Thu Minh
(VNTB) – “Đóng kịch” cần hóa trang, mà cá nhân, tổ chức chính trị, tôn giáo, truyền thông cũng hóa trang, nên tất cả không thật.
Nhận xét mang tính cảm thán ở trên là của linh mục Lê Ngọc Thanh – người từng được vinh danh là “Anh hùng thông tin”.
Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5 năm 2014, Tổ chức “Phóng viên Không Biên giới” (RSF) công bố danh sách 100 “Anh hùng thông tin”, trong đó có ba người Việt Nam. Đó là các ông Lê Ngọc Thanh, Phạm Chí Dũng và Trương Duy Nhất.
RSF nói những ‘anh hùng’ này là “nguồn cảm hứng cho tất cả những ai khao khát tự do”, và nhận xét: “Nếu không có sự quyết tâm của họ và sự quyết tâm của những người như họ ranh giới của tự do sẽ không thể được mở rộng”.
Giờ thì có hai người đã phải vào vòng lao lý cũng bởi mãi đeo đuổi cho khao khát tự do.
Trở lại với nhận xét có vẻ thấm đượm chua chát của Anh hùng thông tin – Lê Ngọc Thanh: “Đóng kịch” cần hóa trang, mà cá nhân, tổ chức chính trị, tôn giáo, truyền thông cũng hóa trang, nên tất cả không thật.
Liên quan hóa trang, giáo sư Hoàng Như Mai (1919 – 2013), trong tứ tuyệt “Sân khấu” viết năm 1948, để đời với:
“Buông bức màn rồi… danh vọng hết
Người về lòng rũ sạch sầu thương
Người vào cởi áo lau son phấn
Trả cả vinh hoa luống đoạn trường”.
Người nghệ sĩ sân khấu như cùng lúc, sống hai cuộc đời, hai thế giới. Trong cõi hiện sinh, nghệ sĩ luôn phải sắm vai kép – vai diễn trong nghệ thuật, và vai lụy tục ngoài đời – hai vai này chuyển hóa, tiếp nối tự nhiên. Xong cuộc sống của người khác, cho người khác, lau son phấn, nghệ sĩ được trở về cuộc sống của mình.
Thế nhưng trên thực tế thì ‘trở về cuộc sống của mình’ khi ‘vinh hoa’ lẫn ‘đoạn trường’ từ ánh hào quang vẫn còn đó, xem ra mọi việc không mấy dễ dàng.
Chính trị cũng chẳng mấy khác, đặc biệt là ở Việt Nam. Thử điểm lại tất cả các chính khách đã ‘buông bức màn rồi…’, nhưng mấy người trong số đó chịu ‘lau son phấn’?. Có người tìm cách giải thích cho chuyện chưa thể người về lòng rũ sạch sầu thương, rằng khi hào quang sân khấu tắt, người nghệ sĩ về với đời thường, ngoài nặng gánh áo cơm họ còn trĩu nặng nỗi suy tư về món nợ nghệ thuật, đó là sự tiếc nuối và khắc khoải mong mỏi được một lần đứng trên sân khấu.
Chính khách chắc cũng vậy. Họ luôn đau đáu nước nhà sau hậu chiến vẫn chưa thể bằng vai phải lứa với các cường quốc năm châu như dặn dò lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những nỗi lòng ấy, có thể là ray rứt của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi trả lời ở một tờ báo thuộc Bộ Ngoại giao, đăng vào tháng 3-2005, rằng, “chiến thắng 30-4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”.
Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”.
Thế nhưng thử đếm có bao nhiêu ‘cựu thủ tướng’ như ông Võ Văn Kiệt?
Gần đây với sự xuất hiện khá đĩnh đạc tại một số Đại hội Đảng của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và sau đó là bất ngờ việc con trai của ông là Nguyễn Thanh Nghị nhận quyết định của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ông Phúc vốn là cấp phó của ông Dũng lúc là thủ tướng) trở về với ‘ghế’ thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho thấy rất có thể là tình tiết của vở bi – hài kịch trên sân khấu chính trị, mà nói như cảm thán của linh mục Lê Ngọc Thanh, ai cũng đang ‘hóa trang’.
Lại nhớ đến những câu thơ của giáo sư Hoàng Như Mai dành cho Sĩ Tiến.
“Tôi ngắm anh cười mà bật khóc
Ôi đắng cay thay một kiếp người
Suốt đời trát phấn bôi son mãi
Phấn trát son bôi chết chửa thôi”.
Vậy là, từng người, từng người bạn quý “bỏ dở hành trình” mà vào cõi thiên thu. Sĩ Tiến, ra đi 1982, chưa kịp đoạn tang, lại đến nghệ sĩ Phan Ninh, 1984, để rồi người nghệ sĩ Hoàng Như Mai lại làm thơ viếng, rằng:
“Cuộc đời son phấn sao vui thế
Mà cuộc đời chung lắm nỗi đau
Cái nghề son phấn là công lệ
Bán vui thiên hạ để mua sầu
Sân khấu đời anh đã hạ màn
Lần này màn chót: bức màn tang
Thay tiếng vỗ tay là tiếng khóc
Anh vẫn cười tươi trước khán quan
Nghệ sĩ hơn ai ở điểm này
Đời nhiều thống khổ lắm chua cay
Cùng đời đóng trọn bi hài kịch
Nhắm mắt không trau một nét mày”
(Viếng bạn – Phan Ninh, 1984).
Liệu mai này chính khách Nguyễn Phú Trọng khi rời vai, ông có được hậu thế dành cho những tiếc nuối về cái gọi là sự thật của tôn vinh “người đốt lò vĩ đại nhất”:
Ôi đắng cay thay một kiếp người
Suốt đời trát phấn bôi son mãi
Phấn trát son bôi chết chửa thôi…