Huỳnh Liên
(VNTB) – “Mi mà về, Tết không ai dám tới nhà chơi đâu!”
Chỉ vài hôm nữa là người ta có thể đong đếm Tết qua chuyện giở tờ lịch ngày, 23 Tết đưa ông táo về trời, 25 Tết là giẫy cỏ mả gọi là dọn dẹp ‘nhà cửa’ cho ông bà đón Tết.
Một người bạn của tôi cười buồn thẫn thờ nói, “Tết này, đường về nhà mình xa quá, má ơi…”.
Những ngày cuối tháng 7, B.T.Đ., bạn tôi đã cùng em trai tìm kiếm khắp các hội nhóm trên mạng xã hội để xin thông tin về mẹ của mình mắc Covid-19 nằm viện. Ruột gan Đ. nóng như lửa đốt khi 3 ngày trôi qua mà vẫn không biết tình trạng sức khoẻ bà ra sao, Đ. chỉ biết mẹ bị hôn mê, đang thở máy tại bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP.HCM.
Sau nhiều bình luận trên fanpage của bệnh viện Chợ Rẫy, Đ. được bạn bè chia sẻ một vài hình ảnh mẹ của Đ. nằm trong phòng bệnh. Thế nhưng, Đ. không ngờ rằng, đó cũng là những hình ảnh cuối cùng của người mang nặng đẻ đau ra mình. Hai ngày sau, Đ. nhận tin từ bác sĩ, bà đã mất do Covid-19 vì có bệnh nền.
Không có vòng hoa, không kèn trống, những lễ tang giữa đại dịch Covid-19 tại TP.HCM cứ diễn ra lặng lẽ. Những gia đình có người mất do Covid-19 không biết làm gì khác ngoài chờ đợi đội mai táng đến đưa thi thể người thân mình đi và tiếp tục chờ đợi tro cốt họ trở về.
Đ. nói Tết này sẽ mang tro cốt của mẹ về quê nhà để mẹ được nằm bên cạnh cha cùng ông bà nội. Thế nhưng đường về lại nhà sao thăm thẳm vậy, khi chính quyền chốn quê nhà ‘kêu gọi’ những người đang ở nơi từng là ‘tâm dịch’ như Sài Gòn ‘xin’ đừng về…
“Mi mà về, Tết không ai dám tới nhà chơi đâu!” – Câu nói của bà ngoại khiến Đ. không khỏi chạnh lòng. “Bà nói đùa vậy thôi nhưng cũng thật đấy. Ở quê giờ người ta còn kỳ thị người về từ Sài Gòn lắm”, Đ., nói.
P.T.L.H. kể lúc xe đò vừa tới Tuy Hòa, mọi người được chở thẳng tới trạm y tế phường để test nhanh, mẫu gộp. Dù đã cầm giấy xét nghiệm âm tính từ Sài Gòn về nhưng trong thời gian chờ y tế phường báo kết quả, ba mẹ vẫn bắt H. phải ở trong nhà, không được đi đâu vì hàng xóm cứ qua ngó nghiêng hỏi.
H. kể qua điện thoại: “Kết quả mẫu gộp ra dương tính, y tế phường thông báo mình lên test lại. Vừa nghe nói vậy, cô của mình ở chung nhà sợ quá, lập tức đi lấy thuốc cảm cúm uống luôn. May mình test lại vẫn ra âm tính, không thì thế nào cũng bị mọi người trách. Nghĩ cũng lạ, mình là người duy nhất trong nhà hiện đã chích vắc-xin Covid-19 mũi 3, tính ra là an toàn nhất nhưng về vẫn bị nói ra nói vào. Chán thiệt!”.
“Còn gặp được nhau thế này là mừng lắm rồi”, câu nói nghe xót xa nhưng đã trở thành câu cửa miệng thay lời chào hỏi của mọi người, sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Sài Gòn. Thế nhưng nếu chuyện “gặp nhau thế này” tại miền quê của người về từ Sài Gòn, thì coi chừng, chẳng mấy ai hân hoan chào đón đâu.
Từ sau khi nối lại các tuyến vận tải đường bộ, đường sắt, đường không sau 1-10-2021, Sài Gòn đã gần như tháo bỏ hoàn toàn những rào cản về giãn cách, cách ly để dang tay đón người dân trở lại sau những tháng ngày đau thương.
Người từ bất cứ địa phương nào, kể cả chưa chích vắc-xin cũng có thể đến Sài Gòn và đăng ký chích tại nơi cư trú. Ai tới Sài Gòn hôm nay sẽ nhận ra rằng xe chạy nườm nượp, quán xá đã nhộn nhịp trở lại, ai nhiễm Covid-19 (F0) thì tự điều trị tại nhà, dăm bảy ngày rồi cũng nhẹ nhàng vượt qua. F1 tiếp xúc gần thì chủ động tự theo dõi sức khỏe tại nhà, trong khi vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường.
Đường về quê đã dài nay lại xa thêm. Có tỉnh vẫn bắt cách ly tập trung mặc dù họ không mắc Covid-19, chích đủ ba mũi. Chưa hết có nơi khuyến cáo không nên về “nếu không cần thiết” (?!).
Tết là ngày sum vầy, nhưng lòng người xem chừng ít nhiều vẫn chưa thể đoàn viên…