Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hải Dương: Thu hồi hay tước đoạt đất ở phường Việt Hòa? (kỳ II)

Nguyễn Tường Thụy (VNTB) Không chỉ tìm cách giảm đơn giá, họ còn bớt cả diện tích phải bồi thường, nghĩa là họ tìm cách giảm cả 2 thừa số của phép tính nhân.
Ý kiến người dân phường Việt Hòa. Ảnh: chụp màn hình video

Áp dụng lẫn lộn thu hồi đất, trưng dụng đất, mượn đất

Ngày 2/7/2012, UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định số 1491/QĐ-UBND về việc phê duyệt đơn giá bồi thường đất mượn thi công. Quyết định ghi: “Đơn giá bồi thường đất trưng dụng là đất nông nghiệp có thời hạn trong trường hợp trưng dụng làm mặt bằng thi công trên địa bàn phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương”.

Với nội dung này, thì quyết định 1941 phê duyêt đơn giá theo điều 20 Quyết định 40/2009 của UBND tỉnh Hải Dương. Theo đó đất làm dự án này bị vận dụng theo đất bị trưng dụng để đắp đê, mà tính chất của 2 loại này khác hẳn nhau.
Tuy nhiên, trong các bản tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Ban Giải phóng mặt bằng thì lại gọi là “đất mượn thi công” với đơn giá 8000 đ bồi thường đất, 3000 đ chi phí cải tạo, còn bồi thường hoa màu là 4000 đ đối với lúa và 5000 đ đối với lạc.
Theo Điều 72 Luật Đất đai thì “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai”.
Như vậy, Dự án xây dựng mới tuyến đường ống xăng dầu, đoạn đi qua phường Việt Hòa không được phép trưng dụng đất, và do tính chất của nó (làm hạn chế quyền sử dụng) thì việc áp dụng đơn giá bồi thường đất trưng dụng rõ ràng là sai và sai hơn nữa là vận dụng đất đắp đê cho đất làm dự án lắp đặt đường ống xăng dầu.
Sau đó, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 13/4/2014 đình chỉ thi hành điều này, theo văn bản số 316/KTrVB ngày 14/11/2013 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư Pháp).
Tìm mọi cách bồi thường cho dân với giá thấp nhất có thể
Chính vì tìm mọi cách sao cho chỉ phải bồi thường cho dân với giá thấp nhất có thể nên mới dẫn đến chuyện, “liên quân” chính quyền – chủ đầu tư hết “thu hồi tạm thời” đến áp giá đất “trưng dụng”, rồi đất “mượn thi công” một cách tùy tiện.
Sau khi điều 20 Quyết định 40/2009 bị hủy bỏ, thì chủ đầu tư mới thương lượng với dân, cũng cò kè theo kiểu mua bán ngoài chợ. Ban đầu, họ nâng giá bồi thường lên 80.000đ/m2. Sau đó lên 130 nghìn, 160 nghìn và con số dừng lại hiện nay là 170.000 đ/m2.
Không chỉ tìm cách giảm đơn giá, họ còn bớt cả diện tích phải bồi thường, nghĩa là họ tìm cách giảm cả 2 thừa số của phép tính nhân.
Theo quyết định trả lời 53 công dân số 763/QĐ-UBND ngày 25/4/2013 thì tổng diện tích thu hồi là 74.094 m2, chiều dài đường phần thu hồi là 1720 mét. Như vậy, chiều rộng phải đền bù cả hai phía đường ống là 43 mét. Nhưng  thực tế họ chỉ bồi thường trong khoảng cách mỗi bên là 7m x 2 bên = 14m cộng với khoảng cách giữ 2 đường ống là 5 mét  thành 19m, nghĩa là chưa đến một nửa thực tế thu hồi. Con số họ đưa ra 170.000 đ/m2 là tính cho phạm vi 19 mét chiều ngang này. Còn đất hành lang ngoài phạm vi 19 mét họ chỉ trả 20.000 đ/m2. Không hiểu dựa họ vào đâu.
Mặt khác, theo công văn số 796/CV-GPMB ngày 24/12/2012 của Ban Giải phóng mặt bằng gửi ông Ngô Xuân Thủy thì “hành lang an toàn tuyến ống xăng dầu đã được xác lập 30 mét từ tim đường ống ra mỗi bên”,  cộng thêm khoảng cáchh giữa hai đường ống là 5 mét, thì chiều rộng hành lang là 65 mét.
Như vậy, con số 19 hay 43 không chỉ mâu thuẫn với nhau mà còn mâu thuẫn cả với con số 65. Và cả ba con số đều không theo qui định nào về hành lang bảo vệ đường ống xăng dầu (đã diễn giải ở kỳ 1: [Tuy nhiên, theo Nghị định số 47/1999/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung thì hành lang an toàn về mỗi bên đường ống đối với trường hợp nhà ở riêng biệt, trại chăn nuôi, các kho nông, lâm nghiệp, vùng cây công nghiệp, vùng trồng cỏ chăn nuôi và vườn cây là 50 mét đối với đường ống cấp IV, 20 mét đối với đường ống cấp V. (chưa rõ đường ống này là đường ống cấp mấy)].
Người dân phường Việt Hòa yêu cầu gì?
“Liên quân” chính quyền – chủ đầu tư không muốn thu hồi đất vì sau khi xây dựng xong, dân vẫn có thể sử dụng được, tuy quyền sử dụng bị hạn chế. Vì vậy họ mới tự ý “sáng tác” ra luật “thu hồi tạm thời”. Từ sáng tạo kỳ quặc ấy, mới đẻ ra chuyện áp giá theo đất trưng dụng, mặc dù theo luật thì dự án này không thể trưng dụng, rồi đã “thu hồi tạm thời” lại còn “đất mượn thi công”. Chính vì những ý đồ mù mờ đó mới sinh ra việc nông dân phường Việt Hòa khiếu kiện hết cấp nọ đến cấp kia từ 5 năm nay.
Ký tên vào các đơn khiếu kiện, kêu cứu, có nhiều người là cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, người cao tuổi. Trong cuộc đấu tranh đòi sự công bằng, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh ở phường Việt Hòa bị kiểm điểm. Những cựu chiến binh này bị cho là vi phạm chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, có hành vi cản trở thi công, bị quy chụp chống lại chủ trương của Đảng và Nhà nước…
Ông Vũ Xuân Ái chi hội phó, ông Nguyễn Văn Thanh và 5 hội viên khác bị yêu cầu làm kiểm điểm, tự nhận kỷ luật.
“Nay sự việc rất nghiêm trọng, một số cán bộ đã lợi dụng chức quyền tìm mọi thủ đoạn, cấu kết với các ban ngành để đe dọa các hội viên, đã vu khống cho các hội viên và nhân dân chống lại chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đây là những sai phạm hết sức nghiêm trọng của cán bộ, đảng viên đã lừa dối nhân dân, coi thường Hiến pháp, chà đạp lên pháp luật, bịa luận, áp dụng trái pháp luật mà pháp luật không qui định, làm sai lệch hồ sơ dự án xây dựng mới tuyến ống thành dự án sửa chữa, nâng cấp cải tạo tuyến ống, lừa dối cấp trên, không công khai minh bạch quy hoạch dự án, hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, làm mất lòng tin của nhân dân và uy tín của đảng và nhà nước”(thư kêu cứu).
Yêu cầu của bà con là Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao sớm trả lời về việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy các bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương để xét xử lại bởi áp dụng pháp luật đã sai phạm nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hủy tất cả các quyết định trái luật. Xí nghiệp Kho vận xăng dầu 132 phải trực tiếp thương lượng, ký hợp đồng thuê đất xây dựng, lắp đặt và vận hành đường ống xăng dầu với các hộ dân theo đúng qui định của pháp luật.
Về việc bồi thường, chủ đầu tư cần thỏa thuận với dân về đơn giá bồi thường sao cho thỏa đáng, không để những người nông dân thiệt thòi. Về diện tích, bồi thường cho dân theo đúng diện tích đã công bố.
Khi nông dân phường Việt Hòa phát hiện bị lừa

Ý kiến của người dân phường Việt Hòa

Kỳ trước: http://www.ijavn.org/2017/04/vntb-hai-duong-thu-hoi-hay-tuoc-oat-at.html

Tin bài liên quan:

VNTB- ‘Nhà máy thép hoặc cá’: Coi chừng nổ ra biểu tình trên cả nước

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà văn Phạm Viết Đào kiện Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần giúp công an làm quen với tinh thần thượng tôn pháp luật

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo