VNTB – Đừng nghe những gì người người nói, mà nên…

Tôn Trọng Dân (VNTB) Viết loạt bài này tôi không nhắm đến mục đích hoà giải hoà hợp lớn lao, mà tôi lên tiếng với những điều tôi thấy, tôi nghe. Từ sàn bệt của người dân, tôi không trình bày một phương án, một giải pháp hoặc một ‘màn ảo thuật’ nào. Không suy diễn, không ‘lập thuyết’, càng không tranh biện. Tôi nêu những nhận định của một số người hình thành từ các chọn lựa, nêu một số điển hình trong chuỗi sự kiện có-chìm-có-nổi suốt 40 năm qua, ở cả hải ngoại lẫn quốc nội, mà bất kỳ ai chịu khó bỏ công mày mò/soi lật/suy xét/phản biện, cũng đều có thể thấy, có thể nhận ra, và nếu muốn khai triển thêm cho hướng mục tiêu của mình-có thể tự xác minh, có thể tự nghiền ngẫm và tự lựa chọn lối đi trên nền tự xác tín của bản thân.

Ba hệ quả lớn về tiến trình dân chủ

Đầu tư viết 8 phần bài, tôi thử đặt suy nghĩ của mình đồng hành cùng với các lập luận/suy tưởng/nguyền rủa/mỉa móc/bốc nổ/ngạo mạn/tuyệt vọng… ; một lần thử đặt cạnh nhau những lập trường/cách nhìn/cách sống/cách xử thế từ các phía.các bên.các phe.các giới .. để xem mối tương tác của chúng với nhau. Không là gì ghê gớm nhưng chính từ những điều này mới có thể hiểu tương đối cặn kẽ tiến trình dân chủ vừa qua đã đi được đến đâu và nó thực sự mang lại lợi ích gì cho đất nước.

Với tôi, một dân ngu khu đenchân đất mắt toét, những gì mà tiến trình hướng về nền Dân chủ mang lại, đã và đang kết tinh trong 3 hệ quả lớn:

1.    Tiến trình dân chủ hoá đã lật lui-soi tới-xét lại-thẩm định hầu như toàn bộ mọi ngóc ngách lịch sử, văn hoá, địa chí v.v… của Việt Nam để tìm cho ra cội rễ chính-tà, sai-đúng, hợp hay không. Những người thực sự quan tâm vận mệnh quốc gia đã từ trong Tiến trình ấy khám phá ra được nhiều vấn đề thú vị, dẫu rằng mọi sự kiện vẫn phô bày y như chúng vốn có, song lại khác biệt quá xa giữa cách nhìn định kiến một chiều và cách nhìn dân dã đa chiều. Hơn thế, những ai quan tâm càng hiểu rõ hơn bản chất của luật pháp, cái nền tảng mà dân chủ đứng trên đó.

2.    Đã nổi lên, đang trỗi dậy và sẽ xuất hiện những con người cần cho đất nước. Trong tiến trình hướng về nền Dân chủ ấy, công luận dần dà hiểu thấu Ai là Ai, Ai vì cái gì, Ai chỉ thương xót cho phần số của mình, Ai thực sự vì vận mệnh dân tộc. Đã không còn chỗ lùi cho những kẻ mạo.mị.nhân danh nhân dân để làm những điều chỉ phụng sự riêng cho nỗi thống khoái của mình, của dòng tộc mình, của phe cánh mình, của Cộng đồng mình. Công luận được “học” một đợt chính trị dài (nhưng ngoạn mục-không tẻ nhạt như kiểu Cộng sản thường ép gò-thúc bức): thế nào là Xã hội Dân chủ có định hướng Nhất nguyên một chiều và thế nào là Xã Hội Công Dân Dân Chủ Đa Nguyên đa chiều. “Học”, hiểu, để chọn lựa đúng và phù hợp với tư thế Việt Nam. 

3.    và hệ quả cuối cùng, cũng là quan trọng nhất: Tiến trình dân chủ hoá đã cho thấy văn hoá và cùng với nó là bản lĩnh của dân tộc Việt bất kể biên ranh và chính kiến, trước một điểm ngoặt lịch sử, trước những thời cơ, thách thức và sự chọn lựa không dễ dàng vì tương lai một Việt Nam độc lập.thống nhất.dân chủ.hoà bình.ổn định và thịnh vượng bền vững.

Thái độ chuyên chính… dân chủ

Cũng lại rất tình cờ, tôi được nhận 1/3 kiến thức từ nền giáo dục của VNCH, 1/3 của CH.XHCN Việt Nam-hàng ‘nội địa’, và 1/3 của các ‘ngoại bang’: khối Warszawa, Bắc Âu, Mỹ và có tập huấn ở vài ‘cái xứ cóc cáy’ (như một số Quý vị ‘ở bển’ thường trề môi khinh thị): Singapore, Thailand, Malaysia. Nghĩa là được may mắn cọ.cạ các mặt của ‘hòn bi” trái đất – bên ‘sáng’ cũng như bên ‘tối’. Nhờ thẩm thấu kha khá các loại “sàng” đó [1], tôi hiểu rằng, khi góp ý kiến lên mạng, chủ yếu nên giữ chuẩn chính tả, suy tư nên mạch lạc. Nên có Project, nên triển khai ý tứ theo Plan, nên tôn trọng những Regulations. Đừng trút hờn căm bi phẫn lên những con chữ vô tội, lên những nút phím vô tình, đừng trừng mắt với màn hình vô tri. Chớ nên phát biểu trong cơn hằn học. Chớ nên luận thuyết khi thể xác hoang mang, rũ rượi.

Như một vị từng nói: Xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi bạn lên tiếng. Mạng xã hội sẽ đưa tiếng nói của bạn đi xa. Nhiều người lắng nghe Bạn. Nhiều người đồng cảm với Bạn. Nhiều người đồng hành cùng Bạn. Nhiều người hành động với Bạn. Nhiều người cùng bạn thay đổi cuộc sống này [2] – Chỉ cần bảo đảm vậy, ắt là diễn đàn Dân chủ đa chiều nào cũng rộng mở đón nhận và đăng tải. Liệu có đúng thế phỏng ? Liệu không có chăng một nền chuyên chính của…”dân chủ” ?

Để test liệu trình dân chủ hiện hành, và do không nghĩ đến chuyện cầu danh hay cầu lợi, tôi gửi loạt bài này cùng một lúc đến một số không nhiều diễn đàn-không treo cờ đỏ.chẳng lộng cờ vàng, và chờ xem dạng lên tiếng khó nghe giữa ‘quảng trường phố chợ’ này của mình có được đăng đàn hay không. Từ đó, tôi sẽ được dịp nhận biết thái độ dân chủ và độ mở của từng diễn đàn có-như-họ-tự-mệnh chăng, có như tôi và nhiều người khác cùng tin hay không. Tôi không tin những websites đỏ lè đầy thế giá và cũng mệt mỏi với các websites lộng gió vàng hoe: 2 bên được tôi kính viễn ngang nhau, dù tôi không còn “ăn cơm quốc gia” đã 40 năm, và cũng tự tay làm hàm nhai không “nhờ ơn đảng ơn bác” 20 năm rồi. Tôi không loại trừ khả năng mình bị ruồng rẫy ở phía những người không Đỏ cũng không Vàng, vì hoàn toàn có khả năng: họ không đơn thuần là thành phần thứ Tư, mà là thứ 3, chẳng hạn. Đời, có thể giản dị, nhưng không hề giản đơn.

Tôn trọng nguyên văn khi trích dẫn, kể cả nguyên dạng chính tả và văn phạm/ngữ pháp lẫn cú pháp soạn thảo văn bản của nguồn được dẫn, tôi tích hợp cả những links dẫn đường để người đọc tiện kiểm chứng vì biết: những vấn đề mà mình muốn lên tiếng liên quan đến cả một trùng dương vấn đề bao la, sâu thẳm, kết thành tầng.vỉa, đan xen trộn lẫn hàng hàng lớp lớp. Câu chuyện dài 85 năm không ít ấy khó có thể đơn giản tụ đọng để phổ toả trong khuôn khổ một bài gượng ép, mà chỉ có thể giản dị gắng gói ghém những điều quá cần dàn trải trong loạt bài gồm 8 phần, tuy riêng biệt nhưng thống nhất trong một chuỗi phủ định-phản biện-tự phủ định đa chiều – dẫu rằng, nỗ lực đó là không an nhàn, ngay cả cho việc đơn thuần gõ phím.


Trong quá trình tìm hiểu người dân thực sự nghĩ gì về hiện tình đất nước, thực ấm lòng khi nhận ra không ít những bàn tay khác cũng vươn tới từ nhiều phía. Một Đoàn Công Trãi tâm sự khi nói chuyện với nhà nghiên cứu Lữ Phương: “Sự cuồng tín của một người chống cộng cũng chẳng khác gì sự cuồng tín của một người cộng sản bao nhiêu. Có thể kể thêm vào đó sự cuồng tín của một người Hồi giáo, một người Công giáo… Tất cả những người như vậy đều có một ngôn ngữ chung, một não trạng chung [3]. Nhận thức này cũng gặp sự đồng cảm dẫu là từ phía một người tự nhận thuộc “phe chống cộng” vì rất ủng hộ ông Việt Thường-người thể hiện khuynh hướng chống Cộng rất rõ ràng trong suốt hàng chục năm qua: “một khi mục đích đã là đánh phá thì tất nhiên những thảo luận dân chủ sẽ chỉ là những thứ xa sỉ [4]. Họ, dù từ bất kỳ góc độ nào, đều ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về diện mạo một loại dân chủ mà người dân Việt đang cần: “Trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta, những người Việt Nam đã phải lặn ngụp trong đủ thứ nhân danh, cách mạng, giải phóng, Cộng Sản, Tư bản, Quốc Gia, Quốc tế, Tự Do, Độc Tài, Công Giáo, Phật Giáo… Di luỵ của những nhân danh này còn kéo dài cho đến mãi hiện nay (…) Tôi cũng đã từng mù loà như vậy và hiện đang cố gắng tỉnh trí để tách mình ra khỏi những gông cùm của thiên kiến và nhân danh này (…) Nhân danh sẽ dẫn thành phe đảng, thù hận, mê muội và đây thật là một điều đáng tiếc [5].

Khi biết rằng, có thể Quý vị Đỏ sẽ sổ sàng: “đã làm gì cho tổ quốc?”; Quý vị Vàng sẽ miệt thị khi đánh hơi thấy Cộng sản không bị “tắm máu” trong loạt bài 8 phần này.. tôi đồng thời cũng quá hiểu rằng, Phẩm chất chỉ bị huỷ hoại khi bị Khinh bỉ, Cuộc sống chỉ bị ám úa khi mất nguồn sống và Đời không còn ý nghĩa nếu chẳng còn ai Tin cậy. Khi 3 thứ ấy vẫn Ung dung, nghĩa là, chẳng sao cả. Bước tới. Bước tiếp. Ngẩng đầu. Thẳng lưng. Tươi tắn.

Sống và ứng xử theo tinh thần câu thơ “Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét” (Lời mẹ dặn.1957) của cụ Phùng Quán (1932–1995), qua bao thăng trầm tôi nhận ra: không hẳn thẳng căng trắng-đen quyết liệt như thế với tha nhân đã là niềm vui cuộc sống, còn có một cách khác khoan thai hơn, như lời dạy của cụ Nguyễn Trãi: “Ung dung ta nói điều ta nghĩ, Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo” – một thái độ tự tin không mang dấu vết của áp lực tha nhân. Còn đối với tha nhân, trắng-đen quyết liệt mang vẻ đúng – bóng dáng của công minh, nhưng, lắm khi khó thể phù hợp với muôn vàn biến thể vốn là trò trớ trêu của con Tạo.

May mắn thay, người Việt còn biết cả đến một cách ứng xử khác nữa, như câu nói quá nổi tiếng của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: Đừng nghe những gì Việt Cộng nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Việt Cộng làm. Song, sau những gì do chính ông Thiệu làm, và khi ở vào thời đương đại đã 15 năm sau khởi đầu của thiên niên kỷ thứ Ba, tôi nghĩ, hẳn nên chuyển câu nhận xét trứ danh bên trên, ưu ái riêng dành cho Cộng sản, thành câu sau có lẽ phù hợp hơn với thế thái nhơn tình/sinh linh phổ cập: “Đừng nghe những gì người người nói, mà nên nhìn kỹ những gì từng người làm”. Một cách không Cúi ngửa theo người, vẫn minh thị rõ trắng-đen, lại còn chỗ để nhận thức được vô vàn sắc độ khác nhau, để làm giàu thêm cho trải nghiệm riêng tư, để có khoảng rộng cần thiết nghiền ngẫm về những ai muốn lấy tình yêu nước ra nhằm mạo mị cho chính mình và hòng làm cho người khác tin về thứ chân lý 1 chiều mà mình chuộng ưa chiêm bái.
Tư duy nhất nguyên trong dân chủ: kẻ thù kép
Mọi cuộc tranh cãi 40 chục năm qua, nhất là 15 năm gần đây trên các trang mạng hoàn toàn bị phủ trùm/ám úa bởi ý thức hệ ĐỏVàng, cả 2 “phe” hoàn toàn không thể “ngửi” nổi “Ai”, “Ở đâu”có màu/mùi của bên thứ 3 (huống hồ thực chất có tới…6 bên). Họ, chỉ thích: người dân phải chọn giữa Đen hoặc Trắng. Đó chẳng phải là nỗi bất hạnh kép cho toàn dân hay sao ? Tư duy Nhất nguyên/Dân chủ có định hướng Nhất nguyên, chính là một Kẻ thù kép, bên cạnh chính thể cộng sản.
Trong một thời dằng dặc trầm uất chỉ tuyền: hoặc phải Đen hoặc phải Trắng, nhộn nhịp điểm trang và lan toả những thứ ngỡ như chân lý phổ quát cho những điều chỉ đạt mức giả thuyết, suy tưởng, thậm chí chỉ là nỗi thèm thuồng của một số người, một nhóm người, một cộng đồng người, một giai tầng người – những thứ đó là gì? những ai đang như thế ??

Chú thích:


[1] Đi một ngày đàng học một sàng khôn ̶ tục ngữ dân gian đã dạy

[4] xem Vì Sao Chúng Đánh Phá “Nhóm Việt Thường” ??? của tác giả Trọng Tín (Kyoto)

 * Bài “Đừng nghe những gì người người nói, mà nên…” được VNTB trích đăng từ chỉnh thể loạt bài gồm 8 phần: “Net-People” & HẤP LỰC của tác giả Tôn Trọng Dân gửi đến báo”

* “Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả.”

* Bài viết phản ánh quan điểm và cách viết của tác giả Tôn Trọng Dân.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)