Định Tường
(VNTB) – Giá điện liên quan trực tiếp đến người dân, khi công khai minh bạch giá điện sẽ là phương tiện giúp làm sáng tỏ và củng cố niềm tin xã hội.
Báo chí của Đảng đang có lời kêu gọi đừng sợ công khai, minh bạch giá điện!
Lời kêu gọi này còn xuất phát từ việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị tăng giá điện, nếu vẫn giữ như hiện nay thì đến hết tháng 5-2023 sẽ lỗ lũy kế hơn 93.000 tỷ đồng.
EVN đến nay vẫn độc quyền kinh doanh phân phối mua bán điện, ai có nhu cầu cung cấp đều bán cho EVN, ai sử dụng cũng đều phải mua ở EVN. Mỗi lần kiến nghị tăng giá điện, các thông tin nêu ra chỉ mang tính chất chung với phần lớn là những quy định, văn bản hay thông báo số tiền kinh doanh bù lỗ, hiếm khi thấy những thông số cụ thể để chứng minh.
Theo báo báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2022, doanh thu tập đoàn dù tăng so với năm trước là 4,31%, nhưng do các thông số đầu vào tăng mạnh, như giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới và các chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện, khiến EVN lỗ khoảng 28.876 tỷ đồng. EVN cho biết có thể lỗ nhiều hơn nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí đầu vào, tối ưu hóa dòng tiền, hoạt động tài chính, vận hành tối ưu hệ thống.
Trong năm 2023, EVN dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn như đảm bảo cung ứng đủ điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, cân đối tài chính khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỉ giá… Nếu không cân đối được tài chính, không được tăng giá điện thì tổng số lỗ luỹ kế giai đoạn 2022-2023 là 99.000 tỉ đồng.
EVN là doanh nghiệp vốn nhà nước, ngân sách của EVN đến từ ngân sách nhà nước và đó là tiền thuế của người dân. Do đó người dân được quyền biết rõ những chi phí đó đi đâu, về đâu. Như vậy, ngoài việc chấp nhận một thực tế ngành điện trên toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng, thua lỗ, cần tăng giá điện, và ngành điện Việt Nam cũng không ngoại lệ, thì ở đây vai trò của nhà nước phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm nguồn thuế của người được sử dụng một cách minh bạch.
“Ví dụ với 1 kWh điện, EVN phải đầu tư để sản xuất như thế nào, và chi phí trên mỗi tấn than, mỗi m3 khí nhập vào ra sao. Nếu số liệu rõ ràng và đơn vị kiểm toán độc lập có thể chứng minh được những con số đó hoàn toàn đúng và hợp lý, tôi tin rằng, người dân cũng tin tưởng vào những biến động về giá và có thể chấp nhận việc tăng giá điện”, ông Võ Nhật Vinh – chuyên viên Nghiên cứu và Phát triển tại khu công nghệ Sophia Antipolis (Pháp), ý kiến.
Các chuyên gia cho rằng ngành điện lực cần làm rõ chênh lệch giữa chi phí sản xuất và giá bán điện trực tiếp. Tức cần minh bạch giá thành sản xuất điện, chứng minh cụ thể nguyên nhân bị lỗ, để người tiêu dùng chấp nhận việc tăng giá điện là phù hợp với cung cầu thị trường.
Giá điện liên quan đến người dân, công khai minh bạch chính là phương tiện giúp làm sáng tỏ và củng cố niềm tin xã hội. Cũng giống lĩnh vực viễn thông, xăng dầu muốn có cơ chế thị trường điện thì phải giảm vai trò sở hữu đối với EVN, giảm tối đa các đơn vị trực thuộc (hầu hết giữ nguyên chưa được tách ra), đẩy mạnh cổ phần hóa, hạch toán độc lập, có nhiều đơn vị cạnh tranh cung cấp dịch vụ.
Thông qua các phản hồi trên báo chí, tin rằng đang có hàng chục triệu khách hàng sẽ quan tâm đến lý do vì sao EVN lại lỗ nặng, và điều này cần được thể hiện chi tiết hơn trong báo cáo tài chính của tập đoàn. Hay nói cách khác, người dân – khách hàng có quyền đòi hỏi EVN giải trình cụ thể về các khoản lỗ của tập đoàn này.
Tiếc là cho đến nay ngay cả người đứng đầu Ban Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương, cũng chưa thấy đưa ra ý kiến gì khi mà cả EVN cho đến Bộ trưởng Bộ Công thương vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu về “Trách nhiệm giải trình”, được quy định tại Điều 15 của Luật Phòng, chống tham nhũng.