Loan Thảo
(VNTB) – Hàng vạn du khách thập phương đổ về chùa Tam Chúc ở Hà Nam vào 2 ngày cuối tuần 13 và 14-3 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục đe dọa ở một số tỉnh miền Bắc.
Gác qua mọi chuyện về nhu cầu tâm linh của người dân, ở đây là trách nhiệm tuân thủ pháp luật của ban quản lý chùa Tam Chúc – một khu du lịch tâm linh tân tạo với chủ đầu tư là doanh nghiệp Xuân Trường, của ông Nguyễn Văn Trường ở tỉnh Ninh Bình.
Tin tức từ báo chí cho biết, theo đại diện của Ban trụ trì chùa Tam Chúc, trong 2 cuối tuần (ngày 13 và 14-3), chùa Tam Chúc đã đón khoảng 70.000 du khách, trong đó ngày cuối tuần 14-3 có tới khoảng 50.000 người đã về Tam Chúc chiêm bãi, du lịch.
Câu hỏi đặt ra là có phải vì chạy theo lợi nhuận thu về từ bán vé, cùng các dịch vụ tâm linh khác nên chủ đầu tư dự án Khu du lịch quốc gia Tam Chúc đã cố tình vi phạm Chỉ thị số 19/CT-TTg, “Về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch covid-19 trong tình hình mới”.
Với trường hợp như xảy ra ở chùa Tam Chúc, có thể thấy đã vi phạm Chỉ thị số 19/CT-TTg ở yêu cầu sau: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức nguy cơ thấp: Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 01m khi tiếp xúc”.
Liên quan vấn đề trên, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 2740/VPCP-PL về việc xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cụ thể, “Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khẩn trương xác minh, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm”.
Như vậy, cần thiết xử lý về việc có dấu hiệu chủ đầu tư dự án chùa Tam Chúc đã cố tình không tuân thủ Chỉ thị số 19/CT-TTg, “Về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch covid-19 trong tình hình mới” của Thủ tướng Chính phủ.
Giả dụ, việc vi phạm dẫn đến hệ lụy làm lây lan dịch Covid-19 ở cộng đồng từ nguồn F0 nào đó nằm trong số du khách như nói ở phần đầu bài viết này, cần thiết khởi tố hình sự để mang tính răn đe trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành trên toàn cầu.
Nói thêm, hồi đầu năm nay Tân Sửu 2021, Bộ Nội vụ có ban hành Công văn số 416/BNV-TGCP gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, trong đó có đoạn như sau:
“Đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tại các tỉnh, thành phố, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế và quyết định của chính quyền địa phương.
Yêu cầu chức sắc, chức việc và tín đồ chủ động, tự giác thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) trong phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ đề cao cảnh giác, không tuyên truyền, phổ biến các thông tin tiêu cực, không đúng về tình hình dịch bệnh, gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân.
Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, người đại diện các cơ sở tín ngưỡng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về phòng dịch.
Hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người và giữ khoảng cách nơi công cộng; thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông, nơi công cộng và tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo”.
Như vậy, sự việc xảy ra vào 2 ngày cuối tuần 13 và 14-3, còn cho thấy trách nhiệm không thể thoái thác của lãnh đạo tôn giáo tỉnh Hà Nam.