Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hồ sơ: Ổ tham nhũng ở Bộ Y tế Việt Nam? (Phần 2)

Hoài Nguyễn – Thới Bình

 

(VNTB) – Tin tức về cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ chịu kỷ luật Đảng, dọn đường việc đối mặt tù tội, với nhiều người thì đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

 

Phần 2: Tham nhũng quyền lực?

Vào năm 2006, ông Trương Quốc Cường là Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Từ năm 2007, ông Cường là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Ngày 25-4-2013, ông Cường được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bổ nhiệm lại chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam.

Ngày 21 tháng 11 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế theo Quyết định 2258/QĐ-TTg.

Sau này, trong hồ sơ ở một vụ án cho biết ông Trương Quốc Cường khi còn trên cương vị là người đứng đầu Cục quản lý dược, nhận được các báo cáo về việc giá thuốc H-Capita của công ty VN Pharma có điểm bất thường, ông đã chỉ đạo việc thanh kiểm tra nội bộ và ký công văn kiến nghị gửi cho cơ quan công an để điều tra làm rõ vụ việc.

Tuy nhiên đến ngày 4-11-2021, ông Trương Quốc Cường bị bắt và bị khởi tố về việc có hành vi phạm trong vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada, liên quan đến vụ án “Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược – Bộ Y tế”.

Kết quả lấy lời khai ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế (thời điểm năm 2014 là cục trưởng Cục Quản lý dược), trình bày:

Đối với các thông tin, tài liệu Cục Quản lý dược nhận được từ thời điểm 2014 chưa đủ cơ sở để dừng lưu hành các thuốc mang nhãn mác Health 2000, chưa đủ cơ sở đề nghi ngờ về nguồn gốc thuốc.

Với cương vị là cục trưởng, ông đã chỉ đạo đơn vị chức năng liên hệ, đề nghị phía Canada trả lời chính thức bằng văn bản để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên phía Canada không có văn bản trả lời nên ông Cường đã chỉ đạo chuyển thông tin liên quan, đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an phối hợp xác minh làm rõ theo quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Công an.

Ngoài ra, trong khi chờ kết quả trả lời chính thức và kết quả xác minh, Cục Quản lý dược đã có văn bản đề nghị hải quan tạm dừng nhập khẩu đối với loại thuốc trên.

“Căn cứ kết quả điều tra và chứng cứ thu thập được đến nay chưa đủ căn cứ xác định sai phạm của Cục Quản lý dược trong việc không dừng lưu hành thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada tại thời điểm năm 2014” – kết luận đánh giá.

Đối với việc làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế trong việc để các thuốc mang nhãn hiệu Health 2000 Canada được cấp số đăng ký lưu hành và cấp quota nhập khẩu vào Việt Nam, kết quả điều tra xác định: Ông Cao Minh Quang, cựu thứ trưởng, với vai trò là chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc, người quyết định cuối cùng việc cấp số đăng ký thuốc, có trách nhiệm liên đới trong việc để 2 loại thuốc được cấp số không đúng quy định.

Tuy nhiên căn cứ kết quả điều tra đến nay chưa đủ căn cứ xử lý hình sự đối với ông Cao Minh Quang.

Trong giới chăn nuôi heo thì tên tuổi của ông Trương Quốc Cường rất là quen thuộc, với việc ông chấp nhận cấp quota nhập khẩu với số lượng cực lớn salbutamol vào Việt Nam.

Số là từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số hóa chất, kích thích tố trong đó có clenbuterol, salbutamol và cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không sử dụng các chất nằm trong danh mục cấm trên. Theo đó, clenbuterol, salbutamol là hai hóa chất dùng sản xuất thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhưng ở Việt Nam, lại thường được trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm cho động vật lớn nhanh, tỉ lệ nạc cao hơn, màu sắc thịt đỏ hơn.

Người ăn thịt heo nuôi bằng 2 chất trên sẽ có nguy cơ bị ngộ độc và tích lũy trong cơ thể gây bệnh, ảnh hưởng đến tim mạch và trí tuệ, biến chứng ung thư thậm chí, gây tử vong.

Tuy nhiên sau 9 tháng tạm dừng vì bị lạm dụng làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, nguyên liệu salbutamol đã được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho phép nhập lại để làm thuốc, nhằm tránh tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh. Thông tin này được đại diện Cục Quản lý Dược khẳng định vào chiều 25-8-2016, sau khi đã có văn bản gửi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) –Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Tổng cục Hải quan thông báo về việc trên.

Trước đó, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, năm 2015 có trên 20 doanh nghiệp nhập khẩu 9.140 kg salbutamol về Việt Nam.

Nhưng trong đó có trên 6 tấn đã được bán ra thị trường và khoảng 3 tấn còn nằm trong kho của các doanh nghiệp, nhưng chỉ có 10 kg được sử dụng đúng quy định để sản xuất dược phẩm, số lớn còn lại đã bị sử dụng không đúng mục đích, khi bị lạm dụng làm thành chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Người ký cấp hạn ngạch nhập khẩu gần cả chục tấn salbutamol về Việt Nam đó chính là ông Trương Quốc Cường, khi ấy là Cục trưởng Cục Quản lý dược.

Một nguồn tin cho hay, 1 kg chất cấm salbutamol nhập khẩu chính ngạch thời điểm đó chỉ có giá 1,5 – 1,6 triệu đồng, nhưng đã bị đẩy lên đến 15 triệu đồng/kg khi được tuồn ra ngoài bán trái phép cho người chăn nuôi.

Công tâm mà nói, lúc công luận phản ứng vụ cấp hạn ngạch này, ông Trương Quốc Cường có giải thích như sau (trích):

Cuối năm 2015, các cơ quan chức năng phát hiện salbutamol được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc. Sau khi căn cứ vào số lượng thuốc thành phẩm còn tồn của các đơn vị sản xuất thuốc trong nước, để tránh hiện tượng sử dụng nguyên liệu làm thuốc sai mục đích, Cục Quản lý Dược đã có văn bản tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol đồng thời phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện hậu kiểm, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh nguyên liệu làm thuốc salbutamol.

Sau khi rà soát, chấn chỉnh, các doanh nghiệp sản xuất thuốc, bán buôn nguyên liệu làm thuốc đã triệt để thực hiện nghiêm túc đúng các quy định của ngành y tế trong sản xuất, kinh doanh loại nguyên liệu nói trên.

Hiện nay, một số cơ sở khám, chữa bệnh đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc salbutamol để điều trị, tổ chức đấu thầu. Cục Quản lý Dược nhận được đề nghị của một số cơ sở sản xuất xin nhập khẩu nguyên liệu salbutamol để sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân. Công ty Cổ phần dược Vacopharm và Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 đã trúng thầu cung ứng salbutamol 2mg, 4mg do các công ty trên sản xuất ở nhiều bệnh viện trong cả nước.

Căn cứ vào báo cáo nhu cầu của các công ty trên, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho 2 đơn vị trên nhập khẩu Salbutamol với số lượng tối thiểu, mỗi đơn vị 50 kg để kịp thời sản xuất thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của nhân dân như đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Tuy nhiên với giới thạo tin hậu trường y tế, thì tất cả câu chuyện ở trên cùng lắm là đi tìm một thế thân kiểu Lê Lai, bởi nói thẳng ra rằng nếu phải mổ xẻ khối u tham nhũng quyền lực ở Bộ Y tế, cần phải nhắc đến cái tên Nguyễn Quốc Triệu…


Tin bài liên quan:

VNTB – Tư nhân không được phép liên kết báo chí về “chính trị”

Phan Thanh Hung

VNTB – “Giật cô hồn” từng bị đi tù

Do Van Tien

VNTB – Ai mới thật sự thao túng đất đai?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo