Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đừng ép dân phải sử dụng điện thoại thông minh

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Thay vì ép dân phải dùng điện thoại hiện đại, nhà nước cần phải hiện đại hóa cơ chế cầm quyền

 

Nhà chức trách thành phố Đà Nẵng vừa có tờ trình yêu cầu hỗ trợ ngân sách để tặng điện thoại thông minh cho người nghèo. Theo đề xuất thì mỗi hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/thiết bị/hộ.(1)

Cơ quan chức năng tại thành phố này thống kê rằng có khoảng hơn có hơn 3.800 gia đình đang dùng điện thoại “cục gạch” sẽ được tặng điện thoại mới. Tương đương ngân sách sẽ chi khoảng 7,6 tỷ đồng. Tuy nhiên nhà cầm quyền đã “kêu gọi” các doanh nghiệp viễn thông “đóng góp” được khoảng 2000 máy. Cho nên số kinh phí mà ngân sách chi ra sẽ ở mức 3,6 tỷ đồng.

Cần biết rằng Đà Nẵng chỉ là địa phương thí điểm cho chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo. Bởi vì theo lộ trình thì sắp tới Việt Nam sẽ tắt toàn bộ sóng mạng 2G đối với các thiết bị đầu cuối chỉ sử dụng công nghệ 2G Only. Tức là các loại điện thoại nút bấm chỉ dùng để nghe gọi, nhắn tin sẽ không thể tiếp tục sử dụng được, và người Việt Nam bắt buộc phải có điện thoại 3G mới có thể duy trì liên lạc với nhau.

Theo thông tư 14 của Bộ Thông tin và Truyền thông thì các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước sẽ được hỗ trợ tiền mặt là 500.000 đồng/gia đình để mua điện thoại 3G thay điện thoại 2G. Nếu tính tổng số hộ nghèo và cận nghèo trên cả nước thì số tiền chi ra sẽ rất lớn. Tuy nhiên với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/gia đình thì không thể mua được điện thoại thông minh loại tốt.

Một gia đình được coi là nghèo ở Việt Nam thì sẽ có mức thu nhập dưới 2 triệu đồng/ tháng. Số tiền này thậm chí không đủ để có được 2 bữa cơm có rau mỗi ngày chứ đừng nói là tới việc tiết kiệm. Chính vì không có tiền thì họ mới dùng điện thoại “cục gạch”, thậm chí là điện thoại cục gạch cũ, chứ không phải loại mua mới. Trong khi đó, nếu nhà nước chỉ cho 500 ngàn đồng mà bắt dân phải mua điện thoại thông minh thì là chuyện ép buộc vô lý.

Ngoài ra, theo thông tư này, số tiền 500 ngàn đồng chỉ được hỗ trợ một lần duy nhất. Tức là nếu điện thoại bị hư thì người nghèo phải tự bỏ tiền ra sửa, hoặc mua cái mới.

Đối với người dân nghèo thì việc đang dùng điện thoại “cục gạch” chuyển qua dùng điện thoại 3G sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu mua một cái điện thoại thông minh giá rẻ để đáp ứng yêu cầu của nhà nước thì vấn đề đầu tiên và nguy hiểm nhất chính là bảo mật thông tin cá nhân.

Sẽ có nhiều lập luận cho rằng người nghèo thì không sợ bị hack tài khoản ngân hàng hay mất thông tin cá nhân. Nhưng đó là lập luận phân biệt giai cấp, coi thường người nghèo và thiếu kiến thức thực tế.

Thường thấy nhất là người nghèo rất dễ dính bẫy cho vay nặng lãi qua mạng. Các đối tượng xấu có thể lợi dụng việc người dân ít hiểu biết để lừa họ vay nặng lãi qua app, sau đó lấy danh sách người thân để khủng bố tinh thần. Rất nhiều người đã bị sập bẫy tín dụng dạng này dẫn tới trầm cảm, thậm chí tự tử.

Tiếp theo là việc tội phạm hack tài khoản, lấy thông tin của người dân để làm việc xấu. Các hành vi thường thấy là hack thông tin cá nhân, hình ảnh của người này để tạo các tài khoản ảo, xác thực tài khoản ngân hàng để lừa đảo người khác. Dẫn tới việc nhiều người không vay nợ hay lừa đảo ai, nhưng bỗng một ngày lại mang nợ vô cớ vào thân hoặc bị công an mời uống trà để điều tra vì liên quan tới các vụ án do người khác gây ra.

Hiện nay các ứng dụng mà nhà cầm quyền bắt buộc phải cài vào điện thoại như VNieD, các ứng dụng của ngân hàng vẫn chưa có tính bảo mật cao. Vì vậy người dân rất dễ bị gài bẫy và mang nợ vô lý.

Cho nên thay vì tắt sóng 2G, ép người dân phải vay tiền để mua điện thoại dùng sóng 3G thì nhà cầm quyền cần phải thúc đẩy kinh tế phát triển. Khi kinh tế thịnh vượng, người dân dư dả thì tất nhiên họ sẽ tự chuyển đổi sang những thiết bị phù hợp với cuộc sống của họ.

Bên cạnh đó là Nhà nước cũng cần phải có những chính sách bảo vệ người dân, truy bắt tội phạm hiệu quả chứ không phải ép dân dùng điện thoại thông minh để giảm tội phạm. Vì thực tế tội phạm nhiều hay ít không nằm ở công nghệ hay do người dân, mà do cách điều hành, giáo dục và quản lý xã hội của nhà cầm quyền.

 

_______________

Tham khảo:

(1)  https://tuoitre.vn/da-nang-ho-tro-ho-ngheo-mua-dien-thoai-thong-minh-2024071812354377.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn, những ngày cuối năm…

Phan Thanh Hung

VNTB – Bất bình đẳng giết dân nghèo

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao cao tốc ngập: ai cũng biết chỉ có quan “không biết”

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.