VNTB – ĐCSTQ tổ chức các tour du lịch nhà tù cho cán bộ đương chức, Việt Nam thì sao?

Kiến Minh (VNTB) ĐCS Trung Quốc đã tổ chức tour du lịch đến nhà tù cho cán bộ quan chức nhằm “mục đích răn đe”.
Và hơn “70 cán bộ tỉnh Hồ Bắc cùng với vợ mình” đã tham dự “tour du lịch” này, trong số người ngồi tù, có không ít là đồng chí của họ.

Cách làm này về mặt tâm lý, được xem như một biện pháp nêu gương để cảnh báo hậu quả của hành vi tham nhũng. 
Nó cũng nhắc ta nhớ lại, phương cách giáo dục này cũng từng được ông Nguyễn Bá Thanh áp dụng thời ông còn làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, khi đó, ông từng tổ chức cho 176 thanh thiếu niên chậm tiến, có hành vi vi phạm pháp luật… đi thăm khu du lịch Bà Nà Hills, sau đó ông cho xe chở các thanh thiếu niên tiến thẳng trại giam Hòa Sơn (Liên Chiểu, Đà Nẵng), để “chứng kiến cảnh phạm nhân bị giam giữ, lao động cải tạo và mất hết tự do” trong 2 tiếng đồng hồ, sau đó tổ chức buổi đối thoại với các em vào buổi chiều. Trong buổi đối thoại, ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: Khiếm khuyết cuộc sống ai cũng có, nhưng nếu muốn đi du lịch thì phải đứng dậy, còn ngược lại thì xuống địa ngục.
Và ở một mức độ tổng quan nhất khi nhìn vào thành phố Đà Nẵng, yếu tố an ninh ngày hôm nay được đảm bảo cũng đến từ những cách giáo dục nêu gương này.
Trở lại với vấn đề chống tham nhũng với Trung Quốc, cùng một trọng tâm là “tiến lên Xã hội chủ nghĩa”, nhưng “màu sắc Trung Quốc” trong xây dựng kinh tế, củng cố hệ thống chính trị và trừng phạt tham nhũng có hiệu quả hơn Việt Nam. Trong khi Trung Quốc mở chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” khiến nhiều đối tượng cấp cao trong quân đội, chính phủ đang còn tại vị hoặc đã về hưu, trong nước hoặc di trú ra nước ngoài (săn cáo xuyên biên giới), phải hầu tòa và thụ hưởng án tử hình, thu hồi tài sản tham nhũng.

Thì Việt Nam, công tác chống tham nhũng thì vấp phải sự “nể nang, né tránh, nửa vời”. Nó thể hiện ở chính tranh cãi về việc có hay không áp dụng án tử hình đối với các đối tượng tham nhũng, việc tiến hành hoạt động giám sát và ngăn ngừa tham nhũng thông qua cơ quan Kiểm toán nhà nước chưa đạt được hiệu quả cao vì “10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào Vinashin nhưng không phát hiện sai phạm”, việc công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chỉ mới hiện hữu trên giấy.

Sự “nhân đạo” với tham nhũng tại Việt Nam đã khiến cho bệnh dịch này có cơ hội len lỏi vào trong chính bộ máy kiểm tra, giám sát tham nhũng là Thanh tra Chính phủ qua vụ “Nguyên thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.” Tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh…

Trong khi đó, đối với các vụ tham nhũng đã được phanh phui, nhưng công tác thu hồi tài sản thì thấp, và chậm hơn so với các đối tượng tham nhũng khiến tài sản bị “chuyển hóa tinh vi”. Năm 2014, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách trên 1.500 tỷ đồng, chỉ đạt 22,3%…

Đúng theo cách mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra, “tham nhũng như ngứa ghẻ.”
Chính vì vậy, Việt Nam cần phải học hỏi sự quyết liệt của Trung Quốc trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, từ cái cách cho quan chức đi thăm nhà tù, tiến hành tử hình, triệt để thu hồi tài sản, đặt trách nhiệm bên cạnh nhiệm vụ của những người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, tiến hành tử hình những quan tham và bỏ tù thật nặng với những kẻ thông đồng dù còn tại vị hay đã “hạ cánh an toàn”… Nhưng muốn làm được như thế, thì cần phải cứng rắn với tội phạm tham nhũng ngay trong Bộ luật hình sự (sửa đổi), vì chỉ khi nhận thức được tham nhũng là quốc nạn, là hành vi không thể dung thứ bằng tiền thì khi đó, mới mở đầu cho những hành động quyết liệt.
Nếu cho rằng, tử hình với tội phạm tham nhũng là đi ngược lại quyền được sống được ghi nhận hiến pháp, ngược lại xu hướng giảm bỏ án tử hình của thế giới thì đó là cách “nhân đạo” với thiểu số có quyền, tiền và vô nhân đạo với đại đa số người dân.


Tin liên quan: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang tổ chức các tour du lịch đến nhà tù cho các quan chức chính phủ, nhằm mục đích răn đe cán bộ công chức không tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp.

Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công An Trung Quốc (Ảnh: Luu Jin/ AFP/ Getty images)

Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin, cơ quan chống tham nhũng nòng cốt của ĐCSTQ là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương – sẽ tổ chức các tour du lịch cho đảng viên để họ nhận thức được những hậu quả của tham nhũng.

Hơn 70 cán bộ tỉnh Hồ Bắc cùng với vợ mình đã trải qua một ngày trong tù để thăm tù nhân, trong số đó có một số đã từng là đồng chí của họ trong đảng.

Một số cư dân mạng Trung Quốc ca ngợi chương trình này là một “cảnh báo giáo dục”, trong khi những người khác lại chế nhạo chuyến “thăm quan” này.

ĐCSTQ đã hứa chống tham nhũng và nhiều nhân vật chính trị hàng đầu đã bị điều tra và/hoặc bị bỏ tù trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, những người chỉ trích chế độ, các nhà phân tích chính trị khác nhau và các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng” này thực chất là để loại bỏ những người được coi là nguy hiểm đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hối lộ, tham nhũng và che giấu tội lỗi đã trở thành động lực làm nên sức mạnh của đảng, trong khi đó, cuộc thảm sát năm 1989 bằng xe tăng vào cuộc biểu tình của sinh viên đã làm tiêu tan bất kỳ hy vọng nào còn sót lại vì chế độ độc tài do Mao Trạch Đông sáng lập sẽ chẳng bao giờ chịu từ bỏ việc kiểm soát bằng bạo lực.

Gần đây, các công tố viên ở thành phố Thiên Tân đã cáo buộc cựu giám đốc an ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc – Chu Vĩnh Khang – tội hối lộ, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật nhà nước, theo tin của truyền thông chính thức.

Từ hai năm trước đây Epoch Times đã công bố rằng Chu Vĩnh Khang sắp bị đưa ra tòa vì tội danh tham nhũng, và sau đó là đưa tin về việc quản thúc ông ta tại gia. Chấn động từ cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu thực sự diễn ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc hiện nay – Tập Cận Bình – lên nắm quyền.

Mặc dù cựu trùm an ninh Trung Quốc đã bị điều tra tham nhũng, nhưng cái “tội” thực sự của ông ta là đã tổ chức đảo chính chống lại Chủ tịch Tập Cận Bình, vào thời điểm khi Tập Cận Bình chuẩn bị lên nắm quyền.

Chu Vĩnh Khang, cùng với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, tạo thành cái gọi là băng đảng Thượng Hải, gồm một nhóm các quan chức tham nhũng và các cựu quan chức, là những kẻ đã lãnh đạo Trung Quốc bằng tham nhũng và đã tích tụ được quyền lực khổng lồ trong những năm 90.

Tham nhũng, tố cáo lẫn nhau và không tin tưởng nhau là những thứ được Đảng Cộng sản nhân giống từ khi mới sinh ra, đã phá hoại nền kinh tế, chính trị và xã hội ở Trung Quốc. Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhiều lần nhắc đến sự thiếu đạo đức đã trở thành tai họa quốc gia.

Andrei Popescu – ET Romania (Đại Kỷ Nguyên)
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)