Việt Nam Thời Báo

VNTB – Doanh nghiệp rời thương trường: chuyện kéo dài đã trên chục năm

Phương Nguyên

 

(VNTB) – Hơn chục năm về trước, tình trạng doanh nghiệp đăng ký mới đã giảm cả về số lượng và vốn trong khi doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng…

 

Trở ngược quá khứ, ngày 18-4-2012, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2012 với chủ đề “Tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên chặng đường đổi mới”. Theo đó, trong năm 2012, số doanh nghiệp tại Việt Nam đăng ký mới giảm cả về số lượng và tổng số vốn, trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động lại tăng lên.

Tính đến hết ngày 31-12-2012, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thành lập mới ước đạt khoảng 69.847 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký ước đạt  khoảng 467.265 tỷ đồng. Trong khi đó, con số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động lại tăng lên đến khoảng 54.261 doanh nghiệp (tăng 6,29% so với năm 2011). Số doanh nghiệp giải thể là 9.355 doanh nghiệp, tăng 22,9%; doanh nghiệp ngừng hoạt động là 44.906 doanh nghiệp. Ngành có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh thuộc về tài chính ngân hàng và kinh doanh bất động sản.

Về vấn đề môi trường kinh doanh năm 2012, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam được xếp hạng 99/185 quốc gia về môi trường kinh doanh, dường như không đổi so với mức 98/185 của năm 2011.

Theo kết quả Điều tra thực trạng và tình hình khó khăn của doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, với mẫu ngẫu nhiên 1904 doanh nghiệp vào tháng 4 năm 2012, kết quả có tới 41,1% số doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh, trong đó nguyên nhân sức mua thị trường trong nước suy giảm chiếm 73,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến – chế tạo trong năm 2012 đã tăng chậm hẳn lại so với cùng kỳ năm trước. Hơn thế nữa, trong 8 tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng tiêu thụ hàng hóa công nghiệp chế biến – chế tạo chỉ ở mức 6,2%, nhưng tồn kho tăng lên 20,8%.

Tổng hợp báo cáo tài chính quý II năm 2012 của tất cả 647 công ty phi tài chính niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) và Hà Nội (HNX), tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (bình quân trọng số theo giá trị sổ sách) bằng 1,53 lần. Đây là tỷ lệ cao so với nhiều nền kinh tế khác, cả phát triển và mới nổi. Con số bình quân đối với các công ty niêm yết tại Hoa Kỳ là 1,20 lần và tại Trung Quốc là 1,06 lần vào cuối năm 2011.

Từ phía các tổ chức tín dụng, nguồn vốn tăng, nhưng cho vay tăng chậm hơn nhiều. Các ngân hàng thương mại hướng đầu tư vào các tài sản tài chính an toàn (trái phiếu chính phủ, giấy tờ có giá ngắn hạn), và hướng vào tái cơ cấu nợ (mà thực tế là đảo nợ thể hiện bởi sự gia tăng mạnh hạng mục tài sản khác trong bảng cân đối kế toán). Trong năm 2011, tổng hợp báo cáo tài chính của 37 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy ở bên tài sản có, các khoản phải thu tăng lên tới 112,5% và ở bên nợ thì nợ khác tăng lên 116,1% so với 2010, trong khi tổng tài sản chỉ tăng 20,5%.

Từ phía doanh nghiệp, doanh nghiệp có dòng tiền vào tốt lựa chọn giảm vay nợ. Còn các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền muốn vay nợ mới, nhưng hiện tại gánh nặng nợ đã quá lớn nên không vay được. 

Tình hình những năm sau đó vẫn chưa thấy tạo sự lạc quan, và theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động do những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa được giải quyết, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp. Trong đó, hạn chế về năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, năng suất lao động Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và bằng 87,4% của Lào.

Ở bài viết về tình hình kinh tế quý đầu năm nay đăng trên trang Việt Nam Thời Báo số cuối tháng 3-2024, đã gọi đây là những ‘vùng xám’; và ‘vùng xám’ này cho thấy môi trường kinh doanh vẫn nhiều vướng mắc. Cơ quan quản lý vẫn đặt ra những quy định bớt trách nhiệm cho họ, dồn gánh nặng hơn về phía doanh nghiệp với đủ loại giấy phép. Rồi cán bộ sợ sai, không dám làm, trì trệ. Thêm nữa tiếp cận vốn khó khăn. Lãi suất huy động đã thấp nhất 20 năm nay, nhưng lãi suất cho vay thực sự đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chưa? Doanh nghiệp vẫn than các nước lãi suất vay 3,5%, Việt Nam vẫn 7-9%.

Thêm nữa, với hàng loạt bắt bớ được cho là ‘chống tham nhũng’ còn tạo thêm sự mất ổn định vào đời sống chính trị ở những năm có thể là cuối nhiệm kỳ trong chặng đường làm người đứng đầu Đảng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong bối cảnh ‘thập diện mai phục’ ấy thì ‘vùng xám’ loang lổ là lẽ dễ hiểu…

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Dung Quất sẽ đóng cửa vì thiếu cạnh tranh, do nhận ưu đãi quá nhiều?

Phan Thanh Hung

Trung Quốc đóng cửa khu công nghiệp hóa chất sau các cuộc biểu tình

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyết định chính trị tồi: dân phải trả giá

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.