Mai Lan
(VNTB) – Văn chưa phải là Người, mà Văn là “định hướng chính trị”.
GS Nguyễn Thanh Liêm cho biết ông ủng hộ đưa môn văn vào xét tuyển đầu vào trường y.
GS Nguyễn Thanh Liêm nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, là chuyên gia đầu ngành ngoại nhi, ông từng là phẫu thuật viên chính trong nhiều ca bệnh khó như tách song sinh dính nhau, ghép gan cho trẻ em…
“Gần đây một số trường đại học đưa môn văn vào tiêu chuẩn xét chọn đầu vào đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Những người phản đối cho rằng để học Y, các môn Hóa và Sinh quan trọng hơn môn Văn. Riêng tôi ủng hộ việc đưa môn Văn vào tiêu chuẩn xét tuyển” – GS Nguyễn Thanh Liêm nói, và đưa ra các lý do mà ông nói là rất vắn tắt như sau:
“1. Bác sĩ chữa bệnh không chỉ bằng việc thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, kê đơn mà còn bằng cả cái tâm và nhân cách của người thầy thuốc.
Ai đó đã nói Văn là Người, vì vậy Văn học là một yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách, nên cái tâm của người thầy thuốc. Các tác phẩm văn học mang đến cho bác sĩ một nhân sinh quan toàn diện về con người, về các trạng thái tình cảm và tâm lý phức tạp của con người.
Điều này giúp bác sĩ phát triển tư duy nhân văn, tăng cường khả năng thấu hiểu và đồng cảm với người bệnh, giúp bác sĩ có thể điều trị cá thể hóa người bệnh. Các kiến thức khoa học vẫn có thể tiếp thu được nếu học muộn nhưng quá trình hình thành nhân cách và tâm hồn là một quá trình khởi đầu ngay từ khi còn bé.
2. Học văn giỏi giúp bác sĩ có kỹ năng giao tiếp tốt với người bệnh để hiểu rõ hơn về bệnh tật, để tránh được các xung đột đáng tiếc.
3. Học giỏi văn giúp bác sĩ diễn đạt các ý kiến một cách rành mạch, rõ ràng khi viết các báo cáo. Tôi đã đọc không ít luận án thạc sỹ, tiến sỹ được viết với rất nhiều sai sót về ngữ pháp, về diễn đạt.
Trong các kỳ thi tuyển sinh viên Y quốc tế, ngoài phần lý thuyết thì phần phỏng vấn rất quan trọng. Trong phần này người hỏi không khu trú vào kiến thức khoa học mà đòi hỏi thí sinh phải hiểu biết rất rộng về nhiều vấn đề nhất là các vấn đề xã hội, kỹ năng xử lý các tình huống.
Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam được đào tạo dưới thời Pháp không chỉ giỏi về chuyên môn mà đều là những nhân cách lớn, hiểu biết sâu rộng các vấn đề xã hội bên cạnh chuyên y khoa. Đó là điều mà thế hệ bác sĩ hiện nay cần học hỏi”.
Như vậy, với 3 nội dung mà GS Nguyễn Thanh Liêm cho rằng mang tính “rất vắn tắt”, có thể tóm gọn hơn nữa về cách hiểu môn văn ở đây còn là biểu hiện của chuyện tôn trọng “quyền con người”, khi GS Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh bằng cách viết hoa: Văn là Người.
Người viết ủng hộ ý kiến của GS Nguyễn Thanh Liêm với kèm một điều kiện là GS cần nhận xét ra sao về chuyện trong giảng dạy ở nhà trường phổ thông hiện nay, Văn chưa phải là Người, mà Văn là “định hướng chính trị” của một nhóm nhân danh quyền lực nào đó được thể hiện qua nội dung sách giáo khoa ở từng thời kỳ khác nhau, tùy vào nhiệm kỳ của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam.
Cá nhân người viết bài này từng là giáo viên ở thập niên 80 thế kỷ trước. Tôi nhận thấy rất rõ rằng giáo trình dạy văn vẫn đang bị áp đặt và không mở đường cho sự sáng tạo. Chính nó đã làm cho cả giáo viên lẫn học sinh “chết”.
Một đồng nghiệp vừa nghỉ hưu kể rằng có lần ông hỏi các con: “Trong các môn học, các con sợ nhất môn gì?”, câu trả lời y như ông đã đoán được trước đó, mặc dù các con của ông vẫn thường viết bài cho báo Khăn Quàng Đỏ và đã được đăng.
Ông thầy giáo đồng nghiệp ấy đã từng tự hỏi tại sao một đứa trẻ có năng khiếu về văn học (ít nhất việc ham thích viết báo của các con ông đã cho thấy điều đó) lại ghét học văn đến thế? Phải chăng, những đề bài khô khan đã làm nguội đi cảm hứng của người học? Hay giáo viên không đủ năng lực để truyền ngọn lửa cảm thụ cho học sinh?
Tự tìm hiểu giáo trình dạy văn, tôi thấy đó chính là nguyên nhân chính. Chính những người soạn sách giáo khoa đã quá giáo điều khi muốn đưa tất cả vào văn học, thậm chí đưa cả những gì không thuộc văn học, lẽ ra nên đưa vào nội dung của môn khác như giáo dục công dân…
Tôi không trách, vì hiểu đó là “định hướng chính trị” theo một nghị quyết nào đó mà các nhóm soạn thảo sách giáo khoa buộc phải tuân theo.
Tiên trách kỹ. Tôi cũng nhìn nhận là trong đội ngũ giáo viên dạy văn, việc giảng dạy cũng gặp khó ở chuyện tạm gọi “quyền tự do học thuật”. Và đây có lẽ là điều mà rất khó trong yêu cầu “Văn là Người” theo cách diễn giải của GS Nguyễn Thanh Liêm.
1 comment
Ở VN hiện nay, dưới sự lãnh đạo “sáng suốt và tài tình” của Đảng csVN, mọi người – mọi việc cứ theo tuyên truyền của Đảng mà “học tập và làm theo bác Hồ” là xong (đời) ngay.
Về môn Văn, Bộ Giáo dục cứ lấy bản di chúc viết tay của ông Hồ ra làm mẫu mực để giảng dạy, chẳng cần làm gì khác.
Mặc dù bản di chúc viết tay của ông Hồ viết như gà bới, cú pháp thì lầy lội như heo nằm vũng bùn, chính tả thì sai be bét như thể là người “nước lạ” mới chập chửng học tiến Việt. Dù trình độ về Văn Việt của ông Hồ như thế, ông Hồ cũng vẫn làm Chủ tịch Nước được mà, ông Hồ cũng vẫn tự xưng là “Cha già dân tộc” và có cả đám đảng viên bưng bô hùa theo ca tụng mà. Có sao đâu!
Cớ gì bây giờ lại bày vẻ thêm môn Văn vào xét tuyển đầu vào trường y? Chẳng lẽ đến bây giờ Bộ Giáo dục nói chung và ngành Y nói riêng mới thấy việc đào tạo nhân sự của họ là có vấn đề hay sao?