VNTB – Chưa gì mà đã vội buộc tội?

VNTB – Chưa gì mà đã vội buộc tội?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – “Bí thư Nên: Việc xử lý BN1342 là để cảnh báo, không phải trừng trị”.

 

Báo điện tử Zing đã rút tít tựa như trên ở bài báo có đoạn mở đầu như sau: “Mỗi người phải thấy mình có trách nhiệm với cộng đồng. Mình phóng túng một chút, thiếu ý thức một chút, không nghiêm kỷ luật một chút là họa đến”, Bí thư Nên chia sẻ với Zing” (*).

Câu trên nằm trong đoạn phỏng vấn như sau:

“- Bí thư có quan điểm thế nào trong việc xử lý vụ nam tiếp viên Vietnam Airlines – bệnh nhân 1342 – không tuân thủ các hướng dẫn cách ly dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng?

– Tôi rất đau lòng trước việc phải xử lý một người như thế. Nhưng nhìn xã hội bị ảnh hưởng mình thấy đau lòng hơn. Một đốm lửa nhỏ vô ý thành ra cháy cả khu rừng, buộc người quản lý phải chấp nhận nêu tên anh lên.

Quan trọng, việc công khai người đó không phải để làm nhục mà vì cộng đồng, để lấy đó làm bài học, làm gương nhằm tránh những trường hợp tương tự. Mỗi người phải thấy rằng mình có trách nhiệm với cộng đồng. Mình phóng túng một chút, thiếu ý thức một chút, không nghiêm kỷ luật một chút là họa đến.

Quan điểm xử lý là răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chứ không phải trừng trị.

– Tức là công lý phục hồi chứ không phải công lý trừng phạt?

– Đúng vậy. Tác dụng của nó là tác dụng cảnh báo. Bản thân người đó đã mất nhiều lắm rồi. Tôi không quen người đó nhưng tôi thấy bệnh nhân đó vô tư, không có ý lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Thế nhưng, so với bệnh nhân đó, mình phải thương 10 triệu dân hơn”.

Ở đây có hai vấn đề pháp lý đặt ra: Thứ nhất, chỉ có thể nói nam tiếp viên Vietnam Airlines – bệnh nhân 1342 phạm tội hình sự, khi có bản án tuyên hiệu lực.

Thứ hai, “công lý phục hồi” (Restorative Justice) là hình thức thực thi công lý thông qua việc hòa giải 2 bên: bên xâm hại và bên bị xâm hại quyền về lợi ích hợp pháp, cùng với sự tham gia của cộng đồng.

Hình thức này, khác với hình thức “công lý trừng phạt” (Retributive Justice) là hình thức thực thi công lý thông qua việc áp dụng hình phạt phù hợp với tội phạm, nhằm mục đích để người phạm tội tự nhận lấy trách nhiệm và tham gia khắc phục hậu quả gây ra.

Cần lưu ý hình thức “công lý phục hồi” không phải xử phạt “hội đồng”, mà là một buổi hòa giải đích thực, với quyền lợi được trao cho đôi bên. Hình thức này cho rằng việc áp dụng hình phạt không giúp ích gì cho việc thay đổi thái độ, và các mối quan hệ xã hội.

Trong nội hàm pháp luật như trên, cho thấy đoạn phỏng vấn của báo Zing với Bí thư Nguyễn Văn Nên – một quan chức xuất thân trong ngành công an, dường như đang mở đường cho việc giải quyết vụ việc bằng tố tụng dân sự, không phải bằng hình sự. Hoặc cũng có thể là cả bên đặt câu hỏi phỏng vấn, lẫn bên trả lời đều không mấy am tường pháp luật hình sự.

Bởi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định “nguyên tắc hòa giải”.

Mặc dù vậy, khoản 3 điều 29 Bộ luật hình sự có quy định “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Giác độ ngành y trong bối cảnh căng thẳng phòng dịch Covid, bác sĩ Võ Xuân Sơn đặt vấn đề khác hẳn ngài Bí thư Thành ủy TP.HCM, khi bác sĩ Sơn ngờ rằng nam tiếp viên Vietnam Airlines – bệnh nhân 1342 là “bị hại”. Bác sĩ Võ Xuân Sơn lập luận:

“Mặc dù đại diện VNA (Vietnam Airlines) không nói là cho phép các tổ bay chưa cách ly đủ 14 ngày bay trở lại, nhưng cách nói, rằng nếu cách ly đủ 14 ngày thì sẽ không có người thực hiện các chuyến bay nước ngoài, cho phép chúng ta suy luận, VNA đã chủ động cho những người cách ly chưa đủ thời gian quy định tiếp tục bay. Nếu điều này là đúng, thì liệu bạn 1342 có biết rằng khi bạn rời khỏi khu cách ly tập trung về nhà, là bạn phải tiếp tục cách ly hay không?

Trong trường hợp bạn biết rõ là bạn phải cách ly tại nhà, thì đã có ai hướng dẫn cho bạn, cách ly tại nhà là phải làm gì, không được làm gì hay chưa? Nếu bạn 1342, mặc dù đã biết là phải cách ly tại nhà, nhưng lại chưa được hướng dẫn cách ly tại nhà là làm gì và không được làm gì, chưa được phổ biến các quy định cụ thể về cách ly tại nhà, thì bạn hoàn toàn không có lỗi đến mức phải truy tố hình sự.

Trong trường hợp bạn có biết các quy định, nhưng vẫn làm những việc gây ra sự phát tán virus Wuhan ra cộng đồng, thì đúng là bạn có lỗi. Nhưng khi đó chúng ta cần đặt câu hỏi, có phải một mình bạn có lỗi hay không? Nếu thực sự có việc điều động nhân viên tổ bay chưa hoàn tất thời gian cách ly bay tiếp, thì đó chắc chắn là một loại vi phạm rất rõ ràng. Điều đó cũng làm cho bạn 1342 thiếu đi ý thức tuân thủ quy định về cách ly…”.

Như vậy, trong mọi trường hợp, vấn đề ở đây không thể dừng ở mức như phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, “Việc xử lý bệnh nhân 1342 là để cảnh báo, không phải trừng trị”, mà phải là “công lý trừng phạt”, bởi rất có thể bệnh nhân 1342 chính là nạn nhân từ việc quản lý tùy tiện của Vietnam Airlines.

____________________

Chú thích:

(*) https://zingnews.vn/bi-thu-nen-viec-xu-ly-bn1342-la-de-canh-bao-khong-phai-trung-tri-post1159725.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)