VNTB – Chuyến bay giải cứu: lạ lùng việc thư ký ăn mặn sếp ăn chay

VNTB – Chuyến bay giải cứu: lạ lùng việc thư ký ăn mặn sếp ăn chay

Ngọc Linh Lan

 

(VNTB) – Làm gì có chuyện thuộc cấp dám ăn hỗn như kết luận điều tra nêu…

 

Bạn đọc viết

Theo tin tức mà báo chí dẫn nguồn từ kết luận điều tra thì ông Nguyễn Quang Linh – cựu trợ lý của nguyên phó thủ tướng Phạm Bình Minh – bị cơ quan an ninh điều tra xác định đã nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Tuy nhiên hai quan chức cao nhất bị đề nghị truy tố trong vụ án “chuyến bay giải cứu” này là hai cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam. Cả hai ông nguyên Ngoại trưởng và đương kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đều… vô can.

Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh từ ngày 31-12-2013, lúc đó ông Phạm Bình Minh còn là Ngoại trưởng. Trước đó ông mang hàm vụ phó Vụ Thư ký – Biên tập, Văn phòng Chính phủ.

Ông Phạm Trung Kiên – cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – nhận hối lộ số tiền lớn nhất trong vụ án “chuyến bay giải cứu”: 42,6 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế phân công thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về “chuyến bay giải cứu”, “chuyến bay combo” và xin cho khách lẻ được về nước.

Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời. Tuy nhiên đến ‘tàn cuộc’ thì thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên… vô can.

Trong khi đó thì cũng được Đảng phân công nhiệm vụ tương tự thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, song ông Tô Anh Dũng – thứ trưởng Bộ Ngoại giao thì được kết luận là ‘bàn tay bẩn’ trong thực thi nhiệm vụ phê duyệt tổ chức kế hoạch chuyến bay trên cơ sở đề xuất của Cục Lãnh sự để gửi thành viên trong tổ công tác năm bộ xin ý kiến.

Cơ quan điều tra xác định ông Tô Anh Dũng nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, chỉ đạo đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách “chuyến bay giải cứu”.

Trong quá trình điều tra vụ “chuyến bay giải cứu”, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thu giữ 146 lượng vàng (hơn 5,4 kg), 670.000 USD, một tỷ đồng cùng nhiều tang vật khác trong nhà các bị can.

Có thắc mắc: liệu khi thử làm bài toán tiêu xài số bạc mà nhà chức trách cho rằng các cán bộ đảng viên cấp cao kể trên đã “nhận hối lộ”, nó có cân bằng về các khoản “thu – chi”? Nếu số liệu lệch mà không có những giải thích phù hợp thì có quyền đặt nghi vấn, rằng phải chăng đàng sau đường đi số bạc hối lộ đó, còn chảy vào ngóc ngách khác của những nhân vật lớn hơn đàng sau hậu trường chính trị?

Từ cụ thể vụ án trên cho thấy thể chế kiểm soát quyền lực trong cấu trúc quyền lực thống nhất ở Việt Nam là vấn đề rất cần tỉnh táo xem xét lại; và ở đây bất kỳ bàn luận nào liên quan “tam quyền phân lập” cần thiết không bị chụp mũ chính trị theo điều luật hình sự 117 hay 331 thì mới có thể tìm kiếm được những ‘trực ngôn’.

Lý thuyết quản trị nhà nước viết rằng, quyền lực là khả năng thực hiện được ý chí của mình, bất chấp sự phản kháng của người khác. Nhờ có quyền lực mà các chủ thể sẽ có nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh phân bổ nguồn lực sống, qua đó duy trì và gia tăng được địa vị của mình trong cấu trúc xã hội. Về bản chất, quyền lực công bị tha hóa khi nó được sử dụng để phục vụ cho lợi ích vị kỷ của cá nhân, nhóm, xâm phạm lợi ích chung của các thành viên trong xã hội.

Các nhà tư tưởng, các chính trị gia phương Tây và Mỹ tin rằng phân tán quyền lực là cách tốt nhất để kiểm soát quyền lực, điển hình nhất là mô hình nước Mỹ. Theo đó, trước hết quyền lực nhà nước được tách bạch rạch ròi thành 3 nhánh là Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp. Cùng với đó, nguyên tắc “cân bằng và kiểm soát” cho phép 3 trụ cột quyền lực nhà nước có thể hoạt động riêng rẽ, giám sát và trừng phạt lẫn nhau mỗi khi xuất hiện biểu hiện lạm quyền.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố không chấp nhận “tam quyền phân lập”. Hệ lụy khó phủ nhận từ tuyên bố đó chính là tình trạng quan hệ thân hữu vì các lợi ích cá nhân, nhóm đã không được ngăn chặn hữu hiệu, và khi ấy thì lợi ích công sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng, chất lượng hoạt động của hệ thống quản trị quốc gia bị giảm sút, trở thành mối đe dọa cho sự ổn định và phát triển của cả xã hội.

Vụ án “chuyến bay giải cứu” đã cho thấy rất rõ điều ấy, khi trên thực tế khó thể xảy ra chuyện “thư ký ăn mặn, sếp lại trường chay”…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Lê văn Tám 1 year

    Tôi không tin có việc “thư ký ăn mặn – sếp ăn chay” như tác giả Ngọc Linh Lan nêu trong bài báo này.
    Theo nhận định của tôi thì những tên bị điều tra và bị truy tố trong các vụ án tham nhũng – hối lộ có quy mô lớn vẫn chưa phải là những tên trùm cuối, chúng được đưa ra làm vật tế thần chết thay sếp lớn và để làm màu trấn an dư luận mà thôi.
    Theo tôi thì việc các sếp gộc như Nguyễn Xuân Phúc – Phạm Bình Minh – Vũ Đức Đam “được” Bộ Chính trị kỷ luật nhẹ nhàng theo kiểu cho về vườn nghỉ hưu sớm là cách Đảng csVN che đậy bộ mặt nhơ bẩn của mình. Bộ Chính trị không dám truy đến cùng, khi mà ngay cả nhân sự đầu não của Đảng tay cũng nhúng chàm trong các vụ án “chuyến bay giải cứu” và/hoặc “test kit Việt Á”.
    Thật đúng là “Có bao giờ Việt Nam được như ngày nay” (lời trần tình của TBT Nguyễn Phú Trọng), vì đảng viên csVN các cấp “được” cơ hội và đặc quyền tham nhũng và nhận hối lộ mọi lúc – mọi nơi. Cấp thấp thì ăn theo cấp thấp, cấp cao thì ăn theo cấp trên, ăn ngập mặt, ăn tàn mạt mọi thứ của dân.