Mỹ Thuận
(VNTB) – BOT đang được Kiểm toán Nhà nước ‘chỉ tận tay, day tận trán’, vẫn chưa thấy ai quan tâm xử lý, giờ lại cứ khăng khăng đòi tăng phí BOT
Ngay khi kỳ họp Quốc hội đang vừa xong những bước thủ tục khai mạc, thì báo chí đưa tin kết quả kiểm toán 09 dự án BOT trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước thấy rằng: Bộ Giao thông vận tải cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT, phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công.
Một tin tức khác liên quan, trong báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết Quốc hội vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tại phòng họp Diên Hồng Nhà Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng bày tỏ quan ngại về chất lượng các khoản vay BOT giao thông, khi khoảng 64.676 tỷ đồng cho vay BOT có nguy cơ phải cơ cấu nợ.
Báo cáo của NHNN cho biết bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông tăng 10,82%, chiếm 1,51%, tốc độ tăng giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 3/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35%.
Đến thời điểm hiện tại vẫn có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Báo cáo từ phía Kiểm toán Nhà nước cho hay đã phát hiện hàng loạt dự án xác định sai tăng tổng mức đầu tư. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư 45,4 tỷ đồng, Dự án Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức BOT (kiểm toán đợt 2) 61,9 tỷ đồng…
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện có dự án sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục không thuộc dự án. Đó là Dự án BOT An Sương – An Lạc. Dự án này sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục cầu Tân Kỳ Tân Quý không thuộc trên tuyến đường dự án với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng. Đến 31-12-2018, chi phí đầu tư đã thanh toán cho hạng mục này 91 tỷ đồng, tổng vốn thanh toán 103 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác nghiệm thu, thanh toán tại các dự án BOT còn sai sót. Kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2019 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 665 tỷ đồng, gồm: Sai khối lượng 74 tỷ đồng, sai đơn giá 186 tỷ đồng, sai khác 404 tỷ đồng.
Cuối cùng, kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý 925 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn; giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án 56,4 năm so với phương án ban đầu. Cần lưu ý việc giảm thời gian thu phí này không đồng nghĩa với việc cơ quan nhà nước tính “thừa” cho nhà đầu tư, mà là thời gian thu phí các dự án chỉ được xác định sau khi có kết quả rà soát của Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên về phía Bộ Giao thông Vận tải thì lại đưa ra ý kiến đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý “chấp thuận tăng phí BOT theo hợp đồng” (*)
Đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong khi các bộ ngành khác đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh. Bộ Tài chính đề xuất miễn giảm thuế, tiền thuê đất. Bộ Công thương kiến nghị giảm giá điện, tháo gỡ trở ngại xuất nhập khẩu. Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị giảm lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ…
Ngay cả khi đề xuất này được cho là theo hợp đồng đã ký thì cũng nên cân nhắc vì không phù hợp thời điểm hiện nay khi cả nền kinh tế đang lao đao vì tác động tiêu cực của Covid-19. Tăng phí BOT là tạo sức ép trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa và đi lại và sẽ mâu thuẫn với khuyến khích sản xuất và tiêu dùng.
Không ít ý kiến thắc mắc là trong khi có quá nhiều sai phạm trong những dự án BOT đang được Kiểm toán Nhà nước ‘chỉ tận tay, day tận trán’, vẫn chưa thấy ai quan tâm xử lý, giờ lại cứ khăng khăng đòi tăng phí BOT. Phải chăng vì các ông chủ BOT có ‘biết điều’ với ‘bề trên’, nên…
_________________
Chú thích:
(*) https://nld.com.vn/thoi-su/de-nghi-tang-phi-de-cuu-nha-dau-tu-bot-20200513210918161.htm