Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đồng Tâm: lớn hơn cả một cái chết

 An Thuyên

 

(VNTB) – Càng làm, nhà nước càng khiến xã hội chia rẽ, phẫn nộ và mất niềm tin. Đồng Tâm vì thế không còn dừng lại ở một cái chết, mà thực tế là nhân tâm trở nên bất hòa, trong khi ngoài biển Trung Quốc đang càn quấy.

 

Càng gỡ càng rối

Đồng Tâm vẫn gây rối loạn ngay trong chính Bộ Công an. Cùng trong một ngày 14-1-2020, nhưng Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu thiếu sự thống nhất, lúc thì “3 cán bộ, chiến sĩ công an… đã bị ngã xuống hố kỹ thuật và bị các đối tượng ở Đồng Tâm đổ xăng xuống, phóng hỏa”, khi thì “các đối tượng dùng bom xăng, gạch đá, tuýp sắt đâm vào tổ công tác khiến 3 cán bộ bị thương, rời vào hố giữa hai nhà, sau đó ném bom xăng, đổ xăng xuống hố, phóng hỏa”.

Khó thể nói là nghiệp vụ của Bộ Công an yếu kém, nhưng sự tự tin thái quá vào siêu quyền lực của Bộ, trong thời kỳ mạng đa chiều, lại là một yếu điểm của Bộ này. Sự bất nhất của câu chuyện không dừng tại đó, mà ngay cả chi tiết trùng khớp là “bom xăng, phóng hỏa” cũng bị nghi ngờ vì thiếu ám muội của sự thiêu cháy trong “hố giữa hai nhà”.

Trong khi Bộ Công an còn đang miệt mài giải thích, đồng thời có những động thái răn đe phương tiện truyền thông xã hội với áp đặt “vu cáo, xuyên tạc sự thật”, hoăc thậm chí, công an Quận Ninh Kiều (Tp. Cần Thơ) còn đi xa hơn khi bắt giữ ông Chung Hoàng Chương, người chia sẻ thông tin về Đồng Tâm trên Facebook cá nhân, thì vấn đề Đồng Tâm còn lớn hơn cả một cái chết.

Lịch sử tái lặp?

Ông Trịnh Hữu Long, chủ biên trang Luật khoa tạp chí đã có một nhận xét thâm cay, khi nhắc lại câu chuyện của thời kỳ đầu của ĐCSVN, cái thời kỳ mà Đảng đã ra Nghị quyết về nông dân vận động [1935] để nói về cách mà “chủ nghĩa Pháp dùng pháp luật đạo tặc, dùng võ lực dã man cướp đất của nông dân bản xứ”, cách mà ĐCSVN thời kỳ đầu (lúc này có tên là ĐCS Đông Dương) thanh minh với công luận Pháp rằng, “chúng tôi không phải là những kẻ khủng bố, phần từ gây rối loạn”.

Hóa ra những gì mà ĐCSVN thời kỳ đầu từng đấu tranh và từng biện hộ cho những điều mình đấu tranh, lại tái lặp trong thời kỳ ĐCSVN cầm quyền toàn diện. Ngôn từ mà ĐCSVN thời kỳ đầu biện hộ cho bản thân đấu tranh chính trị, dân sự của mình, giờ đây được thấu tóm trong ngôn ngữ báo chí, và cả quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, “xử lý nghiêm khắc các phần tử chống lại Đảng, Nhà nước và lực lượng của chúng”.

Lịch sử có những khúc quanh của chính nó, mà giờ đây, sau 80 năm nhìn lại, người nông dân và chính quyền dưới thời kỳ XHCN, chúng ta cay đắng nhận ra, bối cảnh không khác gì lắm người nông dân dưới thời thuộc Pháp.

Còn hơn cái chết

Nhưng Đồng Tâm còn lớn hơn cả một cái chết. Sự ra đi của cụ ông Lê Đình Kình phân rã dư luận Việt Nam, sau nhiều năm có gắng dấu giếm về sự đoàn kết và thống nhất của toàn dân, thì giờ đây cái chết lại chứng minh điều đó là không phải. Xã hội Việt Nam ở trạng thái thiện ác phân tranh, là nơi lý lẽ đối diện với những cáo buộc lưu manh, và hiện hữu sự tục tĩu đến kinh người.

Vấn đề, cái chết và phân rã xã hội lại diễn ra ngay trong thời điểm Trung Quốc đưa tàu hải cảnh vào thềm lục địa mở rộng phía nam Việt Nam trên Biển Đông, và có thể sau đó là vùng đặc quyền kinh tế của Viêt Nam. Sức mạnh quân sự của Việt Nam liệu ứng đối nổi với Trung Quốc? Trong các thời kỳ của lịch sử cổ trung đại và cả hiện đại, quân sự Việt Nam luôn nằm dưới Trung Quốc, điều làm nên khả năng chống cự của quốc gia chính là lòng dân. 

Cần thiết phải nhắc lại rằng, chính Hồ Chí Minh, trong thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14-10-1945, đã viết: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Cần thiết phải nhắc lại rằng, cuối năm 1405, khi quân Minh lăm le xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly cho triệu tập triều thần để bàn kế chống giặc. Con trưởng là Hồ Nguyên Trừng đã khẳng khái: Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi.

Cần thiết phải nhắc lại rằng, điều cốt lõi làm nên thắng lợi của các cuộc cách mạng do ĐCSVN lãnh đạo, chính là nhân dân đã “che giấu cán bộ, nuôi cơm cán bộ”.

Khi Thủ Thiêm đang gợi những hy vọng (trong chiến dịch đốt lò), thì Đồng Tâm như một vết chém sâu vào lòng người, khiến họ đau đến mức thức tỉnh trước cái hy vọng kia. Vì một mảnh đất, một vụ việc dân sự, đã hóa thành hình sự, từ hình sự hóa thành “chống đảng, nhà nước”. Và cái kết là lòng dân tan như bọt biển vào ngày bão 9-1-2020.

Đánh mất tất cả vì lạm quyền lực

Người viết không dám tưởng tượng ra điều gì sẽ xảy ra, nếu như chiến tranh bên ngoài tái lặp lại. Liệu rằng, “che giấu cán bộ, nuôi cơm cán bộ” có còn diễn ra hay không, trong bối cảnh, Đảng đang thực hiện càn quét mọi thứ mình muốn, mà không hề chú ý đến lòng dân, từ bắt bỏ tù người bất đồng chính kiến đến gây ra cái chết cho cả hai phía chỉ vì mảnh đất tại Đồng Tâm, sau đó tiếp tục có biện pháp “nghiệp vụ” khiến những người bị bắt phải khai chống lại chống mình.

Càng làm, nhà nước càng khiến xã hội chia rẽ, phẫn nộ và mất niềm tin. Đồng Tâm vì thế không còn dừng lại ở một cái chết, mà thực tế là nhân tâm trở nên bất hòa, trong khi ngoài biển Trung Quốc đang càn quấy.

Và nếu giặc ngoài là Trung Quốc, thì thù trong hiện hữu ở ở quyết định điều động trung đoàn quân về Đồng Tâm.

Nỗi lo sợ mất kiểm soát có vẻ đang tăng lên, khi mà đám tang cụ ông Lê Đình Kình đang bị kiềm tỏa, và sinh hoạt của thôn Hoành, theo mô tả FBer Duong Thi Xuanhoabinh.

ĐCSVN, Nhà nước CHXHCNVN phải thực sự biết kiềm chế, kiểm soát quyền lực của chính mình trước khi mọi thứ đi quá xa, và đánh mất đi tất cả.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng cần xem lại chính mình…

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ Công an Việt Nam nhận thức rõ về ‘gánh nặng nợ nần’ khi ‘kết thân’ với Trung Quốc

Phan Thanh Hung

Một ngọn nến, một nén nhang cho những cái chết quá đau thương

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo