai ương thiên tai bão lụt, và cả nhân tai của các đập thủy điện thi nhau xả lũ…

 

Ở Sài Gòn bình yên, chợt nhói lòng nhớ về chốn quê nhà nghèo khó, nơi có chái bếp thân thương giờ đã chỉ còn là ký ức xa xôi lắm rồi theo vận nước nổi trôi.

Biết bao con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ căn nhà có chái bếp một thời lam lũ, gian khó. Trong góc tâm hồn sâu thẳm của nhiều người chúng ta ai cũng có một miền cố hương để hoài nhớ. Bây giờ ở thôn quê ít dần những ngôi nhà lá và hẳn nhiên chái bếp nhà xưa cũng ít dần. Thời của bếp ga có lẽ cũng vắng dần những câu chuyện vui buồn bên bếp lửa hồng với nồi bánh tét đêm cuối năm…

Tôi về / Gặp lại bếp quê / Đơn sơ củi nỏ / Bộn bề nồi niêu (Bếp quê, Trần Hoàng Vy).

Những câu thơ gợi lại cả trời bảng lảng chốn quê nhà. Ở đó, kỷ niệm thức dậy, sưởi ấm lòng người mỗi khi lắng lòng, và chẳng hiểu sao người ta cứ mãi vương nặng, nhớ mãi hình ảnh chái bếp. Ở quê, chái bếp thường được cất bên hông nhà. Trong chái bếp ấy, một bên chứa củi, vài bó lá dừa, điều quan trọng nhất là bếp lò để nấu ăn. Từ chái bếp này người mẹ tần tảo đã nấu cho cả nhà ăn những bữa cơm ngọt lành…

Không gian của chái bếp tuy chật hẹp, chứa nhiều vật dụng sinh hoạt của gia đình nhưng sắp xếp sao cho gọn gàng, ngăn nắp là sự khéo léo của người phụ nữ quê. Hồi trước ở quê, khi đi xem mắt dâu là bà già chồng tương lai hay ra dò xét cái chái bếp, nghĩa là cái hiếu hạnh của người phụ nữ được phơi bày trong chái bếp. Hễ bếp núc gọn gàng, sạch sẽ là bà mẹ chồng tương lai cho một điểm rất cao trong những tiêu chuẩn để kén dâu.

Trong “Bếp quê”, nhà thơ Trần Hoàng Vy viết “Tôi về” là ở thế chủ động: Tôi cố tình về, tìm về. Tìm lại cái chất quê của chính bà, mẹ mình để tận hưởng cái không khí ngàn năm còn lại.

Tác giả không chần chừ, chọn ngay cái bếp mà không phải là một vật dụng gì khác. Tại sao? Phải chăng cái bếp, đó là nơi mà đời bà, đời mẹ gắn liền trong cuộc đời vì cháu vì con? Lớn hơn, cái bếp còn là nơi ấm áp của một gia đình.

 Ngàn xưa, cứ thế, người bà, người mẹ là người nấu nướng, mồ hôi nhỏ theo từng món chiên, món xào… khói bếp cay xè khoé mắt, chiếc khăn rằn vắt vai thỉnh thoảng lau mặt hồng hồng vì khói bếp. Mẹ cầm đôi đũa, khèo qua khẻo lại… mùi thơm bay lên nực nồng, củi nỏ cháy kêu rắc rắc…. Bàn cơm được dọn ra bằng tất cả tình thương yêu gia đình. Ôi, cái cảnh ấy, nghĩ tới mà nao lòng.

Đời bà, đời mẹ…/ Chắc chiu / Sớm hôm giữ lửa / Trưa, chiều, khói thơm / Để canh ngọt / Để dẻo cơm…/ Để xa chạnh nhớ,/ Củi rơm,/ Bếp nghèo.

Ở đây hai chữ “giữ lửa” đắc đến lạ lùng (và có lẽ hay nhất của bài thơ!). “Giữ lửa” là giữ bếp lửa đừng tắt mới nấu chín thức ăn. Cái mà ngôn từ gợi ra mới thật hay! Bà, mẹ kính yêu của ta đang giữ cái hình ảnh quen thuộc, vốn dĩ ngàn năm kia. Một nét quê hương đáng kính đáng trọng! Mong cho những bà mẹ cứ “Sớm hôm” mà “giữ lửa” để mãi mãi ngọn lửa quê không thể tắt trong lòng dân tộc. Giữ lửa, còn là giữ cái chất “nóng” ấm áp trong gia đình. Đó là ước mơ lớn nhất của đời bà, đời mẹ.

Tháng mười, trong đong đầy nỗi nhớ của những người xa quê bôn ba mưu sinh, lập nghiệp, với “Bếp quê”, những câu thơ đủ làm rưng rưng lòng khi nghĩ về đấng sinh thành. Trong khi mặc ai chạy theo cuộc sống hiện đại, thì bà, mẹ vẫn cứ bếp quê mà chắc chiu mà gìn giữ. Cũng chẳng phải đâu bà, mẹ lạc hậu, chẳng chạy theo bếp điện bếp ga… mà chính vì nếp quen rồi, thận thuộc quá rồi, yêu mến đến mức không thể bỏ nó đi được. Vả lại bà mẹ luôn có ý thức muốn gìn giữ những gì mà ông cha đã để lại… Cho nên, mặc ai thế nào, bà mẹ vẫn cứ sớm hôm chắc chiu… cái bếp quê.

Để canh ngọt / Để dẻo cơm…/ Để xa chạnh nhớ,/ Củi rơm,/ Bếp nghèo.

Bàng bạc trong khung cảnh êm ả của làng quê, khói bếp bay lên như điểm xuyết vào bức tranh thanh bình hiền hậu. Và khi màu khói bay bên vách bếp ấm lửa hồng, người ta chợt gặp lại hình ảnh đẹp nhất, sống động nhất của thời thơ ấu…

Tiếc thay, với tôi, tất cả đã là muôn năm cũ khi mà thiên tai cùng với ‘nhân tai’ tiếp tục xóa đi bao làng mạc chốn quê nghèo miền Trung!


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)