Trần Thế Kỷ
1. Dạo còn ở Gò Vấp, tôi có một người học trò tên Nguyên, học guitar. Mẹ vợ của Nguyên là con gái út của nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Nhà Nguyên ở gần ngay Hồ Biểu Chánh An tất Viên, cách lớp nhạc của tôi không xa. Đó là nơi an nghỉ của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Hồ Biểu Chánh An tất Viên thực ra là một nghĩa trang nhỏ của dòng họ, ở đấy không chỉ có mộ Hồ Biểu Chánh mà còn có mộ của mấy người con của ông, trong có người thuở còn sống là sĩ quan VNCH. Hồ Biểu Chánh từng là Đốc Phủ Sứ thời Pháp thuộc. Vì vậy không có gì lạ khi Hồ Biểu Chánh từng bị chính quyền CS xếp vào thành phần “bất hảo”. Mãi sau này thời “mở cửa”, Hồ Biểu Chánh mới được “ ân xá” và các tác phẩm của ông mới được phép in rộng rãi.
Hồ Biểu Chánh An tất Viên nằm bên một con đường nhỏ. Bên kia đường là nghĩa trang Giác Minh, nơi an nghỉ của nhà văn Nhất linh và các bà vợ của các nhà văn Hoàng Đạo, Thạch Lam. Về sau nghĩa trang này bị giải tỏa.
Đôi lần Nguyên mời tôi đến nhà chơi rồi hai thầy trò ra thăm mộ Nhất linh và Hồ Biểu Chánh.
– Chắc Nguyên đã đọc hết các truyện của Hồ Biểu Chánh?
Có lần tôi hỏi Nguyên. Nguyên cười hì hì:
– Em chỉ mới đọc vài quyển thôi. Em thích đàn hơn thích đọc!
2. Định là một trong những học trò đầu tiên của tôi khi tôi vừa mở lớp nhạc cách đây ba mươi mấy năm. Học phí lúc đó là 1.500 đồng / 1 tháng, một số tiền mà học sinh sinh viên hay công nhân đều có thể đóng được. Nhưng Định lại băn khoăn với học phí này và hỏi tôi có thể chiếu cố cho hoàn cảnh để bớt một nửa được không. Tôi gật đầu và hỏi thăm gia cảnh của Định. Được biết Định có 5 anh em, mẹ Định bán rau ngoài chợ còn cha Định, trước 75 là sĩ quan VNCH, đã chết trong trại “cải tạo”.
Định ghi danh học ghita cổ điển, tuần học 2 buổi. Giáo trình ghita cổ điển của tôi lúc đó gồm một số bài lấy từ quyển Carulli và khoảng 100 bài của Francisco Tarrega, Fernando Sor, Mauro Giulliani … hoặc do tôi soạn từ các nhạc phẩm nổi tiếng khác.
Định học rất khá, độ một hai tuần thì xong một bài. Tiếc là Định chỉ theo học chưa đầy một năm thì phải bỏ dở do phải đi xa vì sinh kế. Biết tôi yêu thơ Tản Đà nên lúc chia tay, Định tặng tôi một quyển sách cũ, rất cũ mà tin rằng tôi sẽ thích, đó là quyển: “Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu”. Định bảo đã mua quyển này ở một tiệm sách cũ.
Đây là số đặc biệt của Nhà Xuất bản Tân Dân để tưởng niệm thi hào Tản Đà, ra ngày 1 tháng Bảy năm 1939, nghĩa là chỉ 3 tuần sau khi Tản Đà qua đời .
Và dĩ nhiên là tôi rất yêu, rất quí quyển sách ấy, và giữ gìn cẩn thận đến giờ này. Mỗi lần cầm lấy nó, tôi lại nhớ đến Tản Đà, nhớ đến Định.
3. Cách đây mười năm, theo lời mời của Hùng, một người học trò cũ của tôi quê ở Dương Đông, Phú Quốc, tôi bèn làm chuyến thăm tới hòn đảo thân thương này.
Tựu như con tàu lớn bềnh bồng giữa đại dương, Phú Quốc có vẻ đẹp lạ lùng, một vẻ đẹp mê hoặc khó tả hết bằng lời.
Sau khi hai thầy trò tham quan phố xá Dương Đông, Hùng rủ tôi tới quán cà phê Phố Biển, nơi Hùng từng có thời gian làm việc ở đấy.
Nằm sát ngay Dinh Cậu, hướng ra biển Tây, Phố Biển quả là nơi uống cà phê thú vị khi vừa được thưởng thức cà phê ngon lại vừa được ngắm từng đợt sóng xô nhau vào ghềnh đá dưới trời xanh lồng lộng. Bức tranh thiên nhiên tuyệt vời ấy khiến tôi bất giác làm mấy vần thơ:
Một mai trả hết nợ đời
Về đây nằm dưới mây trời bao la
Trong tâm trí tôi, Phú Quốc mãi mãi là một nơi tươi đẹp, đầy quyến rũ .
Gần đây , hay tin Phú Quốc ngập kinh hoàng trong cơn lũ lịch sử, tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và buồn. Khi những nhà qui hoạch có tư duy m2 thì Phú Quốc không còn là Phú Quốc, Đà Lạt không còn là Đà Lạt nữa…
4. Về đây khi gió mùa thơm ngát
Ơi lũ chim giang hồ…
Mỗi khi nghe nhạc phẩm này, “Đàn Chim Việt” của Văn Cao, tôi lại nhớ tới Hồng, một học trò cũ của mình. Lúc đến lớp nhạc của tôi xin học đàn guitar, Hồng đang là bộ đội, cấp bậc đại úy. Lúc đó Hồng vừa lấy vợ. Vợ Hồng làm nghề may, theo đạo Thiên Chúa.
Hồng học khá, từ lúc vào chưa biết gì nhưng sau vài tháng đã chơi được nhiều bản nhạc có tiết điệu khác nhau, từ Valse tới Tango, từ Ballad tới Bolero…Có hai bản Hồng rất thích là “Đàn Chim Việt” và “Mùa xuân lá khô”(của Trần Thiện Thanh): “ Tôi trở lại vùng hành quân, vùng xa xôi đá sỏi biết buồn…”
– Em đặc biệt thích hai bài này vì ca từ nhắc em nhiều kỷ niệm. Hồng nói.
Nhìn chung, Hồng thích những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn. Hồng bảo:
– Khi trong lòng trống trải, người ta thích hát lên những nhạc phẩm như thế. Chẳng lẽ lại gân cổ hát: “Như có Bác Hồ”?!
Hồng học được hơn nửa năm thì xin nghỉ vì cha đau yếu, cần phải lo chăm sóc.
Ít lâu sau tôi gặp lại Hồng khi hai vợ chồng Hồng đang đi dạo phố.
– Em bây giờ không còn trong quân đội nữa. Em xin ra rồi.
Hồng bảo tôi. Vợ Hồng tiếp lời:
– Lúc lấy em, anh ấy không có đạo nhưng bây giờ đi nhà thờ còn siêng hơn cả em!
5. Trong bài “Đón năm mới, kể chuyện ma” đăng trên VNTB tết năm ngoái, tôi có nói đến Thành, người học trò có 5 người thân chết thảm vì một quả bom lạc ngày 29 tháng Tư năm 1975.
Khi Thành mời tôi đến ăn giỗ, tôi đã nhận lời ngay. Khi tôi tới, Thành dẫn tôi ra sau nhà thăm mộ. Trước mặt tôi là 5 ngôi mộ đất nằm liền kề nhau. Vậy là đã mười mấy năm sau cái ngày đau thương đó, anh em Thành vẫn chưa có tiền xây mộ cho người thân. Làm sao được khi mà ngôi nhà Thành đang ở chỉ là một căn nhà ván tuềnh toàng.
Nhưng không chỉ 5 người thân của Thành bị giết trong ngày đó, mà còn có một người chị và một em gái của Thành bị trọng thương. Chị Thành, tên Vân, bị cụt hẳn hai chân còn Hoa, em gái Thành, đứt lìa một cánh tay. Lúc đó Hoa đúng một tuổi và Vân tròn 18 tuổi.
Nhà Thành gần cầu Bình Phước. Từ quốc lộ , đường vào nhà Thành khá quanh co, không dễ tìm cho người mới tới lần đầu. Vì thế lúc mời, Thành dặn tôi:
– Thầy cứ hỏi nhà “chị Vân cụt giò” thì ai cũng biết.
Và thực tế là, để tìm được nhà Thành, tôi đã hỏi người dân ở đó:
– Nhà “chị Vân cụt giò” ở đâu?
6. Thời còn chiến tranh, phía sau nhà tôi là một đồng cỏ rộng lớn. Ở đấy chiều chiều có nhiều đứa trẻ ra thả diều, và cũng chiều chiều có mấy chàng lính Mỹ từ trại lính gần đấy ra hóng gió và xem bọn trẻ chơi diều. Trong họ có một chàng thỉnh thoảng lại mang theo cây đàn guitar rồi, dưới trời chiều lộng gió tung bay những cánh diều, chàng ta ngồi xuống cỏ xanh và ôm đàn hát say sưa. Trong những bài chàng ta hát , tôi nhớ nhất bài “Oh, Susanna”, dân ca Mỹ: “Oh , I come from Alabama with my banjo on my knee…”. Bài này có lời tiếng Việt: “Một mình từ nơi xa tít xa, cây đàn xinh xắn vác trên bờ vai tôi. Về nơi đây lang thang phất phơ đi tìm cô bé trót yêu lâu rồi …”.
Sau này, khi tôi học đàn guitar thì “Oh , Susanna” là một trong các bài hát tôi chơi đầu tiên. Đây là bản dân ca đậm chất Mỹ và theo tôi, là một trong những bài dân ca hay và đáng nhớ nhất.
Cánh đồng cỏ ngày xưa giờ không còn nữa. Từ lâu nó đã trở thành nơi nhà cửa chen nhau san sát. Những đứa trẻ ngày xưa thả diều giờ tóc đã điểm sương. Nhưng không phải tất cả vì ít nhất có hai trong số chúng mà tôi biết sau này đã khoác áo lính rồi bỏ mình nơi chiến trường. Và chàng lính Mỹ đáng yêu năm xưa giờ đã bất bạt phương trời.
Trong nỗi nhớ bâng khuâng những cánh diều, tôi ôm cây đàn guitar vào lòng và hát bài “ Oh, Susanna”: “Một mình từ nơi xa tít xa , cây đàn xinh xắn vác trên bờ vai…”