Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đến bao giờ trẻ em mới được nhà nước bảo vệ ?

Minh Triều

 

(VNTB) – Để ngăn chặn những trường họp bạo hành trẻ, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng, xử lý nặng các trường hợp vi phạm để làm gương.

 

Trong thời gian gần đây, báo chí nhà nước liên tục đưa tin về tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, một cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi tư nhân nằm tại quận 12, TP.HCM. Mái ấm này do bà Giáp Thị Sông Hương điều hành. Mái ấm mở cửa hàng ngày từ 8 đến 20 giờ để đón tiếp các nhà hảo tâm đến thăm trẻ em và đóng góp từ thiện. Tuy nhiên, sau khi bị phanh phui mới biết được đó là “địa ngục trần gian” đối với những đứa trẻ vô tội. 

Trường hợp tại Mái ấm Hoa Hồng không phải là duy nhất. Thực tế cho thấy các vụ bạo hành trẻ em ngày càng thể hiện tính chất phức tạp, gia tăng mức độ nghiêm trọng; nạn nhân bị xâm hại ngày càng trẻ hóa, báo động sự xuống cấp về đạo đức của không ít cá nhân, gây bức xúc xã hội. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra, hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10-14 đã từng bị kỷ luật bạo lực; trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, 47% trẻ em bị xâm hại thể chất. Hậu quả mà các em phải gánh chịu sẽ cần phải rất lâu mới có thể khắc phục được. (1)  

Đơn cử như vụ việc hồi tháng 4-2024, mạng xã hội lan truyền hai video ghi cảnh người phụ nữ dùng tay, và đồ vật đánh một bé trai khiến cháu bé khóc nghẹn, la hét thất thanh. Vụ việc sau đó được xác định xảy ra tại nhóm lớp mầm non Tí Bo trên đường Linh Đông, phường Linh Đông, Thủ Đức (TP.HCM).(2) Cũng vào tháng 7 năm nay, UBND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã xử phạt hành chính, buộc bà T.T.N. (39 tuổi, trú phường Tân Lợi, chủ nhóm trẻ) xin lỗi công khai. Trước đó người dân có clip tố cáo nhóm giữ trẻ trái phép này tát trẻ 3 tuổi khi cho ăn.(3)

Hay mới đây vào chiều 1-9, Công an phường Ia Kring (TP Pleiku, Gia Lai) nhận tin báo bé Hồ Dương Tuấn Kiệt (5 tuổi, thiểu năng, không nói được) bị bạo hành khi đang được nuôi dưỡng tại một cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật trên đường Trần Nhật Duật, TP Pleiku và qua đời sau đó với nhiều vết thương trên cơ thể. Ngày 5-9, Công an tỉnh Gia Lai xác định nguyên nhân ban đầu khiến bé tử vong là do bị bạo hành.(4)

Các trường hợp bạo hành này không chỉ diễn ra tại các mái ấm tư nhân mà còn ở các trung tâm bảo trợ xã hội do nhà nước quản lý. Ví dụ như vụ việc xảy ra hồi năm 2015, tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Theo đó, các bảo mẫu khoa Măng Non của Trung tâm này bị phát hiện nhiều lần đánh đập, tát liên tục vào mặt, dùng dép đánh, đá, hăm dọa hoặc nhéo các bé nhiễm HIV trong giờ ăn. Trung tâm này được thành lập theo quyết định 1427/QĐ-UBND ngày 30/3/2010 của UBND TPHCM. (5) Điều này cho thấy sự yếu kém trong công tác giám sát và quản lý của các cơ quan chức năng.  

Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao nhiều sự việc tương tự vẫn liên tục tái diễn mặc dù chính quyền đã có nhiều cảnh báo và ban hành nhiều quy định pháp lý. Từ đây, sinh ra nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là các cơ sở tư nhân, hoạt động dưới dạng “nửa công khai” với quy mô nhỏ lẻ và không hề có sự kiểm tra định kỳ từ các cơ quan quản lý. Ngoài ra, cũng phải nhìn lại cơ chế bảo vệ trẻ em tại Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Theo Luật Trẻ em 2016, việc giám sát và bảo vệ quyền lợi của trẻ em tại các cơ sở nuôi dưỡng là trách nhiệm của nhiều cơ quan, từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương đến các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, sự phối hợp giữa các cơ quan này còn thiếu hiệu quả, dẫn đến việc những vụ việc bạo hành như tại Mái ấm Hoa Hồng không được phát hiện kịp thời.  

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương là không thể phủ nhận trong các vụ việc bạo hành trẻ em tại các mái ấm tình thương. Theo Nghị định 80/2017/NĐ-CP về trách nhiệm bảo đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên các cơ sở nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Thế nhưng, sự lỏng lẻo trong công tác này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, mà vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng là một minh chứng điển hình.

Nhiều người dân cho biết, thì từ nhiều năm qua mái ấm này đã có dấu hiệu bạo hành trẻ em và trục lợi từ thiện nhưng không hề thấy chính quyền đến kiểm tra. Nhưng tại sao tới khi báo chí vào cuộc, dư luận dậy sóng và gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng thì nhà nước mới xử lý? Liệu có phải là do thiếu sự giám sát và quản lí hời hợt từ các cơ quan chức năng hay là có sự tiếp tay, chung chi nào khác để được nhà chức trách buông lỏng?

Nhà nước Việt Nam cứ hô hào “trẻ em làm những mầm non của đất nước”, nhưng cách họ làm chẳng khác nào bỏ mầm non vào nồi nước sôi. Để ngăn chặn những sự việc đau lòng này tái diễn, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng, xử lý tới nơi tới chốn các trường hợp vi phạm để làm gương.

Nếu nhà nước không quản lý được thì có thể để các tổ chức xã hội dân sự vào cuộc để cùng bảo vệ thế hệ trẻ. Chỉ khi đó, trẻ em mới có thể được sống và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh, đúng với quyền lợi mà các em đáng được hưởng.  

 

___________________

Tham khảo:


(1) https://nhandan.vn/ngan-chan-tinh-trang-bao-hanh-tre-em-post749545.html

 (2) https://tuoitre.vn/cong-an-vao-cuoc-xu-ly-chu-nhom-lop-mam-non-bao-hanh-be-trai-o-thu-duc-2024042409492198.htm

(3) https://m.nguoiduatin.vn/dak-lak-xu-phat-nguoi-phu-nu-tat-tre-khi-cho-an-204240711165824264.htm

(4) https://vov.vn/xa-hoi/vu-be-trai-5-tuoi-tu-vong-cham-dut-hoat-dong-co-so-nuoi-tre-khuyet-tat-post1119108.vov

(5) https://vtcnews.vn/tre-hiv-bi-bao-mau-bao-hanh-dinh-chi-giam-doc-trung-tam-linh-xuan-ar201814.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Trẻ mẫu giáo cũng “rửa chân cho mẹ”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tại sao con nhà nghèo cần học giỏi?

Do Van Tien

VNTB – Ngộ độc thực phẩm không chỉ là việc của người bán hàng!

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo