Việt Nam Thời Báo

VNTB – Gánh nặng trĩu vai khi có con đậu vào đại học

Định Tường

 

(VNTB) –  Tiền lương cơ bản tăng, và học phí đại học cũng được chính phủ đồng ý tăng…

 

Viên chức, công chức được tăng lương

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1-7-2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng.

Cụ thể, nghị định quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Chính phủ cũng lại vừa đồng ý phương án các trường đại học thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo nghị định 81.

Nghị định 81 cho phép từ năm học 2022 – 2023 các cơ sở giáo dục công lập được tăng học phí theo lộ trình, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính phủ đã yêu cầu giữ ổn định học phí trong hai năm học vừa qua. Việc này đã gây khó khăn cho các trường trong cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục trong điều kiện đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm.

Bất bình đẳng trong quyền được học tập

Theo nhận định trong một số quan chức ngành giáo dục đã nghỉ hưu mà người viết bài này được tiếp xúc, thì cho rằng thực hiện tự chủ đại học mà nhà nước cắt giảm đầu tư, các trường không tăng học phí thì đúng là khó thể đảm bảo chất lượng giáo dục; nhưng tăng học phí thế nào và các chính sách để đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho người học là điều cần phải tính toán tử tế.

Hiện nay, nghị định 81 là cơ sở để nhiều trường đại học tăng học phí. Trong đó, điều khiến băn khoăn là đối với chương trình đào tạo đạt mức kiểm định chất lượng, cơ sở giáo dục đại học công lập được tự xác định mức thu học phí.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – cựu hiệu trưởng trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng thực ra việc tăng học phí kịch trần của các trường đại học tự chủ theo nghị định 81 là con dao hai lưỡi, vì học phí ngoài việc đảm bảo nguồn chi trên đầu sinh viên (chi phí đơn vị – unit cost) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thì còn phải phù hợp với thu nhập của người dân. Việc tăng học phí sẽ làm phụ huynh và sinh viên khổ hơn.

“Nhìn chung mặt bằng học phí đại học công ở Việt Nam tương đối thấp, nhưng theo tôi, mức thu không quá ‘bèo’. Theo kinh nghiệm quản lý đại học của tôi, với mức thu học phí 30 triệu đồng/năm, nếu biết tiết kiệm chi tiêu, các trường vẫn có lợi nhuận. Do đó, các trường cần có các biện pháp giảm chi thông qua chuyển đổi số, tiết kiệm điện nước, đầu tư hiệu quả, thu nhập của cán bộ giảng viên hợp lý, tăng cường vận động tài trợ từ doanh nghiệp…”, ông Đỗ Văn Dũng diễn giải.

Khơi sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo

Một câu hỏi quen thuộc lại được đặt ra lúc này với tất cả nỗi ngậm ngùi: “Nhà nghèo có nên đi học đại học không?”; bởi đó là nỗi niềm chung của không ít người trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khi họ vừa học vừa lo phụ mẫu không có khả năng chu cấp, hoặc nai lưng ra làm kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt phí để rồi sức khỏe lao động và sức khỏe cho học tập là hai đại lượng tỷ lệ nghịch nhau khiến bi kịch của sinh viên nghèo lại càng được đẩy lên…

Có nhiều đề xuất và tranh cãi xoay quanh việc làm thế nào thu hẹp khoảng cách về trình độ giáo dục và đảm bảo sinh viên có thu nhập thấp được tiếp cận với giáo dục đầy đủ?.

Một trong những phương án được đưa ra là trao tặng học bổng, đặc biệt là ở bậc đại học. Bằng cách trao tặng học bổng cho sinh viên có thu nhập thấp, các trường có thể hướng đến những nhóm đối tượng cụ thể, mở rộng cơ hội và nâng cao kết quả học tập. Tuy nhiên, hầu hết các học bổng tại Việt Nam đều được trao dựa trên thành tích, sinh viên có thành tích càng xuất sắc càng có nhiều cơ hội nhận được học bổng.

Điều này làm dấy lên một nghịch lý, bởi học sinh sinh ra trong gia đình khá giả vốn có nhiều cơ hội được bồi dưỡng một cách tích cực hơn như đi học thêm, học ngoại ngữ, chơi thể thao, tham gia vào ban cán sự trường hay tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện. Những hoạt động này giúp học sinh phát triển toàn diện hơn và có lợi thế giành được học bổng dựa trên thành tích.

Hơn nữa, học sinh có thu nhập thấp, đặc biệt là học sinh ở các vùng nông thôn ít khi được tiếp cận tin tức một cách đầy đủ. Sự thiếu hụt về thông tin khiến nhiều học sinh tài năng bỏ lỡ những cơ hội nộp đơn xin học bổng mà đáng lẽ các em hoàn toàn đủ điều kiện. Chính vì vậy, một số người cho rằng nếu không được lên kế hoạch và thực hiện một cách hợp lý, học bổng sẽ không thể giải quyết sự bất bình đẳng mà thậm chí còn khơi sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hãy thấy sai và hãy quyết sửa!

Phan Thanh Hung

VNTB – Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng!

Phan Thanh Hung

VNTB – Học phí đại học ở trường công cũng cao chót vót

Trương Thế Tử

1 comment

T Vy 16.05.2023 8:33 at 08:33

Sau khi tốt nghiệp lại tốn hàng trăm triệu để chạy việc làm. Tốt nhất là tìm đường đi xuất khẩu lao động, đi Nhật tốn 14 nghìn đô/người, không tiền thì ra chạy Grab cho rồi, chứ vào đại học làm gì nữa, thời này, các loại bằng cấp đều có bán trên mạng

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo