Hàn Lam
(VNTB) – ‘EVN lỗ trong khi công ty con lãi.’
Trao đổi với một số báo chí sau cuộc họp của Bộ Công Thương về tình hình cung ứng điện và huy động các nguồn điện tái tạo chuyển tiếp, ông Đặng Hoàng An – thứ trưởng Bộ Công Thương – đã trả lời về khoản lỗ của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Theo lập luận của ông Đặng Hoàng An, Việt Nam đã vận hành thị trường điện cạnh tranh với 3 cấp độ. Trong đó thị trường phát điện cạnh tranh vận hành từ ngày 1-7-2012. Như vậy theo nguyên tắc, EVN sẽ mua các nguồn điện có giá thấp đến giá cao. Các nguồn từ thủy điện, điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo đều bán hết cho EVN. Tập đoàn này đơn vị duy nhất đứng ra mua điện để bán lại cho khách hàng. Vì vậy, nếu huy động nguồn điện giá cao khiến các chi phí đội lên, EVN đều phải gánh.
“Nếu EVN không phải người mua duy nhất thì khách hàng phải chịu giá điện cao từ đơn vị sản xuất. Do là người mua duy nhất nên tất cả chi phí mua đắt đỏ cũng phải dồn cho EVN, trong khi giá bán điện lại do Nhà nước điều tiết”, ông An nói; và cho rằng thuật ngữ ở đây gọi là thị trường đang vận hành theo nguyên tắc “single buyer”, tức EVN đang đóng vai trò “mua hộ” và phải chịu các chi phí tăng cao khi giá mua điện tăng.
Điều này đồng nghĩa, giá đầu vào theo thị trường, còn đầu ra bị khống chế, không theo thị trường, là lý do khiến EVN lỗ. Thực tế này tạo nên khó khăn cho EVN, khi có vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Lưu ý, EVN là công ty mẹ, và mua điện từ công ty con của chính EVN.
Về pháp lý, căn cứ khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định một công ty trở thành công ty mẹ của công ty khác nếu có được 1 trong các điều kiện sau đây: Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó; Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó; Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
Như vậy đối với công ty có một trong các điều kiện trên với công ty khác thì sẽ trở thành công ty mẹ của công ty đó. Điều này cũng có nghĩa các quyền trực tiếp và gián tiếp của EVN đối với công ty con sẽ thực thi theo luật.
Về quyền chi phối của công ty mẹ đối với công ty con sẽ dựa vào các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con được quy định tại Điều 196 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:
“Điều 196. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con
1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập.
3. Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường, hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
4. Người quản lý công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều này phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
5. Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 01% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.
6. Trường hợp hoạt động kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng cho công ty con bị thiệt hại”.
Theo đó công ty mẹ sẽ có các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm như trên đối với các công ty con. Và với những nội dung trên cho thấy rất có thể EVN ‘vin’ vào khoản 3 nói trên để cho rằng họ không thể buộc công ty con bán với giá cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên nếu đã viện dẫn pháp lý thì cũng nên sòng phẳng ở chi tiết là EVN được độc quyền bán điện ra thị trường. Khi bên bán điện ‘đầu vào’ đưa ra giá ‘kém cạnh tranh’, thì lúc mà EVN ‘lắc đầu’, phía bán điện đó coi như lỗ nặng vì họ không có đầu ra. Khi công ty con không bán điện được thì phần chia lợi nhuận cổ đông mà EVN góp vào đây, coi như cũng dần chuyển sang ‘âm vốn’.
Thế mạnh độc quyền ấy, EVN đã ‘sử dụng’ rất khéo khi đàm phán giá rất thấp với các chủ đầu tư điện tái tạo – đây là những doanh nghiệp không phải công ty con của EVN…
***
Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) đã đặt vấn đề hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN khi năm 2022 báo lỗ 26.000 tỷ đồng.
Theo bà Yên, từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh (vào năm 2019) và vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.
Đặc biệt, cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Dẫn chứng, hai doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 2.550 tỷ đồng và 3.668 tỷ đồng…
“Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?”, bà Yên hỏi.
1 comment
“Công ty mẹ lỗ để công ty con lời?”
Đúng văn hóa Việt quá rùi còn gì!