Hà Nguyên
(VNTB) – Vụ cháu bé 8 tuổi qua đời vì bị bạo hành, có quan điểm về trách nhiệm hình sự, hành vi của ông Thái và bà Trang có dấu hiệu cấu thành tội giết người.
Dư luận xã hội phẫn nộ và đau xót trước vụ việc bé Vân An tử vong. Mạng xã hội và báo chí liên tục đưa những hình ảnh cơ thể bé đầy những vết bầm tím – vết tích của những đòn roi dã man bé hứng chịu hơn một năm qua.
Cháu bé có những vết thương cả cũ và mới ở vùng đầu. Đây là một bộ phận trọng yếu trên cơ thể con người, những vết thương chí mạng có thể dẫn đến tử vong hầu hết đều xuất phát từ đây. Đồng thời, bước đầu khám xét hiện trường tử vong, cơ quan điều tra phát hiện một cây chổi lau nhà với đầu gậy đã bị gãy và dính tóc của bé Vân An. Có thể thấy được cây chổi lau nhà đã gãy này chính là hung khí góp phần gây nên những vết thương trên đầu của cháu.
Biên bản giám định, theo báo chí đăng, ghi nhận nguyên nhân tử vong là do phổi phù nề và nhiều vết bầm tím. Vào đêm bé tử vong, người hàng xóm ở gần đó kể rằng có nghe được lời bà Trang và ông Thái đối thoại với nhau, thể hiện việc ông Thái đã biết tình trạng nguy kịch của bé Vân An nhưng ông quyết định bỏ mặc cháu vì sợ ảnh hưởng trách nhiệm. Theo lời người hàng xóm này, phải đến khi cư dân gần đó đến tận nhà truy hỏi, bé mới được đi cấp cứu.
Các tình tiết kể trên sẽ được làm rõ tính xác thực trong quá trình điều tra, và nếu đúng, thì theo pháp luật hình sự, việc có ý thức để mặc cho hậu quả chết người xảy ra đủ để cấu thành tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Nạn nhân ở đây là cô bé mới 8 tuổi, như vậy xem xét theo tội danh “giết người dưới 16 tuổi”, ghi tại điểm b khoản 1 Điều 123.
Giết người dưới 16 tuổi được quy định là tình tiết định khung tăng nặng của Tội giết người, vì hành vi này không những “phá vỡ” hạnh phúc của gia đình, làm “thui chột”, “lụi tàn” một “chủ nhân” là thế hệ tương lai của đất nước mà còn thể hiện bản tính hèn hạ và độc ác của can phạm.
Xuất phát từ quan điểm bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước, bảo vệ lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những người không có khả năng tự vệ nên bộ luật hình sự đã quy định tình tiết này là tình tiết định khung tăng nặng của tội phạm nói chung và Tội giết người nói riêng.
Quy định này không chỉ nhằm trừng trị nghiêm những người có hành vi giết trẻ em, góp phần ngăn chặn tình trạng xâm phạm tính mạng của trẻ em đang có xu hướng gia tăng, mà còn nhằm bảo đảm thực hiện các quy định trong Công ước quốc tế mà nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoặc ký kết về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Phân tích về khách thể của tội phạm, thì đây là xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo hộ tính mạng của con người. Còn mặt khách quan của tội phạm, thì tội giết người có thể được thực hiện qua hành động, hoặc không hành động.
Theo đó, hành động phạm tội giết người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm.
Không hành động phạm tội giết người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.
Như vậy, xem xét hành vi khách quan của tội giết người, cần phân biệt tội giết người với tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu hành vi khách quan của tội giết người là hành vi cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân, thì hành vi khách quan của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, chỉ là hành vi cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Giả dụ như phía biện hộ cho bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang cho rằng lỗi của người phạm tội không phải là lỗi cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân, mà chỉ là lỗi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì vẫn khả năng đối mặt với tội giết người nếu như cơ quan điều tra làm rõ được các nội dung sau:
(1) Hành vi xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian; (2) Hành vi độc lập hoặc trong mối liên hệ tổng hợp với một hay nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người khác. Khả năng này chính là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: Khả năng gây chết người của hành động là dùng vật cứng đánh vào vùng đầu…;
(3) Hậu quả chết người khác đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi khách quan của tội giết người, hoặc là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động.