Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao không thể có tư pháp độc lập ở Việt Nam?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Việt Nam vẫn tiếp tục cải cách tư pháp, thế nhưng dường như đang ở thế rất khó cho hình thành nền tư pháp độc lập.

 

Hồi đầu năm nay, một hội thảo quốc gia chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Hội thảo do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng ba vị ủy viên Bộ Chính trị khác đồng chủ trì.

Tại hội thảo trên, cựu Bộ trưởng Tư pháp – ông Hà Hùng Cường nhấn mạnh, “nói tới tư pháp tức là chỉ có tòa án, quyền tư pháp không thể chia sẻ cho bất cứ nhánh quyền lực nào”.

Ông Hà Hùng Cường cho rằng phần chiến lược cải cách tư pháp trong đề án chiến lược nhà nước pháp quyền tới đây “nên nói rõ đối tượng của cải cách tư pháp là tòa án”. Trong đó, trung tâm là phải giải quyết cho được vấn đề tư pháp độc lập, độc lập xét xử của tòa án. Đi kèm với đó là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp.

Ông Hoàng Thế Liên, cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhìn nhận cho đến nay Việt Nam đã tiến hành bốn cuộc cải cách tư pháp lớn với các tên gọi như sau: Lần thứ nhất (1945-1950): Đập tan hệ thống tư pháp cũ, xây dựng hệ thống tư pháp chế độ mới.

Lần thứ hai (1950-1953): Xây dựng nền tư pháp nhân dân, dân chủ hóa bộ máy tư pháp, tăng cường tính nhân dân trong hoạt động xét xử, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoạt động xét xử, giám sát hoạt động xét xử.

Lần thứ ba (1959-1960): Tổ chức bộ máy tư pháp trong tổng thể cải cách bộ máy nhà nước XHCN theo mô hình Xô-Viết, nhằm thực hiện chức năng bảo vệ pháp chế và chế độ XHCN, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản XHCN, tính mạng, tài sản, tự do và nhân phẩm của công dân.

Lần thứ tư (2002-2020): Thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị khóa IX.

Điểm chung của cả bốn cuộc cải cách tư pháp kể trên, đó là cấp tòa địa phương vẫn phụ thuộc vào các cơ quan, đơn vị địa phương. Chánh án nằm trong cấp ủy, việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán thông qua thường vụ cấp ủy địa phương nên dễ dàng giải thích tại sao tỉ lệ án hành chính xử sai, bị hủy cao hơn nhiều các loại án khác.

Bên cạnh các yếu tố bên ngoài, cơ chế quản trị nội bộ ngành tòa án cũng chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán. Quan hệ quản lý dễ ảnh hưởng đến quan hệ tố tụng, hoặc sử dụng quan hệ tố tụng cho mục đích quản lý.

“Cùng với đó là tình trạng thẩm phán phải báo cáo án với chánh án trước khi xử, tranh thủ ý kiến của cấp có thẩm quyền phúc thẩm, giám đốc thẩm để tránh nguy cơ án bị hủy, sửa. Điều này ảnh hưởng tới nguyên tắc độc lập chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán” – cựu thẩm phán, luật sư Tr.Th., cho biết như thế.

Nhẹ nhàng hơn, một luật sư cho rằng cải cách tư pháp ở Việt Nam cần phải đáp ứng điều bình thường quen thuộc ở các quốc gia “không cộng sản”, đó là trong hệ thống cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp), tòa án phải được coi là “thành trì cuối cùng” trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người.

Khi bất công xảy đến, người dân thường cầu viện đến tòa án như là một “cứu cánh cuối cùng”. Biểu hiện của công lý chính là sự công bằng, khách quan, vô tư và tình người. Tòa án là nơi để người yếu thế, thiệt thòi tin tưởng tìm thấy chân lý và lẽ phải chứ không phải là nơi mà trước khi xét xử, thẩm phán phải “báo cáo anh Ba, trình anh Tư, tham khảo ý kiến anh Năm, chờ quyết định anh Cả” ở đâu đó bên Đảng cấp địa phương lẫn ‘bề trên’ Trung ương…


Tin bài liên quan:

VNTB – Có tiền mua bản án của tòa cũng được?!

Trương Thế Tử

VNTB – Tuổi nghỉ hưu của chủ tịch nước, phó thủ tướng

Do Van Tien

VNTB – Liệu có khởi tố vụ án ‘xả không theo quy trình’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.