Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Đến nay, dịch tại TP.HCM vẫn chưa đạt đỉnh và nếu đạt đỉnh thì phải 2-3 tuần sau dịch bệnh mới giảm hẳn.
“Có trường hợp vì không muốn cách ly tập trung, nên cố tình không khai báo để cách ly tại nhà. Đến khi có triệu chứng, họ mới âm thầm đến cơ sở y tế khám bệnh. Tại đây, họ cũng không khai báo trung thực…”.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định như trên, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, đầu tuần này 7/6.
Nhìn tổng thể, ông Bỉnh cho rằng dịch bệnh tại thành phố đang có dấu hiệu chững lại và cơ bản khống chế được ổ dịch. Những ngày đầu mới phát hiện ổ dịch, cao điểm ghi nhận 70 ca mỗi ngày.
Hiện, sau 6 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca mới hàng ngày có dấu hiệu giảm dần, trung bình khoảng 30 ca. Tuy nhiên, riêng hai ngày qua, số ca nhiễm mới tăng lên khoảng 40 – 45 ca, chủ yếu do các F1 xét nghiệm nCoV lần hai, lần ba trong các khu cách ly tập trung và người trong khu phong tỏa.
Về ca bệnh chưa rõ nguồn gốc phát hiện trong cộng đồng, người đứng đầu Sở Y tế nhận định điều này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, do việc tiếp xúc, đi lại nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ.
Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn đang lây lan trong cộng đồng tại một số tỉnh, thành. Do đó, người dân có thể có tiếp xúc với ca bệnh hoặc đi qua các địa điểm có ổ dịch trong cả nước. Điểm sáng là trong giai đoạn giãn cách xã hội ở Sài Gòn, nguy cơ tiếp xúc thấp, các ổ dịch này không phát tán rộng, chỉ lây lan đến 1-2 thành viên trong gia đình.
Giám đốc Sở Y tế nhận định đến nay, dịch tại TP.HCM vẫn chưa đạt đỉnh và nếu đạt đỉnh thì phải 2-3 tuần sau dịch bệnh mới giảm hẳn. Sắp tới, mỗi ngày Sài Gòn có thể phát hiện thêm 40 ca nhưng chủ yếu phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa sau khi xét nghiệm lần 2, 3 nên khả năng không còn trường hợp tiếp xúc rộng trong cộng đồng.
Vừa qua, ngành y tế Sài Gòn đã phối hợp với các tỉnh, thành phía Nam để truy vết F1 nên nhiều ca nhiễm được phát hiện kịp thời, thường chỉ lây ra một chuỗi chu kỳ.
Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó lên đến quy mô 5.000 giường chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19.
Theo đó, khi dịch đã bước sang giai đoạn 2 (giai đoạn đã có ca mắc trong cộng đồng, vẫn trong tầm kiểm soát), ngành y tế sẵn sàng khoảng 2.000 giường bệnh chuyên tiếp nhận bệnh nhân (+) với 200 giường hồi sức tích cực.
Cụ thể, các bệnh viện (BV) được phân công sẵn sàng trong giai đoạn này là: BV dã chiến Củ Chi (300 giường), BV điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường), BV Bệnh Nhiệt đới (400 giường), BV Phạm Ngọc Thạch (550 giường), 2 bệnh viện chuyên tiếp nhận trẻ em là BV Nhi Đồng Thành phố (100 giường) và BV Nhi Đồng 2 (50 giường), ngoài ra còn có BV Chợ Rẫy (40 giường hồi sức).
Theo kế hoạch này, hai bệnh viện sẽ được chuyển đổi một số chức năng để trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận COVID-19 (ngoài 2 bệnh viện dã chiến Củ Chi và Cần Giờ) là: BV Bệnh Nhiệt đới và BV Phạm Ngọc Thạch. Hai bệnh viện chuyên tiếp nhận trẻ em là Nhi Đồng Thành phố và Nhi Đồng 2 dành các khối nhà độc lập (khoa Nhiễm) chỉ chuyên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bố trí một khoa Hồi sức chuyên tiếp nhận bệnh nhân người lớn nặng, ngoài Bệnh viện Nhiệt đới.
.