Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cũng chỉ là cái tên thôi mà…

Diệp Chi

(VNTB) – “Xe khách thành phố” là cái tên mới của xe bus do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất đổi.

 

Vấn đề này đã làm cho dư luận xôn xao. Đổi tên để ‘thuần Việt’? Liệu chính sách của xe bus có đổi theo tên gọi?

Theo lời tờ báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện Bộ GTVT nêu quan điểm: “Tên gọi của xe bus vẫn được giữ nguyên, chỉ thay đổi loại hình phương tiện theo quy định. Có thể hiểu, xe bus nội đô là loại hình phương tiện xe khách thành phố. Bộ GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan ban ngành, người dân để rà soát, chỉnh lý trong dự thảo Luật”.

“Nếu như không có gì thay đổi trong vấn đề xe bus, thí dụ như giá vé; tuyến đường; cách ứng xử của tài xế, soát vé… thì đổi tên để làm gì cho thêm rườm rà, phức tạp? Hồi nào giờ xe chạy trong thành phố, chạy ngoại ô hay chạy liên tỉnh, người dân quen gọi là xe bus cho nó gọn. Chứ bốn chữ xe khách thành phố quá dài dòng. Cái mà người dân quan tâm đến là cải thiện chất lượng xe bus, chứ ai cần chi đến việc đổi tên xe bus”, anh Minh, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM chia sẻ.

“Đồng ý một điều rằng, dù là xe bus hay xe khách thành phố thì cũng chỉ là cái tên, gọi là gì cũng không quan trọng. Mặc dù có đổi tên thành xe khách thành phố đi chăng nữa, thiết nghĩ, một số người cũng vẫn sẽ quen cách gọi cũ là xe bus. Nhưng cái đáng nói ở đây là lãnh đạo Bộ, cũng như Sở GTVT Thanh Hóa không biết có phải quá rảnh hay không mà đưa ra những ý kiến mang tính chất bề ngoài như thế này, rồi đem nó vào cái gọi là dự thảo Luật.

Thay vì ngồi đó nghĩ đổi tên như vậy, sao không suy nghĩ cách nào cải thiện chất lượng phương tiện công cộng để tiện lợi, khuyến khích nhiều người dân sử dụng hơn?”, một người dân sinh sống ở Sài Gòn băn khoăn cho khoản tiền thuế mà dân chúng lâu nay đã được chi xài kiểu ‘tào lao’ đến vậy.

“Vấn đề đổi tên này làm mình nhớ đến cái vụ thu phí – thu giá. Trạm thu phí đổi thành trạm thu giá, rồi sau đó đổi lại thu phí. Đổi qua đổi lại, cuối cùng vẫn y như cũ. Làm thế để làm gì? Theo mình đọc trên báo, tại hội thảo góp ý của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM hôm 30-9, nhiều ý kiến cho rằng cần giữ nguyên tên xe buýt thay vì có tên mới “xe khách thành phố” theo như dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Lý do, thuật ngữ này khá lạ lẫm với người dân, không gần gũi với thực tiễn. Mình thấy quyết định này của chính quyền thành phố là rất chính xác. Đổi làm chi cho tốn công, tốn sức, có khi còn tốn tiền nữa”, bạn Ngọc, một cựu sinh viên bày tỏ.

“Lắm chuyện mấy ông cứ ngồi rồi nghĩ ra làm gì, câu chữ quen rồi thì cứ để ảnh hưởng gì đâu. Cần gì phải đặt tên lại cho phức tạp. Thay đổi cách thức hoạt động để tốt hơn – thay đổi cái tên gọi không thể nào tốt hơn được!”, một người dân bình phẩm.

Nếu đúng như lời Bộ nói, thực chất cũng là xe bus, vậy cần chi đến việc bàn luận rồi đưa ra ý kiến đổi tên để cho dân tình xôn xao, thắc mắc? Trong khi đó những vấn đề như nên thay đổi về chất lượng xe bus; quy định di chuyển xe bus trên đường như thế nào để những phương tiện khác không cảm thấy nguy hiểm… mới đáng được chú ý hơn.

Cũng chỉ là cái tên thôi mà, đổi chi cho mắc công vậy!

Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Vì sao không để tư nhân vào cuộc?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhật, Hàn cạnh tranh các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Kém hơn dân, nên từ chức

Phan Thanh Hung

1 comment

Pham bon 12.10.2020 8:04 at 20:04

“Xe khách thành phố “ nếu chạy ra ngoài tp là bị phạt ,vì sai CHỨC NĂNG?
– nghĩ cách kiếm ăn cho ngành GT và CÔNG an !

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.