VNTB – Dòng ngân sách riêng cứu nguy Đồng bằng sông cửu long?

VNTB – Dòng ngân sách riêng cứu nguy Đồng bằng sông cửu long?

Trần Thành

(VNTB) – Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam là người ít nhiều chú trọng vấn đề mà Đồng bằng sông cửu long đang gặp phải. Năm 2017, ông đã thị sát khu vực này bằng trực thăng nhằm đánh giá ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Hai năm sau, vào tháng 6/2019, ông chủ trì Hội nghị phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đánh giá hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết 120 và biến đổi tiếp tục diễn ra trầm trọng

Nghị quyết 120/NQ-CP đặt ra tầm nhìn và mục tiêu đến năm 2100, trong đó quy hoạch phát triển ngành theo hướng “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước, chủ động bảo đảm nguồn nước ngọt, khai thác hợp lý tài nguyên nước lợ, nước mặn trong phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, để thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ ngoại giao và Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước, các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ tổ chức điều phối các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia thượng nguồn, các lưu vực sông, đồng bằng lớn trên thế giới.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, Đồng bằng sông cửu long vẫn đối diện với nguy cơ bị xóa sổ vì “biến đổi khí hậu”, góp phần bởi các quốc gia thượng nguồn và nạn khai thác cát.

Tờ Thời báo Tài chính (FT) trong một nội dung đăng tải tháng 1/2020 đã đề cập đến vụ sạt lở lớn ở Quốc lộ 91, đoạn tại xã Bình Mỹ (huyện Châu phú, tỉnh An Giang) với chiều dài hàng chục mét vào tháng 8/2019. Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất, bởi tối ngày 2/1/2020, hai mảng nứt lớn tại xã Bình Mỹ tiếp tục xác lở lớn với 85m chiều dài trên quốc lộ 91, đe dọa trực tiếp 26 hộ dân.

Nguyên nhân xuất phát từ hiện tượng sụp lún xuống biển của bề mặt khu vực Đồng bằng sông cửu long, một hệ quả từ nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Nhưng đó chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân, một lý do khác được người dân bản địa chỉ ra là nạn khai thác cát diễn ra trầm trọng và tinh vi mà không bị chấm dứt.

Bên cạnh đó, hiện tượng khác là đến từ các đập mới xây ở thượng nguồn sông, tại Lào và trung Quốc làm thay đổi hàm lượng trầm tích và dòng chảy của sông. Chưa dừng tại hai quốc gia này, Bangkok Post xuất bản ngày 30/12/2019 thông tin Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc sẽ giảm lưu lượng xả của đập Cảnh Hồng từ 1.200-1.400 mét/giây xuống còn 504-800 mét/giây làm gia tăng tình trạng hạn hán và nhiễm mặn tại đồng bằng sông cửu long.

Giải pháp nào?

Trong hội thảo khoa học “Lũ lụt, ngập úng và sạt lở đất ở ĐBSCL – Thực trạng và giải pháp” do Hội Thủy lợi VN và Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM tổ chức ngày 16/6/2019 đều thống nhất ngưng khai thác cát để cứu đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, trong Hội nghị phòng chống hạn mặn xâm nhập, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre, ngày 3/1/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đề cập đến chống hạn mặn, không đề cập đến giải pháp chống khai thác cát tại khu vực này.

Hơn 3.000 tỷ đồng chống sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ “đồng ý” vào tháng 9/2019 sẽ không thể giải quyết được vấn đề sạt lở nếu như các địa phương vẫn còn buông lỏng nạn khai thác cát, trong khi trung ương vẫn chưa ưu tiên cấm khai thác cát tại khu vực này, khiến tình trạng sạt lở tiếp tục gia tăng trên 600 điểm và dài hơn 800km.

Đối với vấn đề “chống hạn mặn”, thực tế Nghị quyết 120/NQ-CP cũng đã nêu ra giải pháp song phương, đa phương đối với các quốc gia thượng nguồn. Tuy nhiên, các giải pháp này hiện nay vẫn chưa được kiểm nghiệm thực tế. Trung Quốc, bằng cách “kiểm soát sông Mekong”, đã uy hiếp trực tiếp vấn đề trọng yếu của Việt Nam. Khả năng khi Việt Nam làm căng vấn đề Biển Đông, thì Bắc Kinh sẽ gián tiếp thông qua “thao túng dòng chảy” sông Mekong để gây sức ép, gián tiếp làm suy yếu Ủy ban sông Mekong.

Giải pháp đề ra hiện nay vẫn là siết chặt hoạt động khai thác cát tại các tỉnh đồng bằng sông cửu long, kiểm soát các phương tiện đi lại trên đường sông tại những điểm nóng sạt lở, và tích cực tham gia vào Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong [1] do Mỹ bảo trợ như một “sức ép” về mặt đa phương vơi Trung Quốc. Nếu không nghiêm túc thực hiện, thì khả năng lớn Đồng bằng sông cửu long sẽ biến mất trong tương lai, đe dọa an ninh lương thực quốc gia, thay vì “đảm bảo 20 năm” như ông Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tuyên bố vào tháng 11/2019. Ngoài ra, cần nhanh chóng hình thành nguồn ngân sách riêng cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực này, thay vì chỉ dừng ở mức khuyến khích “các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.

Sông Mekong, là tuyến đường thủy quan trọng để vận chuyển xuyên biên giới giữa Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Và là nguồn nước cung cấp chủ yếu cho nền nông nghiệp của Việt Nam tại Đồng bằng sông cửu long.

Chú thích:

https://www.usaid.gov/vi/vietnam/lower-mekong-initiative-lmi

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)