Hoài Nguyễn
(VNTB) – Thất nghiệp, mất thu nhập, phá sản, nợ ngân hàng … đang đè nặng lên người lao động và doanh nghiệp
Ngày 1-9, Thái Lan bắt đầu “mở cửa” trở lại để sống chung với dịch. Người phát ngôn của Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) Thái Lan cho biết biện pháp này sẽ giúp Thái Lan chuẩn bị dần trở lại bình thường mới để cùng chung sống với Covid-19!
Việt Nam thì sao? Dưới đây là tổng hợp ghi nhận từ ý kiến của giới làm ăn ở Sài Gòn.
Hai năm nay qua nhiều đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Qua nhiều đợt giãn cách xã hội, chúng ta đã nhìn thấy, đã chứng kiến trên đường phố Sài Gòn:
1. Các doanh nghiệp nhỏ, các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa hàng buôn bán.
2. Các con đường trên các tuyến phố đóng cửa, cầm cự được vài tháng phải trả mặt bằng, chấp nhận mất tiền đã đầu tư sửa chữa trang bị cho cửa hàng. Điều này đồng nghĩa với sự tuyên bố phá sản, mà đôi khi còn nợ vốn ngân hàng hay người cho vay, đóng hụi.
3. Những nhà mặt tiền, có khi là của cán bộ hưu trí, gia đình dồn lên ở phía trên để bên dưới cho thuê, bây giờ không cho thuê được, họ mất nguồn thu. Cũng có thể là những nhà đầu tư nhỏ, vay vốn ngân hàng mua nhà cho thuê, bây giờ không ai thuê, tiền đâu trả lãi ngân hàng, kéo dài nhiều tháng khác gì phá sản.
4. Nhiều cao ốc cho thuê làm văn phòng, từ khi giãn cách xã hội, nhân viên làm việc ở nhà, hình thành thói quen làm việc online, chủ doanh nghiệp thu xếp trả bớt mặt bằng thuê. Mặt bằng không cho thuê được, thuyền bé, sóng bé, thuyền càng to sóng càng lớn. Nhà đầu tư mặt bằng cho thuê có khác gì phá sản?
5. Ngân hàng cho vay. Nếu tính theo quyết toán trên sổ sách thì vừa qua tuyên bố có lãi đấy, giám đốc ngân hàng lương cao đó. Nhưng nếu những người vay công bố phá sản hàng loạt, nợ không trả được trở thành nợ xấu thì hậu quả đương nhiên xảy ra cho ngân hàng không phải nhỏ.
6. Hàng không, du lịch đã chết ngay từ đầu mùa dịch. Ai có việc phải đi máy bay đều chạy cho nhanh, các cửa hàng kinh doanh trong sân bay cũng phải dẹp bớt, các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng thì thôi rồi, khỏi nói, họ đã gần như chết rồi.
7. Các trường học công tư đều phải đóng cửa. Hệ thống trường tư thục khốn khổ vì tiền thuê mặt bằng, tiền đầu tư thiết bị theo chuẩn của giáo dục, học sinh không đến trường, học online. Tất cả mặt bằng, phòng ốc của trường đóng cửa nhưng vẫn phải trang trải các chi phí đầu tư. Họ cũng muốn tuyên bố phá sản lắm rồi.
8. Các ngành sản xuất công nghiệp, các nhà máy hầu như ngưng trệ, công nhân mất việc làm về quê…
9. Còn rất nhiều ngành nghề khác, giải quyết được rất nhiều việc làm cho lao động phổ phông như cắt uốn tóc, giữ xe, bảo vệ… bây giờ hầu như mất việc làm.
10. Nhiều người mua nhà chung cư vay ngân hàng trả góp, bây giờ không có việc làm, lấy đâu ra tiền trả góp ngân hàng, có khả năng phải bán nhà hoặc bị ngân hàng siết nợ. Họ sẽ ra sao?
Thay lời kết
Ai thấy những vấn đề kể trên? Ai cũng thấy, ai cũng biết. Chính phủ, nhà nước, quốc hội, chính quyền địa phương cũng biết. Các hiệp hội nghề nghiệp, và các doanh nghiệp đều biết.
Tại sao phải chờ 5.000 chữ ký của doanh nghiệp mới giải quyết? (https://secure.avaaz.org/community_petitions/en/thu_tuong_chinh_phu_nuoc_chxhcn_viet_nam_thu_kien_nghi_cua_cac_doanh_nghiep_vua_va_nho_phia_nam/).
Qua những đợt chống dịch, qua những đợt giãn cách, nhất là lần thứ 4 tại TP.HCM đã thấy rõ bản chất của dịch bệnh Covid-19. Yêu cầu chính phủ, bộ y tế phải cầu thị, không nên tập trung việc chữa bệnh theo ý chí chủ quan, mà phải dựa vào sức dân, phải xã hội hóa việc chữa trị và phòng ngừa dịch bệnh.
Thế giới đã có thông điệp, phải sống chung với Covid-19 và các biến thể của chúng bằng biện pháp 5k và tiêm ngừa vắc xin.
Thái Lan mở cửa sẽ là bài học để cùng suy gẫm và nhìn thẳng vào thực tế ở Việt Nam.