Hồng Dân
(VNTB) – Chỉ số giá lương thực toàn cầu cao nhất trong hơn 30 năm trở lại đây. Là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhiều mặt hàng của Việt Nam đang hưởng lợi.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay đạt 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn duy trì ở vị trí dẫn đầu trong số các nước xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp như Trung An, Lộc Trời, Tân Long… đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có phân khúc cao và giá cả ổn định.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngoại trừ khoảng 2 tuần giữa tháng 3, giá gạo xuất khẩu Thái Lan tăng mạnh, sau đó quay đầu giảm còn dưới mức 410 USD/tấn gạo 5% tấm thì gạo Việt Nam luôn duy trì mức giá cao nhất thị trường gạo thế giới với mức 415 – 420 USD/tấn, so gạo Thái Lan cùng phẩm cấp có giá là 410 – 408 USD/tấn.
Theo một số doanh nghiệp ở các tỉnh miền Tây, trong tháng 3 giá lúa gạo trong nước liên tục tăng vì tác động của chi phí đầu vào như xăng dầu tăng cao làm tăng phí vận chuyển, phân bón; bên cạnh đó là tăng theo sự tăng giá lương thực chung của thế giới, trong đó có tác động của cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine… Tuy nhiên, thị trường chưa có những đơn hàng lớn vì các đối tác vẫn có tâm lý chờ đợi thêm thời gian để giá cả ổn định trở lại.
Tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo than phiền rằng dù đơn hàng tăng, giá tốt nhưng chi phí vận chuyển, bốc xếp… tăng cao khiến các nhà xuất khẩu thu về lợi nhuận không đáng bao nhiêu (?!).
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt (cũng là bạn học cũ của người viết bài này) thẳng thắn nhìn nhận với mức giá gạo xuất khẩu hiện nay thì nhiều công ty cũng chẳng có lợi nhuận là bao vì chi phí sản xuất, chế biến… cũng tăng cao. Ngoài ra, người nông dân cũng không hưởng lợi vì giá lúa hiện nay có tăng nhưng chi phí sản xuất như phân bón, vật tư nông nghiệp… đều tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây.
Cùng góp ý kiến về ai mới là người chịu thiệt nhất về giá lúa gạo lâu nay, một nhà báo theo dõi mảng kinh tế nông thôn cho rằng đó là người nông dân. Theo vị nhà báo này thì đúng là thời gian qua, hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho sản xuất và xuất khẩu lúa gạo được đưa ra, nhưng hiệu quả không cao bởi chưa đến được trực tiếp với người trồng lúa dù theo quy định phải bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa ít nhất 30% giá thành.
Tuy nhiên trên thực tế, mức lời này khó có thể được vì giá thành sản xuất lúa không tính đến các nhân tố như lao động gia đình, phí thuê đất và lãi suất vay, các chi phí vận chuyển… Ngoài ra, việc áp dụng cùng một mức giá thành sản xuất lúa cho một khu vực là không hợp lý bởi mỗi nơi có một đặc thù khác nhau.
Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Oxfam, thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ dân đồng bằng sông Cửu Long – tức vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất cả nước, chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng, tương đương với một nửa mức lương tối thiểu. Với thu nhập như vậy, các hộ sản xuất quy mô dưới 2 ha không thể sống dựa vào thu nhập từ trồng lúa.
“Các chính sách về điều hành xuất khẩu, sản xuất lúa gạo Việt Nam khi áp dụng cần được thường xuyên đánh giá bằng cơ quan độc lập. Đặc biệt, cần minh bạch trong việc xuất khẩu gạo giữa các doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh” – vị nhà báo nói trên kiến nghị.