Việt Nam Thời Báo

VNTB- Cứu trợ miền Trung: Cần thừa nhận hợp pháp các tổ chức xã hội dân sự độc lập

Hàn Giang
(VNTB) – “Tôi không nghĩ là họ công nhận mà họ sẽ tìm cách cản trở. Bởi vì người cộng sản họ luôn luôn cản trở những việc họ không kiểm soát được và chắc chắn trong thời điểm tới họ sẽ làm sao đó để các hoạt động thiện nguyện này trở nên khó khăn hơn, tất cả phải qua Mặt trận tổ quốc. Tôi chẳng có lạc quan nào về việc nhà nước này lắm nghe và thừa nhận các mặt tốt của các tổ chức xã hội dân sự”- lời của anh Lã Việt Dũng.
   Anh Lã Việt Dũng trong chuyến đi về vùng lũ miền Trung thiện nguyện (ảnh: Facebook Lã Việt Dũng)
Cứ nghĩ đã là hoạt động thiện nguyện xã hội thì luôn được các cấp chính quyền Nhà nước đón nhận và tạo điều kiện cho các cá nhân, đoàn thể hoàn thành tốt công việc. Thế nhưng, với những gì diễn ra ở thực tế đã nói lên chưa hẳn là như vậy, đợt lũ từ ngày 14/10/2016 vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã bộc lộ quá nhiều khó khăn, trở ngại cho các cá nhân, đoàn thể làm công tác thiện nguyện gặp phải. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức Xã hội dân sự độc lập đang được người dân đón nhận, đòi hỏi chính quyền Nhà nước Việt Nam phải thừa nhận như một nhu cầu tất yếu của sự phát triển xã hội…
Trở ngại của các tổ chức Xã hội dân sự độc lập đi làm thiện nguyện

Các tổ chức Xã hội dân sự độc lập, tức là các tổ chức dân sự không chịu sự quản lý của chính quyền Nhà nước, không chấp nhận sự chi phối của các cơ quan, đoàn thể của Nhà nước, là các tổ chức hoạt động phi Chính phủ, khác hoàn toàn với các tổ chức, hội đoàn như; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân…bởi các hội đoàn này do Nhà nước lập và chịu sự quản lý của Nhà nước nhằm phục vụ cho mục đích chính trị là trước hết. Các tổ chức Xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam hiện nay phải kể đến những hội đoàn như: Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, Hội Anh em dân chủ, Hội cựu tù nhân lương tâm, nhóm No- U, tổ chức Con đường Việt Nam, Hội dân oan…Vì hoàn cảnh thực tại của xã hội Việt Nam, vì nhu cầu thiết yếu của người dân và đất nước nên các tổ chức xã hội dân sự độc lập đã có những hoạt động bị đảng và nhà nước Việt Nam không chấp nhận, không ít lần bị báo chí nhà nước đăng tải những bài viết quy chụp cho là các tổ chức chống đảng và nhà nước Việt Nam. Vì lẽ này mà không ít hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự độc lập dù đúng pháp luật và Hiến pháp thừa nhận nhưng vẫn bị các cấp chính quyền nhà nước gay khó khăn nhất định ví dụ hoạt động thiện nguyện xã hội.

Trong đợt lũ từ ngày 14/10 vừa qua, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình là những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại tài sản và tính mạng con người rất lớn. Người dân các tỉnh nói trên cho đây là đợt lũ lịch sử. Giữa bốn bề mênh mông sông nước, dòng nước lũ cuồn cuộn chảy xiết, có thể nói thành viên của nhóm dân sự độc lập No-u đã không quản ngại khó khăn và nguy hiểm, có mặt đầu tiên để phản ánh tình hình lũ lụt và trao những phần quà cứu trợ kịp thời cho bà con vùng lũ. Kế đến là các hội đoàn dân sự độc lập khác như Hội Anh em dân chủ, Hội Nhà báo độc lập…cũng lần lượt tiến về vùng lũ miền Trung làm công tác thiện nguyện, đón nhận được một nguồn cảm tình rất lớn từ đông đảo người dân.

Tuy vậy, đã có những khó khăn, trở ngại nhất định chủ yếu từ phía chính quyền ở một số địa phương mà các đoàn dân sự độc lập đi đến thiện nguyện. Đơn cử, đoàn thiện nguyện của anh Lã Việt Dũng và những người bạn bị các đại diện chính quyền ở xã Cảnh Dương, tỉnh Quảng Bình mời về cơ quan xã làm việc. Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, anh Dũng tường thuật:

“Diễn biến sự việc như thế này, khi mà đoàn của tôi vào xã Cảnh Dương, tỉnh Quảng Bình, đoàn của tôi gồm tôi, chị Thảo Teresa, chị Tuyết, anh Nguyễn Văn Phương… đến trao quà cho bà con. Ở đây có nhiều con tàu bị sóng đánh chìm do mưa lũ chứ không phải do thủy điện xả lũ. Khi tụi tôi trao quà cho mọi người xong thì có một đoàn là những cán bộ địa phương vào. Một người xưng là biên phòng, một người xưng là Mặt trận Tổ quốc, một người xưng là trưởng công an xã. Đầu tiên, họ vào họ nói với tụi tôi là khi nào vào thì phải qua xã trước, xã cho gặp rồi mới được gặp, sau đó họ mời tụi tôi về xã làm việc. Tôi nói họ là muốn làm việc với xã thì phải có văn bản nào quy định rõ việc khi nào thăm gặp và trao quà thì phải tới xã báo cáo. Còn việc họ mời tụi tôi ngay lúc đó là không thể được. Họ cũng có giằng co, riêng biên phòng với Mặt trận Tổ quốc thì nói năng nhẹ nhàng, còn anh trưởng công an xã thì nói rất to tiếng, cứ hùng hổ một hai buộc tụi tôi phải về xã làm việc nhưng tụi tôi bảo là bận lắm nên không được. Sau đó tụi tôi cũng lên xe đi về.”

Không chỉ trường hợp đoàn của Dũng và những người bạn của Dũng mà một số cá nhân, đoàn thể khác cũng bị gây khó khăn nhất định trong quá trình đi làm thiện nguyện, cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung như đoàn cứu trợ do cha Thục của giáo xứ Song Ngọc, tỉnh Nghệ An bị cảnh sát giao thông chặn hạch hỏi giữa đường. Hoặc trường hợp người dẫn chương trình truyền hình Phan Anh trong vòng mấy ngày đã kêu gọi được gần 20 tỷ đồng để cứu trợ đồng bào vùng lũ nhưng sau đó nổi đình nổi đám nguồn dư luận cho rằng, Phan Anh với hoạt động kêu gọi tiền bạc thiện nguyện trên đã vi phạm Nghị định 64/2008 và Nghị định 147/2007 của Chính phủ.

Dư luận thật khó hiểu. Vì lý do gì mà các cấp Chính quyền Việt Nam lại không tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất và sự an tâm cần thiết cho các cá nhân, đoàn thể trong quá trình làm thiện nguyện? Bởi lẽ các cá nhân, đoàn thể này đang làm công việc mà người dân đang cần khẩn cấp nhất. Giải đáp thắc mắc này, anh Dũng đưa ra hai lý do:

“Tôi thì nghĩ có hai lý ở đây. Một là họ có thói quen, tất cả những đoàn từ thiện nào đến đều phải qua chính quyền hết, chính quyền của họ có đơn vị quản lý hết các việc. Hai là ở đây là một vùng mà người dân từng đi biểu tình, người dân mang cá ra quốc lộ biểu tình để phản đối việc Formosa gây ra ô nhiễm biển làm cho họ thất thu. Khi mà chính quyền họ biết tụi mình đến và cũng có thể chính quyền họ đã biết tụi mình có người thường xuyên làm việc các hoạt động dân sự, lên tiếng trước những bất công xã hội nên họ đến để hỏi đặng cản trở “
Đã đến lúc thừa nhận hợp pháp các tổ chức xã hội dân sự độc lập?

Đợt mưa lũ vừa qua cho thấy, ngoài vấn đề phải thừa nhận các cá nhân, tổ chức dân sự độc lập làm rất tốt trong việc giúp đỡ người dân, công tác thiện nguyện xã hội nói chung thì ngược lại, các cá nhân, đoàn thể do đảng và nhà nước quản lý đã bộc lộ những vấn đề tiêu cực, chậm chạp, kém hiệu quả và thậm chí có những hội đoàn chẳng nghe nói có làm việc gì để hướng về đồng bào vùng lũ miền Trung hay không. Cá biệt những trường hợp như lùm xùm vụ tranh công làm từ thiện ở miền Trung sau mưa lũ giữa Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hoặc là khi đoàn thiện nguyện trao tiền cứu trợ cho người dân vừa đi khỏi là cán bộ thôn đến thu bớt tiền.

“Tôi thấy một điều rất rõ ràng là đến thời điểm hiện nay có không ít người dân, người dân đi cứu trợ lẫn người nhận cứu trợ đều mất niềm tin vào việc cứu trợ từ phía chính quyền.”- lời của anh Lã Việt Dũng.

Công tác thiện nguyện xã hội chỉ là một trong những hoạt động tốt đẹp mà các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam đã và đang làm. Các hoạt động khác như lên tiêng về vấn đề môi trường bị ô nhiễm, vấn đề biển đảo bị xâm phạm hoặc vấn đề dân oan, bất công xã hội…tất cả cũng vì lợi ích người dân và phát triển xã hội. Vậy, đã đến lúc đảng và nhà nước Việt Nam nhận ra tầm quan trọng và công nhận sự tồn tại hợp pháp của các tổ chức Xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam hay chưa? Anh Dũng đưa ý kiến không có gì là lạc quan về vấn đề này. Anh Dũng nói:

“Tôi không nghĩ là họ công nhận mà họ sẽ tìm cách cản trở. Bởi vì người cộng sản họ luôn luôn cản trở những việc họ không kiểm soát được và chắc chắn trong thời điểm tới họ sẽ làm sao đó để các hoạt động thiện nguyện này trở nên khó khăn hơn, tất cả phải qua Mặt trận tổ quốc. Tôi chẳng có lạc quan nào về việc nhà nước này lắm nghe và thừa nhận các mặt tốt của các tổ chức xã hội dân sự”

Việt Nam Thời Báo hỏi anh Dũng, liệu có phải vì đảng và nhà nước Việt Nam lo ngại sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự độc lập sẽ làm giảm ảnh hưởng và quyền lực của Đảng và Nhà nước? Anh Dũng đáp có thể chính quyền không kiểm soát được việc phát triển của các tổ chức dân sự độc lập nên chính quyền sẽ tìm cách ngăn chặn.

Tin bài liên quan:

VNTB – Những điều ít biết đằng sau vụ án Đoàn Thị Hương

Phan Thanh Hung

VNTB- “Formosa cút xéo”! “Cắt đường lưỡi bò”! – một đám cưới “kỳ lạ” ở Quảng Nam…

Phan Thanh Hung

VNTB – Bị triệt phá kinh tế vì bày tỏ quan điểm cá nhân, bức xúc vấn nạn xã hội

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.