Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dân phòng được quyền động thủ với dân?

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Những ngày qua, lan truyền trên mạng xã hội là một video ngắn, ghi nhận hình ảnh một thanh niên bận áo dân phòng đã “thẳng tay” đấm đá túi bụi vào hai cậu bé.

 

Báo chí đưa tin, “Theo báo cáo ban đầu, Trường THCS Nguyễn Văn Tố (P.14, Q.10, TP.HCM) nhiều lần bị trộm đột nhập lấy tài sản. Nhà trường đã trình báo với địa phương để tăng cường phối hợp tuần tra địa bàn, giữ an ninh chung. Khoảng 23 giờ ngày 31.3, qua camera giám sát, bảo vệ phát hiện hai người leo rào đột nhập vào trường nên tri hô.

Tổ BVDP P.14 (Q.10) làm nhiệm vụ tuần tra nghe thấy nên đến hỗ trợ bắt giữ, đưa hai em N.P.H.T và N.D.T.A (cùng 14 tuổi, ngụ Q.10) vào phòng bảo vệ của trường để chờ lực lượng công an đến giải quyết. Tại đây, BVDP tên Q.H đã có hành vi đánh hai thiếu niên gây bức xúc dư luận…”.

Dư luận trái chiều về vấn đề này nổi lên, bênh vực có, phản bác có.

Với những ý kiến mang chiều hướng bênh vực hành động của người dân phòng nói trên, cho rằng, “Mọi người đạo đức giả quá. Từ bao giờ lại đi bênh vực bọn trộm cướp vậy? Không phải 1 lần mà nhiều lần đột nhập để trộm rồi. Nhỏ đã vậy, lớn thành cướp hết sao?”; “Bảo vệ họ đánh thằng ăn trộm, sao lại bao che?”; “Xâm nhập gia cư bất hợp pháp có thể bị bắn chết ở nước ngoài nhé. Đừng quên đây là hành vi ăn trộm, ngày xưa là bị chặt tay rồi nhé. Còn về hành vi đánh người do họ bức xúc tài sản của họ bị mất, chẳng qua đây là mấy đứa nhỏ nên mọi người bu vào bao che. Cứ cái kiểu bao che rống lên như vầy sao biểu xã hội không loạn”….

Gạt qua vấn đề về đạo lý, nhân ái với trẻ em; gạt qua vấn đề về quyền trẻ em; gạt qua luật bất khả xâm phạm về thân thể…, cứ tạm thời cho rằng những ý kiến bênh vực kia là đúng. Vậy thì những vụ án đã từng xét xử ở những thời gian trước, có phần tương tự, có lẽ cũng nên xem lại.

Lần giở báo chí từ những ngày xưa cũ, có những vụ tương tự như ở trường Nguyễn Văn Tố này và chủ nhà cũng hành xử y như anh dân phòng.

“…Theo hồ sơ, ông Ánh liên tục 8 lần bị mất trộm gà nên vô cùng bức xúc.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 1.8.2015, sau khi uống rượu, biết nhà ông Ánh có chăn nuôi gà, Tạ Công Trung (23 tuổi) rủ Lê Minh Thành (21 tuổi, cùng ngụ P.Ninh Sơn, TP.Tây Ninh, là đối tượng nghiện ma tuý đang được điều trị cai nghiện – PV) vào nhà ông Ánh trộm gà làm thịt.

Ông Ánh dùng chĩa đâm vào người Trung làm mũi chĩa dính vào người Trung…”.

Và kết quả là: “TAND tỉnh Tây Ninh bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 12 tháng tù, cho hưởng án treo, đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Ánh (63 tuổi, ngụ P.Ninh Sơn, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) về tội “Cố ý gây thương tích” trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh”.

Một sự việc tương tự xảy ra tại Hà Nội – thủ đô của Việt Nam, ngày 5.12.2017, báo chí đưa tin: “Một người dân ở Hà Nội vừa bị công an khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra tội “Giết người” sau khi bị cho là đánh N.Đ.T (15 tuổi) vì phát hiện T. đột nhập nhà mình để trộm cắp tài sản…”.

Ở cả hai trường hợp kể trên, trong quá khứ, tòa Tây Ninh lẫn tòa Hà Nội đều cho rằng hành vi đánh kẻ ăn trộm của chủ nhà là sai. Và kết cục đau buồn, tất nhiên là không ai mong muốn, chủ nhà phải lãnh án.

Nếu như những ý kiến bênh vực kia cho là đúng, hoặc dư luận viên sẽ bênh vực anh dân phòng đó, cho rằng những người nào lên tiếng vì hai đứa trẻ là Phật sống, chỉ giỏi nói đạo lý trên mạng xã hội, vô hình trung, phải chăng, họ đang xác nhận một điều rằng, các vụ việc đã từng xảy ra trong quá khứ kia là xử sai? Tức là đồng nghĩa với việc, ăn trộm “nhập nha” gia đình nào đó, chủ nhà bắt được, dù tức hay tiếc của cỡ nào đi chăng nữa, cũng không thể “động tay động chân”?

Hình như có cái gì đó không ổn ở đây. Vậy thì luồng dư luận bênh vực anh dân phòng đúng hay những gì tòa Tây Ninh, tòa Hà Nội xử là đúng?

Nếu như xác nhận một điều tòa Tây Ninh và tòa thủ đô Hà Nội xử đúng, phải chăng, nên có một hình phạt xứng đáng cho anh dân phòng đã “động tay động chân” này? Và có lẽ, nên chăng việc xem xét yếu tố tăng nặng khi anh này là dân phòng, biết luật nhưng vẫn để cảm xúc chi phối, cố tình phạm luật?

Việt Nam là một hệ thống luật có thể nói là đầy đủ và rõ ràng. Người dân cũng được tuyên truyền rằng cần sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Nếu như đã từng có những trường hợp ăn trộm bị người dân bắt được, do quá bức xúc, nên có “động tay động chân” với ăn trộm và kết quả là người dân bị thiệt thòi với tội “cố ý gây thương tích”. Vậy thì ở đây, người thanh niên dân phòng sẽ như thế nào?

Không lẽ vì hai chữ dân phòng mà có thể “làm luật”? Vì là dân phòng nên có thể tự tiện “động thủ” với người dân?

Chẳng lẽ luật pháp ở Việt Nam bất nghiêm đến thế sao?


Tin bài liên quan:

VNTB – Khai thác bô-xít ở biên giới phía Bắc: bài học từ Đắk Nông

Do Van Tien

VNTB – Sao không cho thành phố giữ lại ngân sách để chống dịch?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch đang bao biện?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo