VNTB – ‘Tám’ chuyện cô giáo trường đại học Duy Tân ở Đà Nẵng

VNTB – ‘Tám’ chuyện cô giáo trường đại học Duy Tân ở Đà Nẵng

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Trăm họ, bách tính, ai cũng có quyền được nói, thậm chí phản đối chính sách của chính quyền. Khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” chẳng lẽ nêu ra cho vui?

 

Chưa kể, làm quan phải biết lắng nghe tiếng nói của dân chúng, nghe lời trái tai mới đáng nghe, người xưa nói “trung ngôn nghịch nhĩ” là vậy. Triều đình phong kiến xưa có chức quan “gián nghị đại phu”, có trách nhiệm can vua.

Vua thường hay nghe lời nịnh, mà cứ nghe nịnh thì trước sau cũng sụp đổ vương triều.

Ngày nay không có chức quan “gián nghị đại phu” nhưng lắm ghế thầy dùi, cho nên lãnh đạo nghe lời nịnh nhiều hơn lời trung.

Sử viết, nhà Lý với việc đặt các chức quan giám sát đầu tiên, nhà Trần thành lập tổ chức giám sát đầu tiên – Ngự sử đài.

Sau khi lên ngôi vào năm 1010, cùng với việc xây dựng bộ máy nhà nước, vua Lý Thái Tổ đã đặt các chức quan như tả/ hữu Gián nghị đại phu. Nhiệm vụ của các chức quan này là can gián nhà vua và xem xét hoạt động của các quan đại thần.

Với tổ chức bộ máy nhà nước còn khá đơn giản và chức quan giám sát cũng mới chỉ đặt ở cấp Trung ương, chưa thể gọi tổ chức bộ máy giám sát dưới thời Lý là cơ quan được, mà đó là các chức quan giám sát.

Đến thời Trần đã tiến thêm một bước đó là việc thành lập Ngự sử đài. Năm 1250, vua Trần Thái Tông đã định hàm các quan bậc đại thần, trong đó quan giám sát hàng quan văn ở kinh có các chức như: Thị ngự sử, Giám sát ngự sử, Chủ thư thị ngự sử, Ngự sử trung tán, Ngự sử trung tướng, Ngự sử đại phu. Sáu chức quan này còn được gọi là Lục Ngự sử.

Bên cạnh Ngự sử đài, nhà Trần còn cho lập Đăng văn kiểm sát viện và các quan Gián nghị đại phu, Tả/ Hữu nạp ngôn. Nhất là sau chiến tranh chống Nguyên Mông, nhà Trần còn tăng cường thêm bộ phận thanh tra kiểm soát ở các địa phương…

Nếu như quan Gián nghị đại phu thời Lý chỉ có nhiệm vụ can gián vua, giám sát hoạt động của các quan đại thần triều đình thì Ngự sử đài thời Trần còn chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của tất cả quan lại trong cả nước và trực tiếp theo dõi, kiến nghị những khiếu nại, tố cáo của người dân.

Trở lại với chuyện năm Covid thứ hai, nhiệm kỳ liên tiếp thứ ba của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bài học thời quân chủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự về cách lắng nghe lời phải và trọng dụng người ngay. Trong dân chúng, có người tán thành chính sách này vì cho rằng hợp lòng dân. Có người lại phê bình chính sách kia vì lo lắng chúng đi ngược với lợi ích dân tộc. Điều đó là bình thường, vì chín người thì mười ý, không thể bắt mọi người dân phải “đồng phục” quan điểm.

Vậy thì cô giáo dạy tiếng Anh của trường đại học tư thục Duy Tân ở Đà Nẵng trong câu chuyện tiếp theo đây, cô có phải là một “Ngự sử đài” thời nay?

Theo những gì mà báo chí nhà nước đăng, thì vào ngày 3-8, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài gần 3 phút 58 giây, với phần tranh luận giữa sinh viên và giảng viên trường đại học Duy Tân Đà Nẵng trong buổi học qua ứng dụng Zoom.

Nữ giảng viên đặt câu hỏi với sinh viên: “Cô hỏi em này! Từ đầu mùa dịch tới giờ Chính phủ đã hỗ trợ cho em cái gì chưa?”. Sinh viên trả lời: “Em không thuộc diện hỗ trợ”.

Cô: “Em đã tiếp cận được vaccine chưa?”. Sinh viên trả lời: “Chính phủ đang tập trung cho Sài Gòn”. Cô nói tiếp: “Chuyện dịch là chuyện trên toàn thế giới. Có dân nước nào chạy 1.500 cây số để về quê. Như vậy là hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?”.

Sinh viên: “Em cảm thấy là cô đang xúc phạm rất nhiều người. Kể cả người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng”.

Cô: “Cô cảm thấy nhục nhã khi đồng bào của mình chạy 1.500 cây số về. Cô cảm thấy rất nhục nhã về điều đó. Tại sao cũng là người mà khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vaccine, còn chúng ta thì thế nào? Em lên đèo Hải Vân (giáp ranh Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế) coi kìa, đó mới là sự nhục nhã”.

Hôm nay cô không tranh luận với em điều này nữa. Chúng ta không đồng quan điểm. Sự nhục nhã của em với sự nhục nhã của cô hoàn toàn khác nhau”. (dừng trích).

Kết quả, sau khi đoạn clip trên có trên mạng xã hội, phía trường đại học tư thục Duy Tân đã “thống nhất cho thôi việc giảng viên này từ ngày 9-8”.

Có lẽ ông/ bà chủ trường tư ngại mích lòng ông chủ lớn nào đó trên Bộ Chính trị, bởi tất cả những vấn đề mà cô giáo đặt ra là hiện thực mà cả nước đang đối mặt trong suốt mấy tháng qua, đến mức mà trong phiên họp Chính phủ ngày 11-8-2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ‘quyết tâm’ rằng “Chính phủ quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế – xã hội”.

Xem ra chuyện ‘đi tắt đón đầu’ mong làm ‘đẹp lòng’ ai đó của ông/ bà chủ trường đại học tư thục Duy Tân, nói theo ngôn ngữ giang hồ Sài Gòn: họ đã hố hàng mất rồi khi đã làm hoen ố của việc nhân danh “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, trong hô hào “Giấc Mơ Duy Tân – Nâng tầm Trí tuệ, Vươn tới Tương lai” lúc họ mời gọi thí sinh ghi danh vào học ở đại học tư thục đầu tiên của miền Trung này.

Cái này nói thêm, ông chủ của trường đại học tư thục Duy Tân là một chính khách cộng sản nòi. Lý lịch tóm tắt của ông thấy ghi vầy:

Ông sinh năm 1947, hoạt động cách mạng từ năm 13 tuổi, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 24 tuổi. Ông giữ các chức vụ Chủ tịch Liên hiệp sinh viên – học sinh Giải phóng khu Trung Trung Bộ (1963-1966), Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng (1964-1965).

Sau đó, ông hoạt động ở Thừa Thiên-Huế với chức vụ Bí thư Ban Thanh vận kiêm Bí thư Tỉnh Đoàn (1969-1972), Ủy viên Thành ủy Huế (1972-1976). Ông đã từng tham gia một số trận đánh ác liệt như Tổng tấn công Mậu Thân 1968 ở Huế với vai trò Chính trị viên Tiểu đoàn 810, tiểu đoàn đã treo cờ giải phóng ở Kỳ đài của Huế; ở vai trò Chính trị viên Tiểu đoàn ở Trung đoàn 6 ở trận “Đồi thịt băm”, A Sao A Lưới 1969; chỉ huy giải phóng nội thành Huế vào ngày 25-03-1975.

Từ năm 1981, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh. Từ 1987 đến 1992 ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng khóa IV. Ông tự ứng cử đại biểu Quốc hội, là một việc hiếm có thời điểm đó. Lãnh đạo đề nghị ông rút, cảnh báo không trúng cử sẽ mất luôn chức Phó Chủ tịch Mặt trận. Ông kiên quyết giữ quan điểm của mình.

Ông làm một việc chưa từng có tiền lệ là đi khắp 15 xã, 4 phường và 6 huyện để nói chuyện, báo cáo Chương trình hành động trước cử tri như một cách tranh cử.

Năm 1992, ông cùng một số nhà giáo khác xây dựng đề án thành lập trường đại học tư thục miền Trung đầu tiên. Theo quy định thời đó, đại học tư thục phải đổi tên thành đại học Dân lập miền Trung. Với quan điểm đổi mới giáo dục của mình, ông đặt tên trường là đại học Duy Tân. Ông xin nghỉ hưu sớm vào năm 1993 khi mới 52 tuổi để chuyển sang làm giáo dục đại học ngoài công lập. Trường đại học Duy Tân được cấp phép thành lập năm 1994.

Ông nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của Việt Nam năm 2016. Ông là người đầu tiên làm giáo dục đại học ngoài công lập được phong tặng danh hiệu này.

Tên ông là Lê Công Cơ. Hiệu trưởng trường đại học Duy Tân là ông Lê Nguyên Bảo, sinh năm 1980, con trai của ông Lê Công Cơ.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)