Hà Nguyên
(VNTB) – Việc “độc lập” ra sao, như thế nào là tùy thuộc vào hệ thống pháp luật tương thích điều chỉnh có đồng bộ hay không!
Pháp luật điều chỉnh ra sao về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Việt Nam chưa có Luật về Hội, chưa có Tòa Hiến pháp nên pháp luật điều chỉnh về hoạt động của Đảng Cộng sản rất chung chung tại Điều 4.3, Hiến pháp 2013: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Ngoài dòng quy định ở Điều 4.3 nói trên, không thấy Hiến pháp dành thêm điều khoản cụ thể nào để bảo hộ/ điều chỉnh về quyền hoạt động của Đảng.
Như vậy, tất cả các hoạt động về Nhà nước và xã hội, theo Hiến định, đều do Đảng chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn diện, đưa đến nếp nghĩ quen thuộc là nếu chống các chính sách nào đó của Nhà nước, thì phân tích theo kiểu tam đoạn luận, có thể xem đó là chống Đảng.
Thế nào là “độc lập”?
Kể từ ngày 1-1-2021, Bộ luật Lao động phiên bản 2019 có hiệu lực thi hành, với việc “người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện”, cho thấy bắt đầu có sự cạnh tranh về công đoàn. Không ít ý kiến nói rằng, rồi đây sẽ có những công đoàn độc lập để người lao động lựa chọn.
Tuy nhiên vẫn nên hiểu cụm từ “độc lập” ở môi trường công đoàn thật ra tiếp tục chịu sự lãnh đạo chung từ cơ quan chuyên trách nào đó của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì đây là một Hiến định.
Có ý kiến bày tỏ lo ngại về hai từ “độc lập”, mặc dù vẫn nằm trong lãnh đạo chung của Đảng. Lý do: nói đến công đoàn là nói đến lợi ích, quyền lợi của người lao động. Nếu ai đó thực sự đại diện quyền lợi cho họ, người lao động sẽ ủng hộ.
Ở các nước, nhóm nghị sỹ bao giờ họ cũng đại diện cho nơi họ ứng cử và đại diện cho đảng phái. Nếu cử tri là người lao động, công nhân nơi các ứng viên nghị sỹ làm việc không ủng hộ, chắc chắn cá nhân ứng viên sẽ không được bầu nữa. Cho nên, việc đứng về phía lợi ích của người lao động là điều kiện tiên quyết, quyết định vận mệnh chính trị của ứng viên.
Việt Nam không có sự cạnh tranh về đảng chính trị, nhưng trong nội bộ Đảng thì vẫn luôn có sự cạnh tranh nhiều lúc rất khốc liệt mà báo chí hay dùng từ “quyền lực nhóm lợi ích” để ám chỉ.
Nếu những nhóm quyền lực này đứng ra thành lập “công đoàn độc lập”, rõ ràng là vẫn nằm trong nội hàm của Điều 4, Hiến pháp, song rất có thể lại sẽ lắm hệ lụy khi được mang ra sử dụng như những quân cờ chính trị di động.
Lưu ý, công đoàn tuy không phải cơ quan Nhà nước, nhưng là bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam.
Mọi chuyện vẫn phải chờ đến năm 2023?
Việc có nhiều tổ chức công đoàn sẽ được điều chỉnh bằng pháp luật chuyên ngành ra sao?
Cân hỏi này đến nay chưa thể trả lời vì Luật Công đoàn hiện hành không có nội dung nào cho phép về quyền tự do thành lập tổ chức công đoàn độc lập, nghĩa là không chịu sự quản lý trực tiếp từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO Việt Nam, Chang Hee Lee, lưu ý là quyền tự do hiệp hội trong Bộ luật Lao động sửa đổi (tức phiên bản 2019), hiện chỉ áp dụng đối với người lao động trong doanh nghiệp, nên sẽ cần phải được mở rộng phạm vi trong những năm tới đây để song hành với những nỗ lực của chính phủ hướng tới phê chuẩn Công ước số 87 của ILO vào năm 2023.
Theo ông Chang Hee Lee, trước mắt phải giải thích các điều khoản mới, thông qua việc ban hành các nghị định hướng dẫn và thiết lập các thiết chế thực chất để áp dụng và triển khai những điều khoản mới đó.
Công ước 87 là công ước quy định về quyền tự do hiệp hội, tức là đối với các hiệp hội nói chung, chứ không riêng gì công đoàn. Do đó, Việt Nam cần phải có Luật về Hội để điều chỉnh các nội dung khi chính phủ Việt Nam trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 87.
Cũng theo tinh thần này thì các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động đều có quyền thành lập các liên đoàn và tổng liên đoàn một cách tự do, có thể thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hoặc không; và khi ấy, những hội đoàn dân sự như Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cũng được sự bảo hộ ngay tại Việt Nam, khi Công ước 87 được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.