VNTB – Chuyện phiếm cuối tuần: Câu chuyện thường ngày

VNTB – Chuyện phiếm cuối tuần: Câu chuyện thường ngày

Tám Sài Gòn

 

(VNTB) – Cái gì cũng chửi, chưa phân biệt thị phi cũng chửi, khác gì dư luận viên!

 

Những câu chuyện phiếm, những câu chuyện tiếu lâm phần nhiều thường là nhằm mục đích mua vui. Nếu có nét tương đồng, thiết nghĩ, cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên…

Câu chuyện thứ 1: Đâu có xấu dữ vậy đâu chèn…

Anh Ba và anh Tư nhà gần nhau, cùng nhau đi học, là hàng xóm, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Y. Rồi thời gian sau đó, anh Ba được người nhà “hỗ trợ” sang tỉnh X để sống thoải mái hơn, tự do hơn. Bẵng đi một thời gian không gặp, nay anh Tư có dịp hạnh ngộ với anh Ba…

–    Dạo này sao rồi Tư, vẫn khoẻ chứ?

–    Vẫn phây phây thôi. Sáng đi làm, chiều đi nhậu, mọi thứ bình thường. Còn ông bạn tui sao nào, qua bên đó đã thích nghi chưa, cuộc sống sao?

–    Cũng quen dần rồi, nói nào ngay, cuộc sống bên đó nếu nói nhàn thì nó cũng không nhàn hơn bên tỉnh nhà mình bao nhiêu, nhưng được cái thoải mái.

–    Ừ, nghe anh nói vậy thì tui cũng mừng, cuộc sống ổn định.

–    Mà tui nói nghe nè, tui thấy, tỉnh Y mình cần phải thay đổi nhiều hơn nữa.

–    Ý anh Ba là sao?

–    Anh ở đây mà không thấy à. Nhiều thứ nhìn vào còn ngao ngán. Như vụ trang thiết bị y tế, vụ sách giáo khoa, vụ học phí…. Đơn cử, mấy cái chuyện môi trường, nhiều người không ý thức đã tàn phá môi trường, rồi khí hậu nóng dần lên. Ai chịu, cũng người dân chịu.

–    Anh nói có phần đúng nhưng cũng có phần không đúng. Cuộc sống mà, đâu phải chỉ tỉnh Y của mình, nhiều nơi cũng không thể hoàn mỹ như mình mong muốn được, phải có này có kia thôi. Những điều anh kể, có thể là bất cập. Nhưng còn nhiều điều tốt mà, sao anh không nhìn thấy.

Giống như anh nói người dân không quan tâm đến vấn đề khí hậu, đang tự mình hại mình, đó chỉ là một phần. Ngoài kia còn nhiều người, từ già đến trẻ, họ đều ý thức. Học sinh, sinh viên một số trường được dạy về vấn đề khí hậu rồi các buổi thực hành, các buổi chủ nhật xanh, đổi pin cũ lấy sách mới, hạn chế sử dụng bao nilon… vẫn đầy ra đó thôi.

–    Thôi anh đừng nguỵ biện, việc đó chỉ là nhỏ nhặt.

–    Không làm được việc nhỏ thì làm sao làm được việc lớn? Chí ít, còn có ánh sáng cuối đường hầm, còn nhiều người đang chung tay thắp ánh sáng đó, đâu có tiêu cực đến mức như anh nói. Cái gì sai, không tốt thì mình lên tiếng. Còn cái được thì phải công nhận chứ. Dĩ nhiên, nếu anh nhìn dưới góc độ tiêu cực, thì dù tích cực cỡ nào, nó cũng mãi mãi là tiêu cực thôi…

Câu chuyện thứ 2: Chí Phèo

“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…”

Đó là đoạn mở đầu tác phẩm Chí Phèo (Cái lò gạch cũ, Đôi lứa xứng đôi) của nhà văn Nam Cao, một tác phẩm khá quen thuộc đối với nhiều người Việt Nam.

–    Ê, ông Năm, sao dạo này tui thấy ông chửi trên mạng xã hội nhiều thế? (chị Bảy nhắn tin cho ông Năm)

–    Thì bức xúc nên chửi thôi.

–    Bức xúc gì mà dữ vậy?

–    Bức xúc mấy vụ lùm xùm bữa rày nè. Rồi còn cái chuyện Giỗ Ông nữa, mấy ông đi thắp nhang đồ, nào giờ có dạy về Đức Tả quân hay suy tôn công đức của Ông đâu mà như vậy. Có khác gì giả tạo đâu?

–    Ông Năm nói vậy không đúng đâu, tại ông không ở đây nên không biết đó thôi. Đơn cử, lăng Ông nổi tiếng linh từ trước tới giờ, nay không nhiều người dám vào lăng Ông thề thốt gì. Huống gì đến ngày Giỗ của Ông. Nói gì nói, theo quan điểm cá nhân tui thôi nhà, có chửi cũng lựa cái mà chửi. Chứ cái gì cũng chửi, chưa phân biệt thị phi cũng chửi, khác gì dư luận viên đâu?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)