Hùng – Sơn
(VNTB) – Hoá ra công an đi làm việc thay thanh tra Bộ Thông tin
Sự việc diễn ra vào hạ tuần tháng 2-2024 tại rạp Cinestar Quốc Thanh thuộc hệ thống rạp của Cinestar ở TP.HCM. Thông tin sau đó cho biết đây là đoàn kiểm tra đột xuất là của phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM. Sau khi dừng chiếu khoảng 30 phút để kiểm tra không phát hiện vi phạm gì, đoàn rời đi và phim được chiếu tiếp để khán giả thưởng thức. Cảm xúc khi đang xem phim bị cắt ngang và không dễ nối lại sau thời gian ai nấy đều hoang mang về chuyện kiểm tra này.
Cơ quan chức năng cho rằng việc kiểm tra đột xuất này có căn cứ Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL về quy định 6 mức phân loại phim, được xếp từ thấp đến cao: Loại P là phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi. Loại K là phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Loại T13 là phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên. Loại T16 là phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên. Loại T18 là phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên. Loại C là phim không được phép phổ biến.
Việc hiển thị mức phân loại phim phải bảo đảm cung cấp được thông tin về mức phân loại phim và nội dung cảnh báo trong khoảng thời gian đủ để người xem tiếp nhận được thông tin. Cụ thể đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác: Hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói trước khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.
Về chế tài xử phạt: Căn cứ tại khoản 5, Điều 10 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4, Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP vi phạm quy định về phổ biến phim: Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi không bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim.
Pháp luật quy định rằng để kiểm soát hiệu quả đối với các phim dán nhãn T18, phía rạp phim sẽ yêu cầu khán giả phải xuất trình chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc giấy tờ tùy thân trước khi vào rạp.
“Tại sao không kiểm tra trước chiếu mà kiểm tra khi đang chiếu? nếu có cảnh nóng trước đó và có người dưới 18 tuổi vào coi như bản chất kiểm tra, xem ra là thừa? Ngoài ra kiểm tra lúc đang chiếu là thiếu tôn trọng, thiếu văn hóa đối với người xem trên 18 tuổi”, đó là ý kiến ghi nhận về chuyện tại sao trong thời gian khi khán giả đã vào rạp chờ đợi lại không tiến hành “kiểm tra”?
Một ý kiến ghi nhận từ khán giả xem phim: “Theo tôi, các đồng chí công an không cần vào phòng chiếu như thế. Cứ ở ngoài trước ngay cửa phòng chờ hết phim ra, thì kiểm tra. Phát hiện sai quy định thì phạt kịch khung, phạt người tổ chức bán vé cho các cháu và phạt trực tiếp các cháu, báo gia đình, báo nhà trường… làm cho thật nghiêm túc vào. Rồi cho báo chí đăng rầm rộ lên. Bảo đảm sau đó có được tặng vé thì ai cũng… từ chối!”.
Một khán giả ngỡ ngàng: “… Đó giờ tôi coi phim rạp chưa bao giờ thấy phim bị dừng ngang như vậy, không hiểu bị gì. Mọi người cũng bất ngờ, nhìn qua nhìn lại xôn xao hỏi chuyện gì đang xảy ra. Rồi đèn sáng lên, công an ập vô…“
Trong luồng ý kiến cực đoan thì cho rằng, “chắc chắn trên thế giới chỉ có Việt Nam làm theo cách rất thô lỗ này. Muốn kiểm tra thì làm trước khi chiếu khi rạp đã đủ người. Phim nếu có cảnh sex thì cũng vừa phải thôi, bao nhiêu phim sex lõa lồ tràn ngập trên mạng đó thôi!…”.
Ngoài ra một luật sư đặt câu hỏi “vì sao lại công an hóa ở đây khi mà thanh tra Bộ Thông tin phải kiểm tra, xử phạt như quy định của Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL, chứ không phải công an”.