Việt Nam Thời Báo

VNTB – Con nhà nghèo…

Mỹ Hương

 

(VNTB) – Đường xa diệu vợi, cần lắm một tấm lòng…

 

Mấy mẫu biên vội tiếp theo đây, được biên tập viên Nguyễn Huỳnh ghi theo lời kể của bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương. Qua đó mong rằng mấy ai đang ứng cử làm đại biểu Quốc hội, xin hãy lần nào đó ra phố để biết dân tình xứ mình đang sinh sống ra sao dưới ánh mặt trời cứ mãi không chịu tối như xứ người

Một.

Chị 50 tuổi mà nhìn già nua, khắc khổ như hơn 60. Chị người Quảng Ngãi, vô Sài Gòn đẩy xe thu mua ve chai nuôi con ăn học. Chị vào khám bệnh tại phòng mạch của tôi. Tôi hỏi thăm lúc này làm ăn được không?

Chị tâm sự: “Ế lắm bác sĩ à. Mua 1 ký giấy 4.000 đồng, bán lại có 5.000 thôi. Ráng kiếm lời mỗi thứ chút đặng nuôi con. Năm sau thằng con em ra trường là em khỏe! Cũng may con gái em ra trường dạy cấp 3 nên em cũng đỡ hơn mấy năm trước”.

– Con của chị dạy trường nào?

– Dạ, dạy trường miền núi ở Quảng Ngãi đó bác sĩ. Mấy năm trước lương đỡ lắm, được 8 triệu một tháng. Bây giờ nhà nước nâng cấp không còn huyện miền núi mà lên ‘nông thôn mới’, hạ lương con của em còn 4 triệu một tháng. Tại nó ‘đôm mê’ nghề dạy nên cứ theo miết!

– ‘Đôm mê’  là cái gì?

– Hì hì, là ‘đam mê’ đó bác sĩ!

Hai.

Thằng nhỏ 20 tuổi, nhà tận Kiên Giang, lên Sài Gòn làm phụ hồ. Nó bị viêm họng, ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống, bị dị ứng nặng, bong da tróc vảy, nổi bong bóng nước toàn thân. Nó đến phòng mạch của tôi khám. Tôi nói phải nhập viện ngay. Nó năn nỉ:

– Bác sĩ à, con không còn một đồng bạc. Con cũng không dám về quê vì ba má con nghèo lắm. Thằng bạn con nó cho con ngày 2 hộp cơm và 20 ngàn đồng. Bác sĩ ráng chữa cho con. Nếu nhiều hơn, cho con thiếu nợ.

Ngày xưa đi học trường Y, không có dạy bài học này. Chỉ có 20 ngàn mà phải trị cho hết một bệnh lý rất nặng. Tôi tận dụng tất cả số thuốc men ít ỏi trong phòng mạch để cho nó uống. Chắc trời thương, nó cải thiện ngoạn mục.

Ngày khám bệnh cuối, nó chào tôi và xin cái cạc-vi-sit để có cần nó gọi điện thoại hẹn khám vì sợ tôi nghỉ đột xuất. Tôi thấy nó cầm cái cạc quay ngược và đọc ngược. Tôi hỏi sao đọc kiểu gì kỳ vậy?

Nó cười hì hì: “Con mù chữ mà cô!”.

Các ông các bà coi, thời buổi này mà còn thanh niên mù chữ!

Ba.

Thằng nhỏ khác cũng làm thợ hồ, bị sốt xuất huyết, chảy máu răng. Tôi kêu nó nhập viện. Nó cười: “Bác sĩ không biết con mới trốn viện ra à? Con thiếu nợ bệnh viện 1 triệu con không có tiền trả, con bỏ luôn thẻ bảo hiểm luôn!”.

Còn vô số những cảnh nghiệt ngã của người nghèo khi họ bị bệnh. Ai thấy cũng chạnh lòng. Nghe đồn ở xứ Đông Lào, có quan bà kêu gọi kích thích làm giàu chính đáng, tui mừng quá. Để tui báo tin cho cái đám bệnh nhân khốn khổ của tui…

Tự sự

Khi tôi vào ca trực 24 giờ, đến khoảng từ 0g trở về sáng là mệt mỏi, rã rời. Cho nên, khi mới đặt lưng mơ màng được một lát, nghe tiếng chuông điện thoại cấp cứu mời hội chẩn khẩn cấp, là tôi ‘dễ điên’ lắm!

Ráng cố gắng lết xuống khoa cấp cứu, nhìn bệnh nhân nặng, xem hồ sơ thấy chuyển đến từ tỉnh xa, xa lắc xa lơ hàng trăm cây số, có khi gần cả ngàn cây số từ tận miền Trung, lòng tôi chùng lại thương xót…

Mỗi lần đi công tác, đi du lịch, đi công việc qua những tỉnh xa, ngồi xe hơi máy lạnh, tôi còn thấy mệt bã người, huống hồ là bệnh nhân.

Là bác sĩ trực trong hoàn cảnh quá tải, ai cũng mệt mỏi vô cùng. Có đôi chút lơ là, hay thiếu kinh nghiệm, lỡ làm thiệt hại đến bệnh nhân, suốt đời không quên..

Cô bé mới 18 tuổi, quê ở Cần Thơ, bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Mẹ cô bé không tin tưởng vào bệnh viện tỉnh nhà, nên đưa con lên X là bệnh viện tuyến trung ương.

Đêm đó, tôi trực khoa thận nhân tạo. Cô bé nằm khoa ngoại niệu. Khi tôi lên hội chẩn thì tình trạng quá nặng, quá trễ, cố gắng vừa hồi sức tim phổi, vừa chạy thận cũng không cứu được.

Mẹ cô bé khóc, kể với tôi: “Con tôi mệt lắm, khó thở lắm. Tôi gọi điều dưỡng nhiều lần mà mấy cô nói không sao đâu! Tôi tin tưởng bệnh viện này nên mới lặn lội lên đây” . Bạn đồng nghiệp  của tôi là bác sĩ điều trị của cô bé lúc đó đang ở trong phòng mổ. Khi mổ xong, lên khám cô bé thì quá nặng rồi.

Đêm khuya, tôi và bạn tôi, 2 bác sĩ lủi thủi như hai tên tội đồ đi theo chiếc băng ca để tiễn đưa cô bé lên xe cứu thương về quê trong tiếng khóc xé lòng của người mẹ…

Bác sĩ, điều dưỡng cũng là một con người, cũng nhiều lúc mệt mỏi, nản chí, buồn phiền. Nhưng tôi luôn tự nhủ, hãy nhìn địa chỉ của bệnh nhân đi! Nơi nào gần nhất cũng 10 km, xa nhất có khi mấy trăm đến cả ngàn km đường dài thăm thẳm, có khi bệnh nhân đi máy bay vô gặp bác sĩ để khám bệnh. Đường xa diệu vợi, cần lắm một tấm lòng…


Tin bài liên quan:

VNTB – Tô Lâm hiểu gì về chuyện người nghèo và cơm áo?

Do Van Tien

VNTB – Đừng ép dân phải sử dụng điện thoại thông minh

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.