Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hình sự hóa quan hệ kinh tế là căn bệnh mãn tính của Việt Nam?

Định Tường

 

(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký nghị quyết với yêu cầu “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế”.

 

Hình sự hóa dân sự còn nhằm để… triệt hạ nhau?

Việc những người làm ăn kinh doanh vướng vào vòng lao lý vốn không phải là vấn đề mới. Nhất là thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thông, báo chí, bao nhiêu vụ án kinh tế lớn nhỏ có dính dáng đến tù tội liên tục được dư luận quan tâm. Thuật ngữ “hình sự hóa” cũng xuất hiện nhiều hơn, dày hơn.

Câu hỏi đặt ra: Có chăng các giao dịch dân sự, kinh tế đang bị “hình sự hóa” ngày càng nhiều để các phe cánh quyền lực tận dụng để triệt hạ nhau trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự cho khóa 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Vấn đề thứ hai là giải pháp hình sự hóa nào đang được lựa chọn để giải quyết các giao dịch kinh tế, dân sự?

Ở một góc độ nào đó doanh nghiệp, cá nhân làm ăn nếu có sai sót hoặc sai phạm, phải căn cứ vào quy định của pháp luật để xử phạt tùy theo mức độ. Nếu sai phạm đúng ra chỉ xử lý theo quan hệ dân sự, kinh tế lại mà lại bị hình sự hóa, chủ doanh nghiệp bị bắt, thì hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp.

Thực trạng này cũng là nỗi lo lắng của không ít người dân và doanh nghiệp. Họ cảm thấy hoang mang và không an toàn.

Về lý luận, hiện tượng các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế không cấu thành tội phạm nhưng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, tức là hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đã và đang là vấn đề được công luận quan tâm, lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Bản thân việc hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế không chỉ gây hại trực tiếp cho các nhà đầu tư, mà còn gián tiếp gây hại cho nền kinh tế nói chung. Khi hình sự hóa đã trở thành phổ biến thì hiện tượng này sẽ trở thành một trở lực to lớn đối với hoạt động kinh doanh vốn đã đầy biến động, rủi ro trong thương trường mới ở dạng sơ khai như Việt Nam.

Oan án kinh tế do… cố ý?

Nếu như coi việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với người không phạm tội là việc làm oan sai người vô tội, thì hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, với tư cách là sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự, là một dạng làm oan sai người vô tội.

Sự sai lầm này có thể do cố ý hoặc vô ý.

Trong thực tiễn, tuy không loại trừ hiện tượng cơ quan tố tụng – thông qua người tiến hành tố tụng, cố ý “hình sự hoá” nhưng sự sai lầm này chủ yếu được thực hiện ngoài mong muốn của các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Sự sai lầm ấy thể hiện ở việc cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, tức là áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự đối với cả hành vi chưa phải là tội phạm.

Cách hiểu về hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế kể trên cũng bao hàm ý nghĩa rằng, hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là sự can thiệp trái pháp luật của các cơ quan tố tụng vào sự vận động bình thường của các giao dịch dân sự, kinh tế, do đó xâm hại tới các quan hệ dân sự, kinh tế.

Vì thế chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế cũng là một trong những biện pháp bảo vệ các giao dịch dân sự, kinh tế, làm lành mạnh môi trường kinh doanh, góp phần làm giảm rủi ro trong môi trường kinh doanh vốn đầy thách thức của các nhà doanh nghiệp.

Về bản chất, hình sự hoá là làm oan sai đối với người vô tội.

Tình trạng làm oan sai này khiến cho các cơ quan bảo vệ pháp luật (cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án) đáng lẽ là chỗ dựa của công lý, là hiện thân của nền công lý, là người bạn của những con người lương thiện nay đã trở thành một yếu tố ở thái cực ngược lại.

Đáng lẽ cơ quan bảo vệ pháp luật là người bạn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì các cơ quan này (khi để xảy ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế) trở thành cơ quan can thiệp thô bạo, xâm hại tới lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đảng đang tự sửa sai?

Có thể nói, tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào công lý, là một trong những biểu hiện không lành mạnh trong hoạt động của nền tư pháp nước nhà. Sự tồn tại của tình trạng hình sự hoá làm những người quan tâm không khỏi nghi ngờ về khả năng tự phát hiện và tự sửa sai của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là một hiện tượng mới của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thế nhưng vì sao từ đó đến nay Đảng vẫn… ‘dung dưỡng’, và phải đến “cuối mùa quyền lực” thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới ban hành một nghị quyết của Bộ Chính trị về yêu cầu “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế”?.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao lại chọn trẻ em làm ‘chuột bạch’?

Do Van Tien

VNTB – Không công khai giá điện là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng

Do Van Tien

VNTB – Bòn bon Việt Nam xuất khẩu có hàm lượng thuốc trừ sâu quá cao

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo