Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dân ‘mở miệng’ qua đâu, thưa ông Chủ tịch Quốc hội?

Nguyễn Huyền

 

(VNTB)- Cựu quan chức đảng viên mà đóng góp pháp luật còn ngại ngần thủ tục, huống chi là ‘dân đen’!

 

Cho rằng sự đầu tư chuẩn bị cho các dự án luật cần xem xét nghiêm túc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự sốt ruột khi việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật Đất đai sửa đổi tới nay “vẫn im lìm”.

Nhìn nhận nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của Quốc hội trong năm 2023 là sửa luật Đất đai, ông Vương Đình Huệ đã bày tỏ sự sốt ruột khi việc lấy ý kiến nhân dân tới nay “vẫn im lìm” trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải chủ động kéo dài thời gian cho chuyện lấy ý kiến này đến ngày 15-3-2023.

Ông Vương Đình Huệ nên bỏ công tìm hiểu coi việc gọi là “lấy ý kiến nhân dân” đã được tiến hành ra sao trước khi “bày tỏ sốt ruột”.

Trong một khảo sát bỏ túi của lần họp chi bộ đảng ở địa phương dịp tân niên Quý Mão 2023, tôi có đặt vấn đề là ở đây có nhiều đồng chí đảng viên từng phụ trách địa chính, thậm chí có cả đảng viên là nhà báo đã nghỉ hưu, vậy sao chi bộ không chủ động đưa ra các chuyên đề góp ý về luật đất đai mà Quốc hội đang làm thủ tục “lấy ý kiến”?

Câu trả lời chung nhất là có ai cầm được trong tay bản dự thảo về sửa đổi luật đất đai đâu mà góp ý. Hơn nữa, bỏ công phát biểu đóng góp, thì sau đó những biên bản này liệu có phải chuyển qua khâu duyệt trước của Bí thư chi bộ trước khi gửi lên cấp trên nữa theo quy định về mặt tổ chức đảng?

Là những cựu quan chức đảng viên mà đóng góp pháp luật còn ngại ngần thủ tục đến thế, huống chi là ‘dân đen’; họ muốn ‘mở miệng’ lắm chứ, vì đất đai là xương máu của ông bà để lại mà, thế nhưng ‘kênh’ nào tiếp nhận những đóng góp này, và người dân biết phải tìm ở đâu bản dự thảo sửa đổi luật đất đai mà ông Chủ tịch Quốc hội đang muốn lấy ý kiến?

Tôi cho rằng nếu thực sự ông Vương Đình Huệ muốn lắng nghe ý kiến của người dân về chuyện luật đất đai, thì ông có thể tìm đến những người dân oan đang khiếu kiện về đất đai. Qua những luật sư tham vấn cho các đơn từ giúp dân oan đất đai, ông Chủ tịch Quốc hội sẽ rõ hơn thay vì chỉ ngồi một chỗ để than phiền về chuyện lập pháp.

Xin đơn cử.

Luật Đất đai năm 2003 ở Điều 135 và Điều 136 sử dụng cả hai khái niệm “tranh chấp đất đai” và “tranh chấp về quyền sử dụng đất”, thì Luật Đất đai năm 2013 sử dụng khái niệm “tranh chấp đất đai” và “tranh chấp về tài sản gắn liền với đất”.

Khoa học pháp lý nói chung không có định nghĩa về quyền sử dụng đất mà chỉ thừa nhận quyền sử dụng đất là quyền của người sử dụng đất được Nhà nước trao quyền thực hiện các quyền sử dụng, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ đất và thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất đó tương ứng với các hình thức sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Quyền sử dụng đất thuộc loại quyền tài sản theo pháp luật dân sự nên cũng là một loại tài sản nhưng không thuộc loại “tài sản gắn liền với đất” và tranh chấp đất đai không bao gồm tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.

Nếu việc giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất nhằm mục đích xác định quyền sử dụng đất thuộc về ai thì mục đích giải quyết tranh chấp tài sản gắn liền với đất là xác định tài sản tranh chấp (đang gắn liền với đất) thuộc về ai và trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, chủ thể có quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đang tranh chấp có thể không đồng thời là chủ thể có quyền sử dụng đất.

Khái niệm tranh chấp đất đai tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 có phạm vi rất rộng, có thể được hiểu bao gồm các tranh chấp về quyền sử dụng đất như tranh chấp về ranh giới, tranh chấp đòi lại đất,…; tranh chấp quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện các hợp đồng về quyền sử dụng đất như yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, công nhận hiệu lực của hợp đồng, tuyên bố hợp đồng vô hiệu…

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 không thể hiện rõ, các chủ thể trong quan hệ tranh chấp đất đai có bao gồm hay loại trừ các chủ thể xác lập giao dịch về quyền sử dụng đất, điều này gây khó khăn cho việc thụ lý, giải quyết những vụ án liên quan đến giao dịch có đối tượng là quyền sử dụng đất, tòa án không rõ áp dụng khoản 3 hay khoản 9 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 làm căn cứ thụ lý, giải quyết.

Những vướng mắc này cho thấy, nội hàm của khái niệm tranh chấp đất đai tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 gây khó cho việc áp dụng pháp luật về xác định thủ tục giải quyết, chủ thể có thẩm quyền giải quyết,…

Vậy là dân oan về đất đai cứ tiếp nối mà không phiên tòa nào được mở ra để giải quyết tận nguồn cơn.

Dĩ nhiên người dân oan ở đây họ luôn muốn được “quyền mở miệng”, thế nhưng nơi đâu sẽ là “lắng nghe tử tế, cầu thị” những lời thật về chuyện đất đai trong mối sở hữu mà luật pháp dường như vẫn chưa quan tâm đầy đủ tới quyền được có nhà ở đó của người dân?


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao lại e ngại Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương: ‘Đại sứ Hoa Kỳ đã có quan tâm sâu sắc đến tình hình Nhân quyền Việt Nam’

Phan Thanh Hung

VNTB – Nịnh lộ liễu quá…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.