Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hồ sơ: ‘Vụ án’ Vườn rau Lộc Hưng

Phú Nhuận (ghi)

 

(VNTB) – Thực tâm, người dân Vườn rau Lộc Hưng  không hề có ý định chống phá chính quyền hoặc gây mất an ninh trật tự…”.

 

Dự kiến trong tháng 8-2022 sẽ có buổi đối thoại giữa chính quyền quận Tân Bình, TP.HCM với bà con bị cưỡng chế nhà đất ở khu Vườn rau Lộc Hưng. Phía Đoàn Luật sư TP.HCM đã vào vai trò “trung gian” trước lần đối thoại này.

Theo chia sẻ của cựu nhà báo Thanh Tùng – người hiện được biết đến là luật sư Phạm Văn Thọ, thì “điều mong muốn cuối cùng của người dân Vườn rau Lộc Hưng là được chính quyền sớm giải quyết dứt điểm và thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Thực tâm, họ không hề có ý định chống phá chính quyền hoặc gây mất an ninh trật tự…”.

Việc chuẩn bị tư liệu cho buổi đối thoại hiện đã sẵn sàng. Xin được lược trích vụ việc qua góc nhìn của một luật sư từng là nhà báo làm việc trong hệ thống báo chí nhà nước.

Bài ghi nhận này có ba phần: Thứ nhất: tóm tắt nguồn gốc sử dụng khu đất Vườn rau Lộc Hưng và các quy định của pháp luật liên quan; Thứ hai: cuộc cưỡng chế thu hồi đất từ ngày 4 đến 8-1-2019 là trái pháp luật và quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của người dân Vườn rau Lộc Hưng; Thứ ba: kiến nghị phương án giải quyết dứt điểm vụ việc Vườn rau Lộc Hưng.

Đất đai thuộc tổ chức tôn giáo

Trước năm 1954, khu đất quen gọi là “Vườn rau Lộc Hưng” có diện tích khoảng 4,8 ha, thuộc quyền sở hữu của Hội đồng quản trị Công giáo Sài Gòn (nay là Tòa Tổng giám mục Sài Gòn). Việc sở hữu đất có tài liệu thể hiện, chính quyền TP.HCM thừa nhận.

Năm 1954, nhiều gia đình từ Bắc di cư vào Nam và Tòa Tổng giám mục Sài Gòn đã cho vài chục hộ dân xây dựng nhà sinh sống tại khu đất trên, dưới hình thức cho thuê đất hoặc cho ở nhờ. Tình trạng khu đất này tại thời điểm đó còn hoang hóa, chưa có ai canh tác.

Người dân cư ngụ tại đây đã khai phá, cải tạo, bồi đắp khu đất trong suốt quá trình sử dụng từ đó đến nay. Những hộ dân xây dựng nhà trên phần đất thuộc phía Tây của khu đất để ở.

Đặc biệt, những căn nhà thuộc khu này đã được chính quyền cấp sổ đỏ vào năm 2001. Phần đất còn lại, nay là khu Vườn rau Lộc Hưng thì người dân sử dụng vào việc trồng rau làm kế sinh nhai. Việc người dân thuê đất thể hiện tại các “Tờ tá”, hay “Khế ước”, hiện nay nhiều hộ dân còn lưu giữ.

Năm 1955, quân đội Pháp đã xây dựng “Đài phát tuyến Chí Hòa” trên khu đất Vườn rau Lộc Hưng một khu nhà và 9 trụ anten, mỗi trụ cách nhau 50 m. Vị trí khu nhà giáp đường Cách Mạng Tháng Tám (hiện nay), sau năm 1975, Bưu điện TP.HCM sử dụng. Vị trí 9 trụ anten rải rác trên một phần khu đất Vườn rau Lộc Hưng, trong đó có 3 trụ nằm trong khu vực nhà ở phía Tây nói trên.

Ngày 17-02-1955, Trưởng Đài phát tuyến ban hành một văn bản (tiếng Pháp), cho phép những người dân đang sống dọc hàng rào phía Tây được trồng trọt xung quanh các trụ anten, với điều kiện thỏa thuận trước với chủ đất là Hội truyền giáo Công giáo và những người khai thác tử thuở hoang sơ.

Năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất. Tại khu Vườn rau Lộc Hưng, người dân vẫn tiếp tục trồng rau bình thường. Khu đất Vườn rau Lộc Hưng lúc này thuộc phường 7 quận Tân Bình. Năm 1976, các hộ dân trồng rau tại Vườn rau Lộc Hưng đã được UBND phường 7 xác nhận việc có sử dụng đất. Nội dung xác nhận ghi rõ tên chủ hộ, diện tích đất đang sử dụng.

Trong thời gian từ năm 1976 đến 1981, các hộ dân trồng rau tại Vườn rau Lộc Hưng có nộp “thuế thổ trạch”.

Ngày 10-04-1982, UBND phường 7 ban hành Quyết định số 31/1982/QĐ-UB quy định việc thu thuế canh tác đất tại Vườn rau Lộc Hưng. Theo đó, các hộ nộp thuế với mức 10 xu/m2 cho 06 tháng nắng và 05 xu/m2 cho 06 tháng mưa.

Tháng 10-1988, phường 6 và phường 7 sáp nhập thành phường 6. UBND phường 6 vẫn tiếp tục thu thuế đối với các hộ dân Vườn rau Lộc Hưng theo Quyết định số 31/1982/QĐ-UB năm 1982 của UBND phường về việc thu thuế canh tác đất trồng rau.

Người dân Vườn rau Lộc Hưng đã đóng thuế liên tục 17 năm (từ 1982 – 1999) theo Quyết định này. Việc đóng thuế của các hộ dân được ghi nhận trong sổ thuế và các tờ biên lai, được UBND phường xác nhận nộp thuế liên tục 17 năm (từ 1982 – 1999).

Pháp luật điều chỉnh gì?

Quy định của pháp luật về sử dụng đất và quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của người dân Vườn rau Lộc Hưng – tính đến thời điểm năm 1993, thì trong thời gian người dân canh tác trồng rau tại khu Vườn rau Lộc Hưng, sau năm 1975, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản luật, thể hiện quyền được tiếp tục sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) của người dân.

Cụ thể: Năm 1980, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất ra đời. Tại Điều 20 quy định: “Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình”.

Năm 1987, Luật đất đai đầu tiên được ban hành. Tại Điều 1 quy định: “Người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này”. Tại Điều 49 quy định người sử dụng đất có quyền “được sử dụng đất ổn định, lâu dài; hưởng thành quả lao động; trường hợp đất đang sử dụng được thu hồi để giao cho người khác thì được đền bù thiệt hại thực tế, được bồi thường hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư đã làm tăng giá trị của đất đó”.

Năm 1993, Luật đất đai mới 1993 ra đời. Tại Điều 99 và Điều 100 quy định Nhà nước cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, có giấy tờ về nguồn gốc sử dụng đất, được UBND cấp xã xác nhận đã sử dụng trước ngày 15-10-1993.

Chiếu theo các quy định của pháp luật, các hộ dân sử dụng đất tại Vườn rau Lộc Hưng đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ.

Từ năm 2000 – 2006, sau khi UBND TP.HCM giao đất cho Công ty Sài Thành làm Dự án thương mại, người dân Vườn rau Lộc Hưng đã thực hiện quyền khiếu nại việc xác nhận sử dụng đất. Theo đó, năm 2001, UBND TP.HCM ban hành 2 quyết định giao khu đất Vườn rau Lộc Hưng cho Công ty Sài Thành và Bưu điện TP.HCM để triển khai Dự án thương mại xây dựng nhà ở.

Về phương thức đền bù giải phóng mặt bằng, trong văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, nêu: “Thông qua chính quyền, đền bù cho hộ dân đang sử dụng đất theo thỏa thuận”.

Quá trình triển khai Dự án từ 2001-2006, Công ty Sài Thành và người dân không đạt được thỏa thuận do giá đền bù quá thấp, nên Dự án đã không thực hiện được.

Thời điểm này, người dân Vườn rau Lộc Hưng nhận thấy việc không được cấp sổ đỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, nên đã liên tục khiếu nại, yêu cầu chính quyền xác nhận quá trình sử dụng đất để được cấp sổ đỏ theo luật định.

Tháng 05-2006, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã về tiếp xúc với người dân Vườn rau Lộc Hưng. Sau đó, ngày 15-11-2006, UBND TP.HCM đã có Thông báo số 14/2006TB-TCD về kết luận của Phó chủ tịch Nguyễn Văn Đua trong buổi tiếp xúc với người dân Vườn rau Lộc Hưng. Nội dung có một số điểm đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, giao UBND quận Tân Bình thành lập Hội đồng bồi thường, thực hiện bồi thường theo quy định khi triển khai dự án tại Vườn rau Lộc Hưng.

Thứ hai, giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM rà soát hồ sơ pháp lý, làm rõ nguồn gốc sử dụng đất tại Vườn rau Lộc Hưng trước và sau 30-4-1975 của các cá nhân có liên quan và Bưu điện TP.HCM như về thủ tục tiếp quản, việc đăng ký, thực tế sử dụng, thực tế thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

Đặc biệt, trong Thông báo số 14/2006/TB-TCD, tại điểm 2, đã thể hiện quan điểm của UBND TP.HCM, như sau (trích nguyên văn): “2. Về kiến nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây nhà tạm: UBND TP.HCM không có cơ sở pháp luật để chấp thuận đơn kiến nghị của các hộ dân đề nghị cấp GCNQSDĐ và xây nhà tạm tại khu “Vườn rau” phường 6, quận Tân Bình, vì khu đất này đã được UBND TP.HCM ban hành các Quyết định số 7564/QĐ-UB ngày 15-11-2001, giao đất cho Cty TNHH tư vấn và xây dựng Sài Thành để đầu tư hạ tầng khu nhà ở, Quyết định số 8220/QĐ-UB ngày 6-12-2001 về giao đất cho Bưu điện TP.HCM để đầu tư xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên Bưu điện”.

Qua những thông tin trên, cho thấy việc bà con Vườn rau Lộc Hưng khiếu nại và đề nghị được cấp GCNQSDĐ là hoàn toàn có thật và đã diễn ra từ trước những năm 2000, tức sau thời điểm Luật đất đai 1993 ra đời. Hiện có rất nhiều đơn từ, văn bản thể hiện việc này.

Ngày 21-11-2006, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có Văn bản số 11193 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến hướng dẫn giải quyết khiếu nại của người dân Vườn rau Lộc Hưng. Kèm theo Văn bản số 11193, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM soạn sẵn nội dung hai mẫu tài liệu, đó là: “Tờ khai quá trình sử dụng đất” và “Tờ xác nhận quá trình sử dụng đất”, dự định sẽ áp dụng tại Vườn rau Lộc Hưng.

Ngày 23-11-2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 5201 do Thứ trưởng Đặng Hùng Võ ký, trả lời Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, có nội dung như sau:

i. Các hộ dân không đủ điều kiện để được công nhận là người sử dụng đất (ghi chú: tức không đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ);

ii. Khi triển khai dự án tại khu Vườn rau Lộc Hưng, người dân được hỗ trợ, mức tối đa không quá mức bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi;

iii. Nội dung Tờ khai quá trình sử dụng đất và Tờ xác nhận quá trình sử dụng đất theo mẫu do Sở Tài nguyên và Môi trường gửi kèm là phù hợp và cần thiết.

Tuy nhiên, nội dung thể hiện trong mẫu Tờ khai và Tờ xác nhận quá trình sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM soạn sẵn với nội dung xác định tình trạng đất có “tranh chấp” là không khách quan, không chính xác.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng người dân đã “tận dụng”/ lấn chiếm đất tại Vườn rau Lộc Hưng. Nội dung nêu trong văn bản 11193 về thực trạng sử dụng đất tại Vườn rau Lộc Hưng cũng không đầy đủ, thiếu khách quan, không ghi nhận thực tế sử dụng đất của người dân. Chính vì vậy, khi UBND phường mời các hộ dân đến để xác nhận quá trình sử dụng đất theo mẫu do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM soạn sẵn, đã bị người dân từ chối, không đồng tình với nội dung xác nhận theo mẫu và tiếp tục khiếu nại.

Năm 2007 – 2009 người dân Vườn rau Lộc Hưng dựng những căn nhà gỗ, lợp tôn để con cháu ra ở, trông coi tài sản, nuôi thỏ, kinh doanh kiếm sống. Cứ thế, từ năm 2016, các ông bà, cha mẹ bắt đầu xây dựng nhà cấp 4 để ở, chia cho thế hệ các con cháu tiếp tục cư ngụ, kinh doanh kiếm sống hằng ngày, cho thuê và chuyển nhượng qua lại.

Từ năm 2016 – 2019 bắt đầu nhu cầu xây dựng nhà cấp 4 phát triển mạnh xây dựng nhà, từ các thế hệ thừa hưởng lên đến 503 căn nhà và bị chính quyền bị cưỡng chế không tuân thủ các trình tự luật định.

Cũng từ đây, tất cả các đợt tập thể lên phường, quận trình báo, kiến nghị, chính quyền không tiếp nhận và tập thể người dân phải gởi đơn thư khiếu nại lên chính quyền TP.HCM và các bộ ngành Trung ương…

Đến năm 2008, khu đất Vườn rau Lộc Hưng trở thành “khu đất công trình công cộng” khi giao về cho UBND quận Tân Bình. Theo đó, do Công ty Sài Thành không thực hiện được Dự án, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi khu đất Vườn rau Lộc Hưng, giao cho UBND quận Tân Bình quản lý, lên kế hoạch các dự án khác. Từ đây, khu đất Vườn rau Lộc Hưng được chính quyền gọi là “khu đất công trình công cộng tại phường 6”.

Trong giai đoạn 2008 – 2013, UBND quận Tân Bình đã có nhiều quyết định, triển khai một số kế hoạch/dự án trên khu đất Vườn rau Lộc Hưng, nhưng không có dự án nào hoàn chỉnh.

Năm 2013, UBND quận Tân Bình lập “Dự án đầu tư xây dựng cụm trường học công lập chuẩn Quốc gia” tại khu đất Vườn rau Lộc Hưng. UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận.

Ngày 26-06-2015, UBND quận Tân Bình có văn bản kiến nghị tách Dự án thành 02 Dự án riêng biệt, gồm: (i). Dự án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng “khu đất công trình công cộng”; (ii). Dự án đầu tư xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia.

Cuộc cưỡng chế và hành trình khiếu nại, tố cáo

Sáng ngày 4-1-2019, thời điểm cần kề Tết cổ truyền của dân tộc, chính quyền quận Tân Bình đã điều động một đoàn cưỡng chế, đưa xe cơ giới tiến vào Vườn rau Lộc Hưng một cách bất ngờ, không hề thông báo trước, cũng không đưa ra quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế và thông báo cưỡng chế khi người dân yêu cầu.

Đoàn cưỡng chế đã trục xuất người dân khỏi nhà và khu đất của họ, sau đó san bằng, phá hủy toàn bộ khoảng hơn 500 căn nhà trên khu đất Vườn rau Lộc Hưng cùng toàn bộ tài sản trong nhà. Tổng trị giá thiệt hại, chỉ tính riêng về nhà và tài sản, là khoảng trên 100 tỷ đồng.

Trả lời trên báo chí sau đó, lãnh đạo UBND quận Tân Bình nói không thu hồi đất ở Vườn rau Lộc Hưng, mà chỉ là cưỡng chế các trường hợp xây dựng trái phép phát sinh từ sau ngày 1-1-2018.

Theo Thông báo số 159 ngày 29-12-2018 của UBND phường 6, việc cưỡng chế là “tháo dỡ đối với các trường hợp xây dựng trái pháp luật phát sinh từ ngày 01-01-2018 tại “khu đất công trình công cộng”, thời gian tổ chức cưỡng chế dự kiến trong vòng 90 ngày (bắt đầu từ ngày 02-01-2019)” là không đúng sự thật, đã vi phạm luật định về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất.

Sau đợt cưỡng chế ngày 4-1-2019 cho tới nay, người dân Vườn rau Lộc Hưng đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo và trực tiếp gõ cửa khắc các cơ quan công quyền, sau đây:

Gửi đơn kêu cứu khẩn cấp lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo TP. HCM, đề nghị được gặp lãnh đạo TP.HCM để kêu cứu về việc bị cưỡng chế thu hồi đất, hủy hoại tài sản;

Gửi đơn tố cáo hủy hoại tài sản đến Công an TP.HCM và Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM. Nội dung: tố giác hành vi cưỡng chế thu hồi đất tiến hành không đúng trình tự, thủ tục (không có quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế và thông báo cưỡng chế – theo quy định của pháp luật), hủy hoại nhà cửa của người dân; đối tượng bị cưỡng chế không đúng theo thông báo của chính quyền.

Ra Hà Nội gặp Ban tiếp công dân thuộc Thanh tra Chính phủ (3 lần) để phản ánh nội dung khiếu nại tố giác và nguyện vọng, kiến nghị của người dân; nhờ hỗ trợ giải quyết.

Gặp Thanh tra và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để khiếu nại và yêu cầu làm rõ giá trị pháp lý của văn bản 5201 ngày 23-11-2006, do Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, ký. Làm rõ việc chính quyền TP.HCM dùng văn bản này làm cơ sở để không cấp sổ đỏ cho dân là đúng hay sai?

Gặp Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, khiếu nại về sự mơ hồ của “Dự án cụm trường công lập đạt chuẩn quốc gia” tại khu đất Vườn rau Lộc Hưng.

Kiến nghị và đề xuất phương án giải quyết

Hiện tại thì ếu thực hiện theo nguyện vọng và yêu cầu xem xét cấp GCNQSDĐ của người dân Vườn rau Lộc Hưng là quá khó khăn cho chính quyền, bởi tất cả hơn 500 căn nhà của người dân trên khu đất này đã bị chính quyền quận Tân Bình san thành bình địa.

Nếu chọn phương án cấp GCNQSDĐ nêu trên, thì vụ việc này sẽ trở nên vô cùng phức tạp, chắc chắn khiếu kiện sẽ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội do người dân quá bức xúc. Nên, trong nhiều lần được người dân Vườn rau Lộc Hưng mời tham gia nhóm họp để bàn về phương án đấu tranh đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, nhóm luật sư đều tư vấn, rằng bất kể chọn phương án nào cũng cần phải kiên trì và tuyệt đối tuân thủ pháp luật.

Thiết nghĩ, để Dân tin, Dân yêu thì dù muốn hay không, dù sớm hay muộn, chính quyền quận Tân Bình và chính quyền TP.HCM cũng phải chọn phương án giải quyết dứt điểm và thỏa đáng về quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, không thể né tránh mãi được.

Đề xuất phương án giải quyết như sau:

Một, UBND quận Tân Bình công nhận nguồn gốc đất của người dân Vườn rau Lộc Hưng sử dụng và canh tác là hợp pháp.

Hai, nếu thực sự có “Dự án công trình công cộng” như chính quyền quận Tân Bình loan báo, thì chính quyền quận Tân Bình cần phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về cưỡng chế thu hội đất và công khai cho người dân được biết;

Ba, UBND quận Tân Bình cần lập kế hoạch đo đạc thực địa, tính toán đối với diện tích đất của từng hộ dân và thỏa thuận giá bồi đất thường thỏa đáng cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, căn cứ trên nền tảng pháp luật quy định về cưỡng chế thu hồi đất.

Bốn, UBND quận Tân Bình lập kế hoạch tính toán và thỏa thuận giá bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất, như: nhà cửa, tài sản là những động sản trong nhà và nguồn thu nhập bị mất bởi đợt cưỡng chế không tuân thủ trình tự, thủ tục pháp lý vào tháng 01-2019, do chính quyền quận Tân Bình tổ chức thực hiện.

Bởi lẽ, trước đây năm 2001, khi Công ty Sài Thành thực hiện Dự án thì thỏa thuận đền bù đất cho dân, nên nay chính quyền thực hiện thu hồi đất phải bồi thường cho người dân Vườn rau Lộc Hưng vừa đúng pháp vừa phải đạo lý.

Đặc biệt, khi giải quyết thỏa đáng cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, thì chính quyền sẽ được một cái rất lớn mà rất nhiều tiền cũng không thể mua được, đó là lòng tin của người dân Vườn rau Lộc Hưng nói riêng và người dân Sài Gòn – TP.HCM nói chung.


Tin bài liên quan:

VNTB – Người nghèo ở TP.HCM được tiêm vắc xin miễn phí

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: đa chiều về… ‘nội chiến’

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Phản biện xã hội là một quyền ‘có định hướng’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo