VNTB – Giăng băng-rôn biểu tình ngợi ca Tổng bí thư có vi phạm pháp luật?

VNTB – Giăng băng-rôn biểu tình ngợi ca Tổng bí thư có vi phạm pháp luật?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Có thể cần điều tra làm rõ về “động cơ” của các nội dung băng-rôn tán dương chính khách Nguyễn Phú Trọng này.

 

Nguyên tắc chung thì mặc dù chưa có luật biểu tình, nhưng giăng băng-rôn biểu tình nếu không gây cản trở lưu thông, không kích động đám đông thì đây là một quyền theo Hiến định.

Theo điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì việc giăng băng-rôn, khẩu hiệu (không phải quảng cáo) bị xử phạt hành chính khi thực hiện trong phạm vi đất dành cho đường bộ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Nếu nội dung băng-rôn có nội dung nhằm chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoặc có thể gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe của người khác, đến tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân khác trong khi tiến hành các hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng, thì đều là vi phạm pháp luật đến mức có thể khởi tố vụ án hình sự tại điều 155, 156, 331 Bộ luật hình sự 2015.

Tuy nhiên cũng có lưu ý là nếu ai đó giăng băng-rôn với nội dung ngợi ca một lãnh đạo cụ thể nào đó, ví dụ như băng-rôn kêu gọi vì là “bậc minh quân” nên cần thiết “tái nhiệm lần thứ tư” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở nhiệm kỳ 2026-2031, thì rất có thể người giăng băng-rôn đó bị ngờ vực đang “tâm lý chiến” với cáo buộc theo điều luật hình sự 117.1.c “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý”.

Tương tự, nếu hiểu nội dung băng-rôn biểu tình là “quan điểm cá nhân, không phải nhằm mục đích quảng cáo”, và nội dung đó không có dấu hiệu vi phạm hành chính như lôi kéo, kích động, xuyên tạc,… mà chỉ thuần là biểu hiện sự tín nhiệm của quyền cử tri, ví dụ như băng-rôn: “Tôi tin tưởng Thủ tướng Phạm Minh Chính” – “Tôi hài lòng với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng” – “Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hãy ứng cử là đại biểu của nhân dân”…, thì tin chắc rằng nhà chức trách chỉ “im lặng” nếu đã đủ căn cứ vững chắc là người giăng băng-rôn đó bị bệnh tâm thần; bằng ngược lại, chắc chắn người đó sẽ bị chụp mũ “thế lực phản động” đang nhằm phá rối trật tự trị an.

Xem ra một khi chưa có luật về quyền biểu tình thì cá nhân có hành vi treo băng-rôn thể hiện quan điểm không đồng tình lẫn đồng tình đều có thể bị suy diễn để chụp mũ pháp luật hình sự.

Dẫn chứng: Công an tỉnh Thanh Hóa từng có quyết định khởi tố vụ án “căng băng-rôn đòi nợ” với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Vụ việc xảy ra tại trụ sở Tổng Công ty bất động sản Đông Á vào năm 2015.

Có ít nhất hai lý do cho thấy việc cố tình hình sự hóa một quan hệ dân sự “giăng băng-rôn”: việc công khai danh tính người bị đòi nợ không thể là căn cứ chứng minh dấu hiệu “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, vì việc mâu thuẫn, nợ nần là có thật. Bên đòi nợ không có mục đích bịa đặt một thông tin để làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bên bị đòi nợ, nhằm phá hoại hoạt động kinh doanh, mà đơn thuần chỉ nhằm mục đích đòi lại số tiền đã cho vay.

Thứ hai, việc căng băng-rôn đòi nợ ôn hòa là một việc làm tuy không được pháp luật ghi nhận, khuyến khích, nhưng cũng không trái quy định của pháp luật. Trong quá trình căng băng-rôn, nếu làm rối loạn trật tự công cộng, bịa đặt nội dung trong băng-rôn về người bị đòi nợ… thì mới bị xử lý về các tội danh tương ứng nếu xét thấy có dấu hiệu hình sự.

Thế nhưng lúc thể hiện nội dung quan điểm đồng tình khi giăng băng-rôn với nội dung như “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là bậc minh quân” – “Một lá phiếu cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” – “Với tôi, không ai có thể thay thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” – “Bậc minh quân thánh đế như đảng viên Nguyễn Phú Trọng cần nắm giữ Tổng bí thư trọn đời”,… chắc chắn nhà chức trách sẽ cho rằng đây là những nội dung mang tính dè bỉu, và cần điều tra làm rõ về “động cơ” của các nội dung băng-rôn tán dương chính khách Nguyễn Phú Trọng này.

Ở Việt Nam, hoàn toàn không quá lời khi nói rằng, “chê cũng chết, khen cũng chết” là điều rất rõ khi chọn việc thể hiện bằng chuyện giăng băng-rôn bày tỏ chính kiến cá nhân.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Băng rôn ca ngợi Bác Hồ, 1 thời kiêm chức Tổng bí thư, mọi người vẫn hoan nghênh túi bụi, có sao đâu