Trung Hải
(VNTB) – Chẳng thể nào tuyệt đối hóa dân chủ, coi đó là một đũa thần giải quyết vạn năng mọi vấn đề để rồi cuối cùng loại trừ nó khi thấy nó phát sinh khuyết điểm. Do vậy, ít nhất dân chủ có thể sẽ giải quyết tốt những vấn đề phát sinh tại Việt Nam, trong một môi trường còn quá nhiều vấn đề như hiện nay, và chỉ có dân chủ mới giải quyết được.
Khi một thầy giáo ở Việt Nam lên tiếng, giới trẻ Hồng Công đang “đạp đổ chén cơm của mình”. Điều này xét trên khía cạnh trật tự xã hội không có gì sai. Có một thời điểm, chuỗi dài của Hồng Công là các cuộc biểu tình tấn công nhau, bạo lực lan tràn.
Một quan điểm chung của những người đang thực hiện nhiệm vụ “cải đỏ dư luận mạng xã hội” [*], đây sẽ là viễn cảnh nếu Việt Nam có phép thực hiện biểu tình, viễn cảnh chỉ có đốt và phá.
Thế nhưng, “bạo loạn” Hồng Công chỉ thực sự xuất hiện khi mà các giá trị mà người biểu tình trẻ tuổi ở vùng đất này đã không được đáp ứng. Họ, những người biểu tình đứng trước một thực thể chính phủ vừa câm lại vừa điếc.
Ngày 9/6, hơn 1 triệu người biểu tình yêu cầu Lâm Trịnh Nguyệt Nga rút lại dự luật dẫn độ, nhưng đã bị làm ngơ. Ngày 16/6, gần 2 triệu người tiếp tục ra đường để yêu cầu nhưng tiếp tục rơi vào trạng thái ban đầu.
Bỏ biểu tình ôn hòa, tiến tới biểu tình bất ôn hòa là một tiến trình mà các nhà đấu tranh, những người cảm tình viên chấp nhận để đi đến áp lực đủ để chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga biết lắng nghe hơn.
Tại sao lại đạp đổ nồi cơm (kinh tế), từ bỏ quyền lợi cá nhân (có thể bị bắt giam, bị biệt tích, tử vong) để thực hành đấu tranh cho tự do, dân chủ? Câu trả lời đến từ, nếu không đấu tranh, sẽ không bao giờ cho thấy công lý, tự do, và các quyền dân sự – chính trị khác.
Cuộc biểu tình với máu và nước mắt đã tạo ra tiếng vang. Kết quả, ngày 27/11, Tổng thống Donald Trump, chính thức cảnh báo thế giới về tình trạng bất ổn đang diễn ra, và đã ký “Đạo luật Nhân quyền & Dân chủ cho Hồng Công”.
Bầu cử hội đồng ủy viên quận vào tháng 11/2019 đã chứng kiến 17/18 ghế là của người ủng hộ dân chủ và biểu tình. Làm gia tăng khát vọng dân chủ của Hồng Công sẽ được lắng nghe vào năm cuộc bầu cử tháng 9/2020 tới đây.
Biểu tình Hồng Công cũng thu hút một phong trào ủng hộ dân chủ cho xứ này tại các quốc gia, đặc biệt là Đài Loan. Kết quả, bà Thái Anh Văn, thuộc Đảng Dân tiến đã giành chiến thắng thuyết phục các đối thủ thân Bắc Kinh.
Nhưng đây mới chỉ là bước đầu, giành quyền tự do, dân chủ ở Hồng Công còn gặp nhiều thách thức. Theo số liệu mới nhất vừa được Mặt trận Dân quyền Hồng Công cập nhật, trong cuộc biểu tình thu hút 1,03 triệu người ngày 1/1/2020, đã có hơn 400 vụ bắt giữ, nâng tổng số vụ bắt giữ lên hơn 7.000 kể từ tháng 6 năm ngoái. Trong đó, một phần ba có tuổi đời dưới 20.
Chính quyền Bắc Kinh cũng ra tuyên bố đe dọa các tổ chức phi chính phủ, gán trách nhiệm cho họ đứng phía sau tình trạng bất ổn chính trị tại Hông Công và đe dọa sẽ buộc họ phải “trả giá”. Mới đây, người đứng đầu tổ chức HRW đã bị từ chối nhập cảnh vào Hồng Công vào ngày 13/1.
Dân chủ có thể không hoàn hảo, nhưng đó không phải là lý do để Hồng Công từ bỏ nó, hai người Hồng Công (Cassandra Chan, Lam Tin) đã bày tỏ như thế trên SCMP. Theo đó, chúng ta không thể từ bỏ đấu tranh cho dân chủ vì sợ những sai sót nhất định, bởi những sai sót đó cũng có thể tồn tại trong chính môi trường không dân chủ. Đồng tiền luôn có hay mặt, và dân chủ cũng vậy, nhưng ít ra nó còn có mặt tích cực hơn môi trường phi dân chủ.
Quan điểm này, bài học Hồng Công có lẽ thích hợp cho những ai còn đang nghi ngờ về dân chủ, nhân quyền. Chẳng thể nào tuyệt đối hóa dân chủ, coi đó là một đũa thần giải quyết vạn năng mọi vấn đề để rồi cuối cùng loại trừ nó khi thấy nó phát sinh khuyết điểm. Do vậy, ít nhất dân chủ có thể sẽ giải quyết tốt những vấn đề phát sinh tại Việt Nam, trong một môi trường còn quá nhiều vấn đề như hiện nay, và chỉ có dân chủ mới giải quyết được. Một trong số đó bao gồm cả vấn đề đất đai thuộc sở hữu nhà nước, quyền được biểu tình, quyền lập hội, và quyền tự do ngôn luận.
Việt Nam đang tích tụ những kìm nén của bức xúc xã hội, và nếu vẫn tiếp tục ứng xử độc đoán như hiện nay, có lẽ nguy cơ bùng phát sẽ lớn hơn 1000 Đồng Tâm cộng lại.
* Người viết không dùng cụm từ “Dư luận viên” vì có thể đánh đồng với một nghề nghiệp trong xã hội. Những “cải đỏ dư luận mạng xã hội” gắn với ngôn ngữ thô tục, lặp đi lặp lại những cụm từ để bảo vệ quyền lực.
**Dân chủ thật sự chứ không phải dân chủ xã hội chủ nghĩa