VNTB – Điều luật 88 và quyền tự do ngôn luận

Minh Tâm (VNTB) Vừa qua có xảy ra vụ việc một vị linh mục ở tỉnh Đồng Nai, khi viết về mơ ước thuở bé và hiện tại của cá nhân trên trang cá nhân facebook, đã bị cơ quan an ninh cáo buộc“Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo Điều 88 của Bộ luật hình sự. Nói thêm, Điều 88 này thuộc nhóm “Các tội xâm phạm an ninh Quốc Gia”, nghĩa là thuộc tội nghiêm trọng.

Tuy nhiên nếu căn cứ vào những quy định của Facebook, thì “viết về mơ ước thuở bé và hiện tại của cá nhân”, hoàn toàn không vi phạm pháp luật. (https://www.facebook.com/communitystandards)

Thế nào là chống Nhà nước?


Kỹ thuật lập pháp mơ hồ ở Điều 88 đã trao một không gian cho các cơ quan có thẩm quyền, mà ở đó các cơ quan này có toàn quyền tùy nghi kết tội người dân vì một việc làm bất kỳ – thậm chí là thái độ, quan điểm của họ – nếu chúng được xem là đi ngược lại lợi ích Nhà nước.

Theo điều luật này, sẽ phạm “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, khi: a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHNXHCN Việt Nam.

Như vậy bày tỏ quan điểm cá nhân trên trang mạng cá nhân như facebook, g+, blogspot… liệu có phải là “tuyên truyền, phỉ báng chính quyền”?

Cho đến nay việc không nêu cụ thể những hành vi nào cấu thành tội “tuyên truyền”, tội “phỉ báng” để phân biệt với quyền tự do ngôn luận, hay các quyền tự do dân chủ khác là rất đáng lo ngại. Ngoài ra, thế nào là “chính quyền nhân dân” cũng chưa được xác định cụ thể. Điều này dẫn đến việc nhân danh “chính quyền nhân dân” – một khách thể trừu tượng, để đưa vào vòng lao lý bất kỳ ai, bất chấp khẩu hiệu, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Lời thật dễ mích lòng

Thử xét câu “Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”. Đồng ý rằng xuyên tạc là điều không phải, nhưng phỉ báng thì rất là mơ hồ. Nếu người dân vạch ra chỗ sai trong đường lối của nhà nước, khiến nhà nước cảm thấy bị mất uy tín nên có thể ghép bào tội phỉ báng. Thế thì khi người dân thấy đường lối nhà nước sai cũng phải ngậm miệng chăng?

Xét câu “Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”, thì câu hỏi đặt ra: Phao tin, bịa đặt có thể là điều trái, nhưng thế nào là luận điệu chiến tranh tâm lý? Nếu nhà nước cấm tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, thì nhà nước phải liệt kê những luận điệu chiến tranh tâm lý để người dân biết mà tránh.

Còn xét câu “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCNVN”, thì xem ra câu này có vấn đề vì ý nghĩa mơ hồ. Thế nào là chống? Lấy thí dụ, ông ABC thấy nhiều điều nhà nước nói không đúng sự thật nên đã viết ra những điều này trên trang cá nhân. Và có thể những ý kiến cá nhân này sẽ bị ghép tội là chống nhà nước! 

Về chính trị, đúng hay sai không phải lúc nào cũng rõ ràng như trắng với đen. Trước đây khi các đảng cộng sản theo kinh tế tập trung, bao cấp. Không ít người cho rằng một khi không hăng hái làm việc, sẽ làm cho kinh tế phát triển kém. Lúc đó ai nói như thế thì bị cho là phản động, chưa giác ngộ được chủ nghĩa xã hội… thì sẽ bị trừng trị. 

Lưu ý, quyền tự do ngôn luận là một trong những điều kiện sinh tồn của xã hội và do đó không thể xem hành vi này là tội phạm được. 

Viết và lách


Phóng viên các báo thật ra bức xúc và có nhiều điều cần chia sẻ hơn so blogger. Đơn giản vì họ có điều kiện tiếp cận vụ việc nhiều hơn, tường tận hơn, song lại không được quyền nói toàn bộ sự thật đang diễn ra. Hơn ai hết, họ và ban biên tập tờ báo hiểu cần biết viết và biết lách như thế nào về chữ nghĩa để không vướng vào các điều luật như Điều 88 của Bộ luật hình sự.

Với những blogger, Điều 88 là một điều luật đem lại ấn tượng mạnh và dần dần trở nên quen thuộc với tất cả những ai thường hay phản biện, viết bài, muốn thể hiện quan điểm của mình bằng lời nói, chữ viết, hình ảnh, âm thanh… Người “chưa khéo” thì bị vào tù bị xét xử, “người khéo hơn” thì còn ngồi ngoài và vẫn cứ viết và lách để khỏi chạm phải cái điều 88 linh thiêng này. Viết không chỉ đơn thuần là viết cái mình thấy hay thấy đúng, mà còn phải dùng một kỹ năng kỹ xảo điêu luyện để nhận diện ranh giới giữa phản biện, chỉ trích và chống đối hay thậm chí là khủng bố, lật đổ. 

Ý tưởng mục đích động cơ của những con chữ có thể bị đem đi giám định để mổ xẻ, để phân tích xem có dấu vết gì thể hiện việc chống nhà nước hay không. Bởi dù là nói và viết ra điều mà ta suy tư để biết, tất nhiên đó là quan điểm cá nhân, là sự chủ quan và chính sự chủ quan của bạn cuối cùng sẽ được những vị Thẩm phán Đảng viên quyết định rằng nó sai hay đúng và đặc biệt là chống hay không chống….

Thử hình dung một khả năng của tương lai báo chí Việt

Rất ít người để ý rằng, theo Hiến pháp 2013 và theo các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, có hiệu lực từ 1-7-2015, kinh doanh báo chí không thuộc 6 ngành nghề, lĩnh vực bị cấm kinh doanh. Kinh doanh báo chí cũng không nằm trong dang sách 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiên. Nói cách khác, theo Hiến pháp và luật, công dân có quyền tự do kinh doanh báo chí. 

Tuy nhiên luật báo chí lại không có quy định cho tư nhân lập báo, mà chỉ giành cho cơ quan nhà nước, đoàn thể làm cơ quan chủ quản và phải xin phép khi lập báo. Vậy cần hiểu vấn đề này thế nào? 

Hiểu đơn giản, hiện tại công dân có quyền lập báo điện tử mà không cần xin phép. Thực tế, với sự phát triển của Internet, Facebook, nhiều cá nhân người Việt đã sở hữu những blog, tài khoản trên FB mà số lượng truy cập có thể hơn một số báo điện tử quốc doanh. Những blog, tài khoản FB có thể phát triển như báo chí, nếu chủ nhân muốn vậy và nếu biết cách họ cũng có thể có thu nhập từ blog, tài khoản FB của mình.

Cho dù muốn hay không muốn, nền báo chí tư nhân sẽ hình thành và cạnh tranh trực diện báo chí quốc doanh.

Mặt khác với sự phát triển công nghệ thông tin, ai cũng có thể là nhà báo. Nhà báo tự do, tức không thuộc biên chế báo chí quốc doanh nào có thể họat động chuyên nghiệp. Họ có thể có tin, bài, ảnh, clip và rao bán cho các cơ quan báo chí khác ở trong nước và nước ngoài. Những người có tên tuổi đều có cách thương mại hoá sản phẩm của mình và nuôi sống được mình. Luật sở hữu trí tuệ cũng bảo vệ cho cơ quan báo chí và tác giả quyền tác giả, công nghệ tìm kiếm phát triển sẽ dễ dàng phát hiện những bài báo xào nấu, vi phạm quyền tác giả.

Nền báo chí và đội ngũ nhà báo Việt trong tương lai không xa sẽ như vậy, cơ hội cho rất nhiều người để kinh doanh, kiếm sống và phục vụ xã hội, tuỳ theo khả năng và nhu cầu của họ, cho dù sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt.

Tham luận tại Hội thảo “Việt nam: Tự do cho báo chí” do Hội Nhà báo độc lập VN tổ chức tại Sài Gòn ngày 3/7/2015
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)