Việt Nam Thời Báo

VNTB – Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thới Bình (lược thuật)

(VNTB) – Đại diện 6 ngân hàng phát triển là ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch.

Trước mắt là khoản tài trợ 2,2 tỷ Mỹ kim “vốn mồi”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khoản tài trợ 2,2 tỷ USD có vai trò là nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài. Lễ trao Hồ sơ Quy hoạch và công bố cam kết tài trợ đã cụ thể hóa bước đầu tiên của quy trình thủ tục, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá về hạ tầng trong vùng cũng như thể hiện sự cam kết của các nhà tài trợ.

Tài liệu phục vụ hội nghị về quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long, đưa ra những điểm yếu như sau về địa phương này:

Một. Nếu lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu, là nguồn lực cho sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long thì đây là điểm nghẽn lớn nhất. Đặc biệt là vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; nhất là cán bộ các cấp với yêu cầu “năng động, sáng tạo, tự tin, tận tụy, trăn trở nhiều hơn nữa” được xác nhận là vẫn còn loay hoay.

Nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động vùng qua đào tạo khoảng hơn 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình chung cả nước; năm 2020, cả nước có tỷ lệ 64,5% lao động qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24,5%.

Hai. Quy mô kinh tế nhỏ chỉ chiếm 12,08% GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 67% so với bình quân chung cả nước, 53,98 so với 80,21 triệu đồng/người. Tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn cả nước, 27,2%, cả nước là 40,5%.

Ba. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu và yếu. Trước hết, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển tải của cải vật chất được sản xuất tại vùng ra cả nước và thế giới; thiếu cảng biển nước sâu để kết nối với quốc tế; thiếu các trung tâm tiếp vận và kho vận của vùng; giao thông đường thủy nội địa chưa được phát huy; hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Hạ tầng về y tế, giáo dục còn chưa đồng đều, yếu kém ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Bốn. Không đồng đều về môi trường đầu tư kinh doanh; các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, chuyển đổi số thấp hơn so với các vùng khác trong cả nước. Liên kết vùng còn chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả.

Năm. Thu hút FDI còn thấp, đứng thứ 4/6 các vùng, đầu tư tư nhân chưa nhiều. Xây dựng nông thôn mới còn chậm, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 48,29%, trong khi cả nước đạt 54%.

Sáu. Du lịch, dịch vụ chưa phát triển. Phần lớn các địa phương mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, thiếu cơ sở lưu trú chất lượng cao để đón khách quốc tế và các dịch vụ khác liên quan du lịch.

Bảy. Cải cách hành chính, chuyển đổi số chưa thực sự mạnh mẽ và hiệu quả, cần rất nhiều sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư thỏa đáng, phù hợp, hiệu quả.

Tám. Là một trong những khu vực địa lý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, nước dâng do bão lũ và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác…

Vốn tư bản đổ vào miền Tây Nam bộ

Nổi trội nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long so với các điểm còn yếu trước, chính là chuyện thuận lợi phát triển nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng được bồi đắp phù sa màu mỡ, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.

Đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay tiếp tục là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, thực hiện đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng; chiếm 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp tới hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Góp mặt tại hội nghị, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan, bà Elsbeth Akkerman, cho biết dự án Cảng biển nước sâu Cái Mép Hạ và trung tâm logistics trị giá 1 tỷ Euro do liên doanh Việt Nam – Hà Lan – Bỉ phát triển sẽ là một ‘viên gạch’ quan trọng để xây dựng khả năng tiếp cận thị trường châu Âu cho tôm và trái cây từ đồng bằng sông Cửu Long.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác về phát triển cảng, phát triển chuỗi kho lạnh, năng lực bảo quản cũng như cải thiện năng lực đường thủy nội địa, vận tải thủy nội địa và đào tạo thủy thủ đoàn.

Bà Elsbeth Akkerman

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, quản lý tài nguyên nước sẽ vẫn là cốt lõi trong chương trình hợp tác của Hà Lan với Việt Nam để bảo vệ các vùng nước ngọt quan trọng và các khu vực ven biển, nhằm cải thiện chất lượng nước (đặc biệt liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản), thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai.

Với nội dung này, cho phép tôi đề cập đến sự nghiêm trọng của sụt lún đất do khai thác nước ngầm, hiện đang gây ra nhiều ngập lụt hơn là do biến đổi khí hậu ở đồng bằng châu thổ…” – bà Elsbeth Akkerman nói và cho hay Chính phủ Hà Lan và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc củng cố các khu vực ven biển của đồng bằng sông Cửu Long, và tăng khả năng chống chịu của người dân nơi đây.

Hà Lan đã giao một liên minh các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào giai đoạn đầu của quá trình xây dựng dự án phục hồi rừng ngập mặn.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng với cách tiếp cận thận trọng sử dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, Việt Nam sẽ đóng góp hơn nữa vào việc cải thiện đa dạng sinh học và giảm thiểu biến đổi khí hậu trong công tác quy hoạch tổng thể cho đồng bằng sông Cửu Long” – bà Elsbeth Akkerman, nhấn mạnh.

Còn bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói rằng bà hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã chuyển từ quy hoạch sang hành động với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

“Trên cơ sở Quy hoạch vùng, tôi mong các quý vị tiếp tục sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư cấp vùng, phân bổ ngân sách để chuẩn bị các dự án đã lên kế hoạch và đơn giản hóa các quy trình phê duyệt để nâng cao tính sẵn sàng, và đảm bảo quyền làm chủ cũng như trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các dự án ưu tiên.

Bà Carolyn Turk

Tôi cũng vui mừng nhận thấy Chính phủ đã chú trọng huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và tôi đặc biệt khuyến khích các quý vị sớm ban hành các quy định pháp lý và cơ chế thể chế cần thiết để tăng cường nguồn vốn tư nhân” – bà Carolyn Turk nói, với phần kết thúc như sau:

Tôi vui mừng thông báo với các quý vị rằng hiện nay, theo yêu cầu của Việt Nam, các cán bộ của chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị một chương trình tổng hợp để thực hiện Quy hoạch vùng – tăng cường khả năng thích ứng, sinh kế và tài sản của người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh của vùng khi phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về khí hậu và phát triển cùng với những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.

Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các quý vị để thực hiện thành công Quy hoạch vùng này”.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao cơ quan quản lý từ chối kiến nghị để doanh nghiệp bán lẻ ký với nhiều đầu mối xăng dầu?

Do Van Tien

VNTB – Đảng kêu gọi tự chỉ trích, sao lại nổi đóa khi bị người dân ý kiến?

Trương Thế Tử

VNTB – Bộ trưởng Bộ Công thương ‘gánh vác’ chuyện gì?

Phan Thanh Hung

1 comment

Minh 23.06.2022 10:01 at 10:01

Chính phủ ta cũng phải có đủ lực lượng các bộ xứng tầm,kết hợp cùng với họ đưa đồng bằng sông cửu long trở nên giàu có và thịnh vượng.Nhưng cái khó của nước ta là:làm cách nào để có được cán bộ có trình độ để đáp ứng cho yêu cầu nầy.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.