Hà Nguyên
(VNTB) – Pháp luật không cho phép cố ý tạo dựng chứng cứ, dàn cảnh để bắt người!
Luật sư Nguyễn Văn Miếng (Đoàn Luật sư TP.HCM), kể về thân chủ của ông ở phiên tòa hôm 31-7 vừa qua có tình tiết rất đáng lưu tâm như sau:
“Trước khi bị bắt ít ngày, tối ngày 28/8/2018 có một người đàn ông điện thoại thông báo cho chị Hạnh biết hiện có khoảng 200 cây đèn pin có chức năng phát điện, có thể sử dụng để tự vệ, chống trả lại lực lượng chức năng khi bị trấn áp và hỏi chị Hạnh có cần không? Sau khi trao đổi với anh Hóa và chị Vang, chị Hạnh đã đề nghị người đàn ông ấy hỗ trợ cho nhóm.
Chỉ một ngày sau, người đàn ông ấy đã “sản xuất” được 66 cây roi điện tự chế bằng ống nước, sử dụng pin điện thoại và hướng dẫn chị Hạnh đến một trụ điện đôi tại bến xe Chợ Lớn để lấy hàng chở về phát cho các thành viên của nhóm Hiến Pháp và những ai sẽ đi biểu tình ngày 04/9/2018.
Lực lược chức năng đã phát hiện và bắt giữ hơn chục người với tang vật là roi điện tự chế và… quyển Hiến Pháp nước CHXHCNVN cùng với thuốc chữa bệnh, thực phẩm để phục vụ cho cuộc biểu tình”.
Phiên tòa hình sự sơ thẩm hôm 31-7 đã không thấy đưa ra yêu cầu làm rõ về tình tiết ai là “người đàn ông điện thoại thông báo cho chị Hạnh biết hiện có khoảng 200 cây đèn pin có chức năng phát điện, có thể sử dụng để tự vệ, chống trả lại lực lượng chức năng khi bị trấn áp”.
Phía giữ quyền công tố cũng không thấy kiến nghị cơ quan điều tra cần phải làm rõ ‘người đàn ông điện thoại thông báo’ ấy, liệu có phải là đại diện thế lực chống phá nào đó đang cố tình gây rối tình hình an ninh trật tự xã hội ở TP.HCM?
Ngoài ra nếu có tinh thần đề cao cảnh giác hơn của ‘thanh bảo kiếm sắc bén’ như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo hôm 24-7-2020 tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Viện Kiểm sát nhân dân, thì phía công tố có thể ‘cập nhật thời sự dịch Covid’ để đưa ra cả ngờ vực với thực trạng người Trung Quốc đang nhập cảnh trái phép tràn lan ở Việt Nam, rằng liệu ‘người đàn ông điện thoại thông báo’ trong vụ án kể trên, có phải là người cài cắm của cái gọi là “Tình báo Hoa Nam” ở tại TP.HCM đang cố tình ‘gài bẫy’ kích động người dân sử dụng bạo lực trong cuộc biểu tình?
Một luật sư xuất thân là kiểm sát viên thuộc phòng Kiểm sát điều tra án hình sự – Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, chia sẻ: “Trong nội bộ ngành, theo tôi biết, nếu xác định đúng đối tượng phạm tội thì có thể tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để bắt quả tang với đối tượng phạm tội. Nhưng không được làm theo kiểu giăng bẫy – tức là chưa xác định được kẻ phạm tội, mà tìm cách “bẫy” người ta để bắt. Như vậy, trước hết chính anh đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Còn tất nhiên nếu cố ý tạo dựng chứng cứ, dàn cảnh để bắt người thì pháp luật không cho phép”.
Theo vị luật sư, trong vụ án hình sự vừa xong phiên sơ thẩm hôm 31-7, thì với tình tiết ‘người đàn ông điện thoại thông báo’, và sự đồng ý của ‘đề nghị người đàn ông ấy hỗ trợ cho nhóm’, cho thấy cuộc biểu tình dự kiến bắt đầu có màu sắc của khả năng về sử dụng bạo lực. Đây là một điều cấm, vì nó vi phạm pháp luật hình sự.
“Ngày 10/6/2018 tại quận1,TP.HCM các bị cáo Hạnh (1976), Vang (1966), Hóa (1968), Cương (1979), Lộc (1976), Dũng (1969), Phương (1975), Hồng (1983) tham gia biểu tình phản đối dự thảo Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu (không biết có phải tác động từ cuộc biểu tình này cho đến nay tháng 8/2020 Luật Đặc khu vẫn chưa được thông qua). Và các bị cáo dự định ngày 4/9/2018 sẽ đi biểu tình thêm lần nữa. Nhưng trước ngày 4/9 tất cả các bị cáo đã bị bắt giữ” – trích bài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh của luật sư Nguyễn Khả Thành, phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên.
Quan điểm bào chữa của luật sư Nguyễn Khả Thành là Thông tư 09/2005 của Bộ Công an hướng dẫn liên quan biểu tình, ai không theo thì phạt hành chính về việc biểu tình chưa xin phép, chứ không có phạm tội hình sự.
Tuy nhiên rõ ràng là phía cơ quan điều tra cũng lường trước về tình tiết biện hộ ấy, nên ở đây có yếu tố hoàn toàn bất lợi cho nhóm của bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, đó là ‘tang vật 66 cây roi điện tự chế’. Việc ‘bắt nguội’ nhóm này cùng ‘tang vật’ trước khi có cuộc biểu tình dự kiến vào ngày 4/9/2018 là phù hợp với quy định pháp luật.
Mặc dù vậy, ở đây cần lưu ý đến điều 86, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Như vậy, liệu ‘tang vật 66 cây roi điện tự chế’ có được thu thập theo trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định?
Từ góc độ pháp luật hình sự, khó có khả năng Nhà nước và ngành công an cho phép sử dụng loại “biện pháp nghiệp vụ” tạo điều kiện và thúc đẩy hành vi phạm tội xảy ra. Vụ án nói trên nếu có phiên phúc thẩm, cần làm rõ tình tiết người đàn ông đã chủ động cung cấp ’66 cây roi điện tự chế’ với yêu cầu phải phân phát cho người tham gia biểu tình.
6 comments
Ngu thì chết chứ sao
lưu manh!
Một chính quyền lưư manh..gài dân để kết tội ..O có một nhà nước nào hô hào do dân vì dân mà cư sử thua cả loài súc vật
Biện Pháp nghiệp vụ mà
“Nghiệp vụ” bẩn
Thời buổi này là quốc tội tham nhũng, chỉ vì tiền nó làm đảo điên, thực cho là hư, hư cho là thực, nó đầy đoạ dân lành cốt nhục không tha, càng quyền lực nó càng mạnh, bây giờ từ ông lơn ông nhỏ, quan đo quan đen, đa số, nó làm vì tiền,mưu ma kế quỷ