Việt Nam Thời Báo

VNTB – Học phí đại học tăng: thêm gánh nặng cho các bậc phụ huynh

Mai Lan

 

(VNTB) – Học phí trường công tăng mạnh từ niên khóa sắp tới đây.

 

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, từ năm học 2022 – 2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 – 3,5 triệu đồng/tháng.

So với năm học 2021 – 2022 thì mức trần học phí năm học 2022 – 2023 tăng vọt (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (hiện ở mức trần 1,43 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên thành 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành II) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) mức tăng vừa phải hơn, 15,3%.

Đơn cử, năm học 2022-2023, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến thu học phí 42 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025-2026 là 48 triệu đồng.

Tính riêng học phí năm học 2022-2023 khi so sánh với mức 35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021, học phí của trường đã tăng thêm 24%.

Lý giải về mức tăng này, PGS-TS Lê Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay bắt đầu từ khóa tuyển sinh 2022-2023, các trường đại học phải xây dựng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, nhà trường đã xác định học phí của chương trình đào tạo. Mức học phí này đã được hội đồng đánh giá, nghiệm thu và phê duyệt từ cơ quan chủ quản là Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí của chương trình đào tạo chuẩn dao động 22 – 28 triệu đồng/năm, chương trình ELiTECH dao động 40 – 45 triệu đồng/năm.

Chương trình đào tạo khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin Việt – Pháp, logistics và quản lý chuỗi cung ứng có học phí dao động 50 – 60 triệu đồng/năm, chương trình tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế dao động 45 – 50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế dao động 55 – 65 triệu đồng/năm, chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) khoảng 80 triệu đồng/năm.

Theo lãnh đạo nhà trường, đề án học phí của trường theo cơ chế giá, căn cứ vào chi phí đào tạo. Với một chương trình riêng lẻ học phí tăng không quá 10% một năm so với chương trình hiện hành và mọi thu chi đều được nhà trường thông báo tới người học.

Năm học tới, hệ đại trà của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ lên 440.559 đồng/tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ.

Một đại học khác có mức tăng học phí khá mạnh là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM. Từ năm 2022, trường thực hiện đổi mới, tự chủ về học phí, vì vậy, mức thu học phí của trường dự kiến tăng lên từ 16-60 triệu đồng/năm.

Cụ thể, học phí nhóm ngành khoa học xã hội từ 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học; học phí nhóm ngành ngôn ngữ và du lịch từ 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm học. Mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.

Tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM, mức học phí cho khóa tuyển sinh năm 2022 dự kiến 64-72 triệu đồng/năm (tùy ngành).

Trong khi đó, tại Trường Đại học Hoa Sen (đây là trường của tư nhân), học phí năm học 2022 với 33 ngành và 10 chương trình đào tạo bậc đại học chính quy sẽ dao động từ 80-85 triệu đồng/năm học. Riêng chương trình song bằng sẽ có mức phí trung bình 85,5 triệu đồng/năm; Hoa Sen Elite sẽ có mức học phí 115-120 triệu đồng/năm.

Đối với hầu hết bậc phụ huynh thì học phí tăng đồng nghĩa với việc tăng áp lực tài chính, chồng chéo thêm nhiều nỗi lo. Đặc biệt, đối với các gia đình ở nông thôn, học phí cho con sẽ là khoản chi tiêu quá sức.

Người viết cho rằng tổng định mức đào tạo cho một sinh viên thường từ 3 nguồn: Chi phí hỗ trợ từ nhà nước và các nguồn tài trợ; học phí; vay tín dụng.

Như vậy thì chiến lược phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam dựa chủ yếu vào học phí như của người học theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, là không ổn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành một thời gian dài khiến kinh tế nhiều gia đình đang kiệt quệ, chưa kể nhiều học sinh – sinh viên đã mất mẹ, mất cha vì Covid, nay lại đối mặt nỗi lo tăng học phí.


Tin bài liên quan:

VNTB – Con nhà nghèo đừng mơ vào đại học

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM bàn về liên kết đào tạo với Đại học Nanhua (Đài Loan)

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ban Chỉ đạo COVID-19: Dù có dịch hay không vẫn phải tổ chức thi tốt nghiệp

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.