Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giáo viên và bác sĩ xin nghỉ việc…

Hồng Dân

(VNTB) –  Trong lúc công nhân bị sa thải thì giáo viên và bác sĩ lại xin nghỉ việc. 

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, hiện cả nước thiếu 127.583 giáo viên và con số này đang gia tăng không ngừng. Trong khi đó, tính đến tháng 9, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ hoặc chuyển việc.

Vì sao giáo viên nghỉ việc?

Bên cạnh chuyện thu nhập, còn là hàng loạt vấn đề liên quan đến ‘hành chánh – sự vụ’, hay còn gọi là ‘cơ chế’ như việc giáo viên vốn dĩ phải chịu nhiều áp lực, từ chuyện học tập của học sinh cho đến giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ huynh. Bây giờ thêm việc hàng tháng có vài tiết thao giảng, dự giờ đột xuất thì giáo viên rất căng thẳng.

Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi dự giờ tiết dạy của đồng nghiệp, giáo viên đến dự nên chú trọng quan sát việc học của học sinh, xem thái độ học tập của học sinh ra sao, khả năng nắm bắt kiến thức của học sinh ở mức độ nào,…

“Vậy mà, ở trường tôi” – thầy giáo TTS kể – khi dự giờ đồng nghiệp, đa số giáo viên dự giờ không quan sát học sinh, họ chỉ tập trung vào ‘soi’ người dạy để bới lông tìm vết và bắt bẻ đủ điều. Sau tiết dạy, là một cuộc họp tổ được mở ra giống như một phiên tòa xét xử. Nếu tiết dạy đó không “hoàn hảo” như quy định của tổ thì người dạy sẽ bị tổ trưởng phê bình, và chê bai đủ điều trước mặt các đồng nghiệp khác.

Thời gian cho một tiết học chỉ có 45 phút, vậy mà họ bắt người dạy phải làm đủ thứ trong tiết học đó, nào là khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, củng cố, dặn dò,… Nếu giáo viên nào dạy không kịp thời gian, chưa đủ các bước quy định cứng nhắc đó thì bị tổ trưởng phê bình, chỉ trích, chê bai đủ thứ,…

“Nền giáo dục của chúng ta đang ở thế kỷ XXI. Vậy mà người ta vẫn bám vào mấy khái niệm “cháy giáo án”, “ướt giáo án” để đánh giá, xếp loại tiết dạy thì thật là lạc hậu và vô lý. Phản ứng thì cũng chẳng thể thay đổi được gì, nên nếu không thể ‘nhịn’ thêm nữa thì đành chọn nghỉ việc, kiếm nghề khác thôi, như ra trung tâm tư nhân hay xin vào trường tư thục chẳng hạn” – thầy TTS nói.

Nhân viên y tế nghỉ việc không chỉ vì lương thấp

Ở TP.HCM từ đầu năm đến ngày 10-8-2023, số lượng viên chức ngành y tế nghỉ việc là 547 người, trong đó có 202 bác sĩ và 239 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

547 viên chức nghỉ việc trong 8 tháng qua chủ yếu là người trẻ thâm niên công tác dưới 5 năm, một số có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm. Các lý do được viện dẫn trong đơn nghỉ việc: áp lực công việc cao, không đảm bảo sức khỏe làm việc, sức khỏe suy giảm sau dịch Covid-19, đơn vị công tác xa nhà, tập trung thời gian học sau đại học, muốn thay đổi môi trường làm việc, mức thu nhập thấp so với nơi làm việc khác.

Ghi nhận ở bệnh viện quận 4 (TP.HCM), năm 2021, 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, bệnh viện này có 98 nhân viên nghỉ việc, bao gồm 41 bác sĩ và 26 điều dưỡng. Bệnh viện được giao 315 nhân sự, nhưng hiện chỉ có 278 người.

Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Lương này chỉ bảo đảm một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

“Người giỏi ở bệnh viện công và bệnh viện tư, khả năng thăng tiến cũng có sự khác biệt. Tại bệnh viện công, muốn làm trưởng, phó khoa phải đi học lý luận chính trị trung cấp, ngoại ngữ, phải ở trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo đã được phê duyệt. Trong khi đó ở bệnh viện tư, chỉ cần có tay nghề, kỹ năng thực hành y khoa, có uy tín, đông bệnh nhân… là đã có thể được bổ nhiệm” – cựu điều dưỡng Bích Thu, bệnh viện Bình Dân cho biết như vậy.


Tin bài liên quan:

VNTB – Công nhân không có của để dành: trách nhiệm chính thuộc về Đảng Cộng Sản

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tham nhũng trong đấu thầu là hệ quả của lũng đoạn chính trường?

Phan Thanh Hung

VNTB – Dựa hơi quan thầy?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo