Thạch Hãn
(VNTB) – Khi luật Căn Cước có hiệu lực, ngân sách phải chi tiền in thẻ căn cước mẫu mới, ít nhiều gây xáo trộn cả phần “chi phí của xã hội” trong các thủ tục hành chính liên quan.
Người đứng đầu Bộ Công an cho rằng việc đổi tên “Thẻ căn cước công dân” thành “Thẻ căn cước” sẽ không tác động đến chi ngân sách Nhà nước và các chi phí của xã hội.
Đại tướng Tô Lâm – bộ trưởng Bộ Công an – đã ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội giải trình một số ý kiến liên quan đến dự án Luật Căn cước.
Theo đó về tên gọi, dự thảo Luật được dựa trên cơ sở 4 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, trong đó, bao gồm chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Vì vậy, để cụ thể hóa chính sách trên, cần thiết chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”.
“Việc đổi tên luật là để bao quát các đối tượng điều chỉnh gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải, và khẳng định việc đổi tên không làm thay đổi các chính sách dự kiến điều chỉnh trong luật.
Cùng với quy định bỏ vân tay trên thẻ căn cước, thông tin số thẻ căn cước sẽ được sửa thành số định danh cá nhân; dòng chữ “căn cước công dân” được đổi thành “thẻ căn cước”…
Đó là những sửa đổi sẽ được áp dụng nếu Luật Căn cước được Quốc hội thông qua. Dự luật gồm 7 chương, 46 điều, dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10).
Lập luận của Bộ trưởng Tô Lâm, “Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Vì vậy, theo đánh giá, việc đổi tên “Thẻ căn cước công dân” thành “Thẻ căn cước” sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước và các chi phí của xã hội”.
Ông Tô Lâm nhận định không sai, vì “chi phí xã hội” được hiểu là các khoản chi phí, tổn thất mà xã hội phải gánh chịu do hoạt động của các doanh nghiệp hay cá nhân gây ra. “Thẻ căn cước” là một loại giấy tờ theo thủ tục hành chính phục vụ việc quản lý của cơ quan nhà nước.
Như vậy việc thay đổi phôi in ấn của thủ tục thay đổi này sẽ tác động đến chi ngân sách nhà nước, khi phải in mới trong khi rất có thể còn tồn số lượng lớn mẫu “Thẻ căn cước công dân” chưa sử dụng hết theo kế hoạch lúc in ấn.
Một ghi nhận ngày 24-32023, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức hội nghị, tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV. Trong đó có dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi.
Tại hội thảo, thiếu tá Trần Duy Hiển – phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) – cho biết đến thời điểm hạ tuần tháng 3-2023, Bộ Công an đã cấp được 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân trên toàn quốc. Dự kiến trong năm 2023, ngành công an sẽ cấp thêm khoảng tám triệu thẻ căn cước công dân.
Giải thích vì sao Bộ Công an không nghiên cứu làm thẻ căn cước công dân gắn chip ngay từ đầu mà hiện tại có nhiều mẫu chứng minh nhân dân, căn cước công dân…, thiếu tá Hiển cho hay việc này “cần phải có quá trình hình thành, thay đổi” theo thực tế và quá trình phát triển khoa học, kinh tế – xã hội.
Thiếu tá Hiển lý giải năm 2016, khi triển khai cấp căn cước công dân mã vạch, Bộ Công an đã nghiên cứu đến giải pháp căn cước công dân gắn chip, tuy nhiên giai đoạn này kinh phí để sản xuất trên thẻ chip cao. Ngoài ra, thời điểm đó thiết bị và công nghệ, trình độ người dân, công nghệ sử dụng thẻ chip hoàn toàn chưa phù hợp nên chưa thực hiện.
Đến nay, các yếu tố phát triển về công nghệ, xã hội, chi phí… đã đáp ứng, nên việc ứng dụng chip điện tử để sản xuất thẻ căn cước công dân là khả quan.
Như vậy nếu dự Luật Căn cước được thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), có nghĩa khi luật này có hiệu lực, ngân sách phải tốn một khoản không nhỏ để in theo mẫu mới, ít nhiều gây xáo trộn cả phần “chi phí của xã hội” trong các thủ tục hành chính liên quan.
Ngoài ra đó còn là vấn đề của ổn định chính sách, tránh bất an ở một quốc gia được gọi là thống nhất cũng gần nửa thế kỷ.