Thiên Thư
(VNTB) – Truyện cười không đả kích một cá nhân cụ thể hay đánh đồng một tập thể, trừ phi “có tật giật mình”.
Những ngày cuối năm 2023, râm ran câu chuyện về đề kiểm tra cuối học kỳ 1 dành cho học sinh khối lớp 8, năm học 2023 – 2024, môn ngữ văn của Trường THCS Colette. Kỳ kiểm tra diễn ra vào sáng 26-12-2023 đã làm cho một số phụ huynh bức xúc, từ đó, dấy lên một vài ý kiến đến từ phía giáo viên, một số người làm công tác giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ghi nhận của báo chí từ ý kiến phụ huynh thì “gia đình tôi có nhiều người theo nghề giáo, khi đọc đề thi văn trên, thực sự tôi rất giận. Nội dung câu chuyện là một sự xúc phạm các nhà giáo.
Trong kho tàng văn học nước nhà, thiếu gì những tác phẩm hay, sâu sắc, tại sao người ra đề lại chọn văn bản hạ thấp hình ảnh nhà giáo để đưa vào đề thi văn như vậy?
Con tôi bảo đó giờ cứ nghĩ thầy đồ là người cao cả, đáng kính và mực thước. Giờ mới biết thầy đồ vừa xấu tính lại vừa tham ăn, còn xưng mày – tao với trò nữa… Ngữ liệu của đề thi phải mang tính giáo dục học sinh chứ sao lại thế này?”.
Xin được trích dẫn phần I là phần đọc – hiểu, chiếm 6/10 điểm (là phần gây ra tranh luận), có nội dung như sau:
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Ông thầy đồ nọ vốn tính tham ăn. Bữa ấy có người mời đi ăn cỗ, thầy mới cho một cậu học trò nhỏ theo hầu. Đến nơi, thầy ngồi vào cỗ, bảo học trò đứng bên cạnh. Trông thấy trong mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc. Sợ người xung quanh dòm thấy thì mất thể diện, thầy mới cầm bánh thản nhiên đưa cho học trò, bảo:
– Này, con cầm lấy!
Vừa đưa, thầy vừa nháy ra hiệu bảo cất mang về cho thầy. Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy của thầy, tưởng thầy cho thật, liền bóc ngay ra ăn. Thầy nhìn thấy giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng.
Đến lúc ra về, thầy vẫn còn nhớ đến mấy cái bánh, muốn kiếm cớ để trả thù học trò. Khi hai thầy trò đang cùng đi ngang nhau, thầy bèn giận dữ mắng học trò:
Mày là anh em bạn với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?
Trò sợ, vội vàng đi nhanh lên trước. Thầy lại gắt:
Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?
Trò tụt lùi lại sau. Thầy lại quát:
Tao có phải là thằng tù đâu mà mày phải đi sau áp giải.
Trò ngơ ngác quay lại thưa:
Bẩm bẩm, con đi thế nào thầy cũng mắng, vậy thầy bảo cho con nên thế nào cho phải?
Thầy chẳng ngần ngại gì nữa, hầm hầm bảo:
Thế bánh tao đâu?
(Truyện “Bánh tao đâu?” – sachhay24h.com)
Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?
Câu 2: Nêu bài học rút ra từ văn bản trên?
Câu 3: Cho biết nghĩa tường minh và nghĩa hàm ý trong câu: “Này, con cầm lấy!”.
Câu 4: Dựa vào văn bản, xác định bối cảnh và loại nhân vật.
Câu 5: Viết đoạn văn ngắn (5-7 dòng) nêu suy nghĩ của em về bài học rút ra từ văn bản trên.
Có thể thấy, đây là một văn bản thuộc dòng văn học dân gian, ở đây, đoán được, đó có thể là một câu truyện cười. Một trong số những đặc tính của truyện cười, có phê phán những thói hư tật xấu trong nhân dân và của người chung quanh trong xã hội đương thời.
Những năm còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, trong tiết Mỹ học đại cương, khi nói về cái hài, giảng viên đã nói rất nhiều, trong đó có một chi tiết, tận cùng của cái bi hay cái hài vẫn là cái đẹp. Có thể nói, tiếng cười trong truyện cười là một tiếng cười mang tính thẩm mỹ. Thông qua câu chuyện được viện dẫn, đem đến cho con người những giá trị thẩm mỹ trong đời sống, phê phán những cái xấu, hướng con người đến cái Chân, Thiện, Mỹ.
Đọc “Bánh tao đâu”, đọc bức xúc của phụ huynh, chợt nhớ lại những bê bối trong chất lượng bữa ăn bán trú học trò. Thay vì mỗi em được 1 gói mì tôm và 1 quả trứng, 11 học sinh phải tranh nhau hai gói mì tôm pha loãng. Đóng tiền ăn bán trú 40.000/suất nhưng chất lượng chưa tới 15.000 đồng… Cũng là câu chuyện giáo dục và cũng liên quan đến… ăn…
Văn học dân gian là dòng văn học truyền miệng, không rõ tác giả, được đúc kết từ thực tế (chuồn chuồn bay thấp thì mưa – bay cao thì nắng bay vừa thì râm/ một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ/ gần mực thì đen – gần đèn thì sáng…), đem đến nhiều bài học về cuộc sống. Truyện cười không đả kích một cá nhân cụ thể hay đánh đồng một tập thể, trừ phi “có tật giật mình”.
Văn học là nhân học. Thiết nghĩ thay vì nghĩ méo mó rằng đang méo mó hình tượng người thầy, vốn có truyền thống giáo dục, nên dạy con trẻ theo một cái hướng nhìn khác, tích cực hơn. Bởi, như đã viện dẫn ở trên, đâu thể nói tất cả những người làm giáo dục đều tuyệt vời, đều có tâm. Bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, “Bánh tao đâu” cũng chỉ muốn hàm ý dạy con người đừng tham ăn, đừng sống dối trá và đã làm thầy thì đúng với tiếng thầy.
Xin đừng quan trọng hóa cái đề bài thi.