VNTB – Chuyện của hơn 70 mùa thu trước

VNTB –  Chuyện của  hơn 70 mùa thu trước

Ngụy Hữu Tâm

 

(VNTB) – Kỷ niệm xưa thời đầu đời tôi, sinh trước nước VNDCCH trên cả một năm.

 

Mấy hôm nữa cả nước ăn mừng Tết Độc lập – đáng tiếc là trong cơn dịch cúm Tàu tang tóc nên có lẽ trong im lặng – nước ta thoát khỏi ách thực dân Pháp và phát- xít Nhật. 

76 năm qua, tôi 77, tính cả tuổi mụ đã là 78, bằng tuổi cha tôi khi ra đi vào cõi vĩnh hằng – hai năm nữa là 80 rồi – thọ hơn cả cha, theo câu tục ngữ là „con hơn cha là nhà có phúc“. Quá thọ để nhìn kỹ lại thời gian chính mình đã trải nghiệm, may ra là có bạn đọc trẻ nào đó quan tâm, để từ tiểu sử một người suy ra lịch sử một đất nước, một dân tộc chăng? Nó như cái kính vạn hoa vậy, chẳng phải vạn mà hàng chục triệu kia (hay 100 triệu cũng được). 

Nhân ngày Quốc khánh nói, hay kể lại, chuyện lịch sử đất nước, thì thử nhìn kỹ một người xem sao? Cứ nghĩ thế để tôi cố viết nhiều – dù là „vạch áo cho người xem lưng“ – và phải viết với độ trung thực nhất có thể, đôi khi phải cắn răng, nặn óc hàng ngày xem có đúng người đó với  cái tên đó hay không và lần này thì sẽ đề tên thật nhiều nhất có thể, không sợ phật lòng ai, bởi vì có ai nỡ đem xử trảm người viết sử, chỉ có bạo chúa mới làm thế. 

Mấy hôm trước tôi đã có bài nói từ tuổi 24 trở đi, bây giờ thử lật lại từ đầu xem sao. 

Tôi sinh 1944 ở một gia đình không dám nói quyền quý nhưng cũng là trí thức có hạng của cái nước lúc đó gọi là Đông Dương thuộc Pháp, nhưng sau đảo chính Nhật tháng ba 1943 thì có chính phủ Việt Nam lâm thời của Cụ Trần Trọng Kim do Nhật dựng nên, nhưng chắc chắn hết sức rối ren vì Thế chiến Hai đang sắp kết thúc. Vì đây là đất thuộc Nhật, quân đội Nhật đang nắm giữ nên máy bay Quân đồng minh (Anh, Mỹ) bay đến ném bom để tiêu diệt những tàn quân cuối cùng của Nhật, thế nhưng như tất cả mọi cuộc chiến tranh, quá nhiều dân thường chết oan. Gia đình chúng tôi, cha tôi khi đó đang là giáo sư Trường Bưởi cùng giáo viên và học sinh trường bỏ Hà Nội đang bị đánh bom về sơ tán tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. 

Cũng nên nhắc lại:  gia đình tôi gốc Tàu Phúc Kiến sang Việt Nam từ thời Minh nên thành người Việt rồi, ghét Trung Quốc thậm tệ, Huế có làng Minh Hương mà (tôi có viết bài nói cha tôi ghét người Tàu thế nào khi cử anh cán bộ đi kèm để mua máy cho Việt Nam ở Thượng Hải mà ăn lẹm tiền đó). Ông nội tôi làm chủ sự bưu điện thời đó phải lên làm việc lâu ở Tây Nguyên nên các con sinh ra và lớn lên ở đó, mãi sau mới về lại Huế. 

Con đầu và cuối là gái sau đi tu tại gia, 3 trai ở giữa mà cha tôi đầu mang tên Kontum vì sinh ở đó, các ông sau là KT Em và KT Con, ông này cứ bị bạn bè giễu là „con thằng KT“ nên chán quá, đổi tên thành Mộng Huyền, cũng tạm thành công trong văn thơ, bạn của Cù Huy Cận ở nhóm Thơ Mới. Tôi không biết gì về ông bà nội vì hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chia cắt, ông nội mất thời đầu, bà nội mất thời sau, ngay trước giải phóng Huế 1975, cha mẹ tôi còn kịp về chịu tang. 

Cha tôi học giỏi vì khi về Huế, chỉ thạo tiếng Banar, không biết tiếng Kinh, bị bạn bè giễu là „thằng Mọi“, nên phải gắng học. Có học bổng sang Paris từ 1933, cha tôi vốn cùng các Cụ Nguyễn Xiển, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàn Xuân Hãn, Ngô Đình Nhu, … khi đó đang học ở Trường École Normale, Sorbonne hay các grandes écoles khác, nhưng khi 1939 Thế chiến bùng nổ, theo lời khuyên của thầy Joliot-Curie hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ, bỏ Pháp về nước và được trọng dụng ngay, về dạy ở trường Chasseloup Sài Gòn rồi ra Trường Bưởi cùng mấy Cụ trên.  

Rồi ông lấy mẹ tôi vì ông ngoại tôi, Nguyễn Đình Phong cũng là giáo sư (Văn) Trường Bưởi – họ Nguyễn Đình cũng là họ mạnh ở Hà Nội, thời hiện đại nay tôi xin kể ra ông bác, anh họ mẹ tôi là Nguyễn Đình Nam, chồng bà Vũ Thị Chín, nổi tiếng hơn chồng, đại biểu Quốc hội, hai ông bà tốt nghiệp TS ở Paris 1954 về Hà Nội mua ngôi villa to đùng ở Phố Cao Bá Quát, dạy Toán đại học Sư phạm, nhưng vì tham gia Nhân văn Giai phẩm, bị trù úm cả đời, ba con sau này còn vươn lên được là nhờ bà Chín, ôi cái chủ nghĩa cộng sản đầy tai ương, hãy so sánh Kabul hè 2021 với Sài Gòn xuân 1975! 

Ông ngoại tôi có mẹ tôi là đầu, sinh 1922, sau đó là cậu Miên, chết trẻ 1946 tại Hà Nội khi cuộc chiến Pháp-Việt nổ ra, sau này khi 1956 tôi về lại Hà Nội luôn thấy trên bàn thờ gia đình cùng các cụ nội ngoại, nên nay tôi vẫn nhớ như in. Sau nữa là 4 cậu nữa mà cậu Phác là cuối, chỉ hơn tôi 6 tuổi, và chỉ trừ cậu Cơ làm giáo viên vật lý ở lại Việt Nam, còn các cậu kia, nhất là cậu Giai sát mẹ tôi, đều là quan chức cao cấp, phía bên kia, đi định cư nước ngoài cả, tôi sẽ kể sau. Nhà mà cha mẹ tôi ở khi cưới là 75, chỗ cha tôi thuê ngay sát 77 Phố Phạm Hồng Thái nhà ông bà ngoại tôi (có lẽ gần nhau vậy nên cha tôi „phải lòng“ mẹ tôi chăng) gần Nhà máy Điện Yên Phụ, nay là hai ngôi nhà lừng lững của Tổng công ty Điện lực Việt Nam. 

Xin mở ngoặc, nhân nói về gia đình, phải nói về cha, thì tôi dẫu chắc chắn chịu nhiều ảnh hưởng, nhưng về tính cách, chắc chắn 2 người hoàn toàn trái ngược. Tôi nóng mà cha lạnh, Cụ hiền lành, nhu mì, khiêm nhường, rất kín đáo, tôi chưa nghe Cụ quát ai bao giờ, với tôi khi Cụ không hài lòng cũng chỉ trừng mắt mà thôi. Về Cụ Hồ, cha tôi nói biết Cụ chống thực dân Pháp để giành độc lập cho Việt Nam thì ủng hộ, chứ chủ nghĩa cộng sản cha tôi không quan tâm, thế cho nên năm 1951 khi GS Nguyễn Khánh Toàn khi ấy là Thứ trưởng Giáo dục muốn giới thiệu cha tôi vào Đảng thì cha tôi từ chối. 

Nhưng đến năm 1956 khi biết nếu ông không vào Đảng thì sẽ ảnh hưởng đến bước tiến thân của con cái thì đã muộn, cha tôi ngỏ ý xin vào Đảng thì bị bí thư Đảng ủy trường ĐHTHHN khi ấy là Lê Hoàng Linh từ chối, bảo: „Anh ở ngoài Đảng sẽ có ích cho Đảng hơn“, không biết hư thực ra sao, cũng có thể hiểu đó là cách để ông ta dễ khống chế cha tôi hơn chăng. Việc cha tôi có mối quan hệ thân thiết với Cụ Ngô Đình Nhu, mãi sau 1975 chúng tôi mới được biết, còn về việc cha tôi nhường chức Bộ trưởng Giáo dục cho GS Nguyễn Văn Huyên thì tôi không nghe cha tôi nói, mà Cụ chỉ nói rằng, GS Hoàng Xuân Hãn có khuyên cha tôi nhận chức đó nhưng ông từ chối. 

Có lẽ cha tôi nghĩ không nhận trách nhiệm chính trị hay hơn, cũng như sau này không nhận làm Thứ trưởng đại học. Còn với con cái thì tôi tin vào Chúa theo nghĩa rộng nhất của từ này, cha tôi về nước thì mới có chúng tôi, nếu không thì tôi bây giờ đang là hạt nano bay trong vũ trụ, còn sau này, nếu cha tôi vào Đảng thì tôi cũng đã là Đảng viên và, biết đâu không phải là „dư luận viên“?                  

Còn về cái nhà mà đầu năm 1944 khi phải đi sơ tán ở Thanh Hóa, cha mẹ tôi thuê ở cùng các cậu, sau này mỗi dịp nghỉ hè chúng tôi đều có dịp về thăm, ở ngay sát chợ Sầm Sơn, là một ngôi nhà to, cao ráo sạch sẽ rất gây ấn tượng cho tôi. Và tôi cũng rất ấn tượng vì cứ thấy biển bị kéo ra xa dần, chứ nay ảnh hưởng biến đổi khí hậu chắc không thế nữa. Lâu không về lại, nhất là khách Đức mà tôi hướng dẫn toàn ra Hạ Long không bao giờ dừng lại ở Thanh Hóa dù có đi xuyên Việt bằng đường bộ. Ngoài biển, hồi đó Sầm Sơn còn đầy những ngọn đồi mà tôi vẫn nhớ, sim, mua phủ kín. Tôi sinh vào ngày dài nhất trong năm, nóng dữ lại tuổi khỉ nên chắc chắn cái đó cũng ảnh hưởng đến tính cách: nóng tính, ham hoạt động và chắc cũng ít nhiều thông minh, sau này luôn thuộc loại giỏi của lớp, chẳng bao giờ chịu thuộc top trung bình. Và mẹ tôi kể, tôi toàn được nuôi bằng sữa dê ở tuổi đầu đời, nên chuyện sau này „nhiều vợ“ chắc cũng chẳng đáng lạ. 

Cũng nên nhắc lại là tuy Trần Huy Liệu là người về Huế dự lễ và nhận ấn kiếm của Vua Bảo Đại, nhưng cha tôi đã cùng các trí thức tên tuổi khác ký chung một bức điện đề nghị Vua thoái vị và vì ông nội tôi lúc đó đang làm chủ sự Bưu điện Huế nên là người đích thân chuyển thư đó cho Hoàng gia, góp phần xóa bỏ chế độ phong kiến Việt Nam, điều mà nhiều nước trên thế giới ngày nay chưa làm được.    

Sau Cách mạng Tháng Tám, từ Sầm Sơn về lại Hà Nội, cha tôi được cử làm Giám đốc Việt Nam học xá, đại học đầu tiên của nước VNDCCH vừa mới ra đời, đóng ở những ngôi nhà ba tầng cũ, nay thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội (xin xem ảnh minh họa). Tôi được các cụ kể lại, Cụ Hồ rất sâu sát đã đến thăm ngay gia đình Giám đốc, có ôm tôi mà bảo „Đây là vị Giám đốc tương lai của đại học Việt Nam“ (Cụ cũng làm động tác này với rất nhiều người, trong đó có anh bạn ĐX Bách, cùng khóa tôi nhưng khoa Văn, sau này làm hiệu trưởng trường viết văn Nguyễn Du, có cho tôi xem ảnh chụp Cụ đang ôm anh ấy khi anh 5 tuổi rồi bảo „Đây là đồng chí TBT tương lai của ĐCSVN“). Cụ đâu phải Nostradamus hay Bà Vanga, nên tôi sau này cuối đời chỉ là anh hướng dẫn viên du lịch quèn, còn anh bạn tôi có khá hơn, làm đến… hiệu trưởng một đại học Việt Nam mà thôi, chứ không phải của bất cứ nước nào khác. Cụ phán láo quá!

Chỉ được một năm rưỡi ở Hà Nội thì Pháp gây hấn, cuộc toàn quốc kháng chiến nổ ra, gia đình tôi đi sơ tán ở Bình Đà, Hà Đông, rồi chiến tranh ác liệt quá, chạy lên „An toàn khu“ trên Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Khi ấy tôi đã có hai em, cô Nhung và cậu Dũng (xin xem ảnh minh họa). Cậu em này sau mất vì điều kiện quá khó khăn không có thuốc men, dẫu gia đình tôi ở ngay sát gia đình nhà giáo sư Tôn Thất Tùng (xin mở ngoặc mọi người lúc đấy hay đùa, gán ghép cô em tôi với anh Tôn Thất Bách vì hai người sinh cùng năm 1946). 

Cha tôi lúc ấy làm Giám đốc Trung học vụ nên Cụ phải đi công tác liên miên, nhưng đến 1951 sau chiến dịch biên giới, phía ta vốn đã được Liên Xô và Trung Quốc công nhận, nay có đường thông thương với hai nước này. Trung Quốc muốn giúp ta đào tạo cán bộ cho tương lai ở Quảng Tây mà bài trước tôi có nhắc tới, một ở Quế lâm là Trường Thiếu sinh quân và một ở thành phố Quảng Tây là Trường Sư phạm (còn gọi là Khu học xá TW) do Cụ Võ Thuần Nho (em trai đại tướng Võ nguyên Giáp, có thời làm thứ trưởng Bộ Đại học cho GS Tạ Quang Bửu) làm Giám đốc. 

Cha tôi được cử làm Giám đốc Trường Khoa học Cơ bản là trường đại học khoa học đầu tiên của ta. Thế là lúc đó gia đình tôi được từ Chiêm Hóa đi sang Quảng Tây, bấy giờ không phải là xe thồ nữa mà đó đã là xe hơi, chiếc Molotova mới 4 bánh chứ không phải 6 hay 10 bánh như sau này trong chiến tranh chống Mỹ. Tôi nhớ nhất lần đầu tiên được đi xe hơi (khi đã hiểu biết, khi ở Hà Nội thì còn nhỏ quá), ngửi mùi xăng thấy nó thơm và đặc biệt thế mà bây giờ thì… sợ hết hồn! Và những lần phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để lên phà vượt qua sông, mà sau này đi tour lại lấy lại được cảm giác ấy, điều mà chắc các bạn trong Nam dễ thấy hơn vì có nhiều sông nước. Nhưng sông miền Bắc nhỏ chứ không như trong Nam và thường có núi ở gần và bên bờ sông um tùm tre.

Sang đến làng Tâm Hư là làng nhỏ cách thành phố 10km, nghèo khổ và bẩn thỉu còn hơn Việt Nam thời ấy. Gia đình còn giữ được những ảnh chụp chung với các anh sinh viên mà sau này đều là những người hết sức nổi tiếng như Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Hoàng Phương, Đinh Ngọc Lân, vật lý, Phạm Sĩ Liêm, xây dựng… 

Ở làng này tôi còn hai kỷ niệm mà nay sau 70 năm phải nhắc lại, vì đó là những tình cảm đầu đời. Một là (tôi đã đề cập tới ở một bài báo nhưng nay nhất thiết phải nhắc lại vì quan trọng) tôi đã tình cờ chứng kiến cải cách ruộng đất ở Trung Quốc trước khi nó được „xuất cảng“ sang Việt Nam. Bây giờ đã qua đi đúng 70 năm nay mà tôi thấy nó vẫn hiển hiện trước mắt, mà cũng đã từng thấy trên nhiều phim Trung Quốc thời ấy: tất cả làng hàng trăm người tụ tập trên sân đình để chứng kiến đội xử tội ngắm bắn „tên địa chủ“ bị chói chặt hai tay sau lưng, sau loạt súng là máu ở ngực bắn phọt ra tứ tung và ngã đổ vật xuống.

Tôi sợ quá nhắm nghiền hai mắt lại chạy vội về nhà và cả tuần đó ngủ không yên vì cái cảnh rùng rợn đó. Ngay sau vài năm thì tôi cũng được xem nhiều phim, cảnh và hiện vật hết sức ghê rợn của phát-xít Hitler tại các trại tập trung ở CHDC Đức, nhưng hoàn toàn chẳng để lại dấu ấn lâu bền như kỷ niệm trên. Phát-xít Đức còn lâu mới ghê tởm được như Trung Hoa cộng sản.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)